Lòng Thương Xót của Thiên Chúa làm cho chúng ta được tự do – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 14.12.2015)

 

Niềm hy vọng vào Lòng Xót Thương của Thiên Chúa làm cho con người được tự do – Đức Thánh Cha đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng thứ Hai hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha nói rằng, bất cứ „sự nghiêm khắc mang tích giáo sĩ“ nào cũng đều có thể nhốt kín những con tim, cũng như có thể gây ra nhiều nỗi khổ đau.

Thiên Chúa lớn lao và vĩ đại hơn bất cứ tội lỗi nào của con người – Đức Thánh Cha quả quyết. Ngài đã dựa vào Bài Đọc I được trích từ sách Dân Số (Ds 24,2-7.15-17a) để nói về tội lỗi. Bài Đọc này liên hệ đến vua Mô-ab, người cảm thấy mình bị đe dọa bởi những người Israel đang kéo đến gần, và đã cầu cứu sự giúp đỡ của Ngôn Sứ Ba-la-am. Vị này được coi như là người đáng tin và vĩ đại. Mặc dầu không phải là người Israel, ông Ba-la-am vẫn nhận mình là người của Gia-vê, Thiên Chúa của Israel. Được thúc đẩy bởi Thần Khí Gia-vê, ông đã chúc phúc cho Israel, thay vì nguyền rủa dân này như vua Mô-ab đã yêu cầu ông. Và Đức Thánh Cha cũng đã ca ngợi ông ấy: „Ba-la-am đã có lỗi và sự yếu đuối của ông. Mỗi người trong chúng ta cũng đều có những điều ấy. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Nhưng chúng ta đừng sợ, vì Thiên Chúa còn cao cả hơn tội lỗi chúng ta.“ Ba-la-am đã gặp Thiên Thần Chúa trên đường đời của ông và đã mở con tim của ông ra cho Thiên Chúa. „Sau đó ông đã không đổi hướng nữa, và càng ngày càng bảo đảm cho chân lý này“ – Đức Thánh Cha giải thích. Vì chân lý này ban tặng niềm hy vọng.

Niềm Hy Vọng như là nhân đức Ki-tô giáo

Niềm hy vọng chính là một nhân đức Ki-tô giáo mà các tín hữu đã nhận được từ Thiên Chúa – Đức Thánh Cha tiếp tục. „Nhờ đó chúng ta có thể nhìn vượt ra ngoài những vấn đề của chúng ta, chẳng hạn như vượt lên trên những nỗi khổ đau và những tội lỗi của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ nhìn thấy điều tuyệt vời của Thiên Chúa“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Đó cũng là sứ điệp của Giáo hội: „Chúng ta cần tới những người nam và những người nữ hy vọng!  Những con người ấy cũng phải ở giữa chúng ta ngay cả khi chúng ta có những vấn đề và những khó khăn. Vì niềm hy vọng mở chúng ta ra và làm cho chúng ta được tự do!

Tại sao ông làm điều đó?

Ai đã trao quyền này cho ông?“ Dựa vào câu hỏi mà Bài Tin Mừng trong ngày, tức bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 21,23-27) thuật lại, Đức Thánh Cha đã đề cập đến những hoạt động của Chúa Giê-su: Nói chung, câu hỏi đã liên hệ đến hoạt động của Chúa Giê-su. Các vị đại diện đền thờ đã cảm thấy cách thức hành động của Chúa Giê-su như là một cuộc tấn công và như là một sự tuyên án án (Mt 21,13), và với cảm giác đó, họ đã không nhầm. „Họ không có đường chân trời vì họ là những con người tự nhốt mình lại trong chính mình, họ là những kẻ chỉ thực hiện những trù tính riêng của mình. Họ chính là những kẻ nô lệ cho sự nghiêm khắc của họ, nhưng những tính toán của con người lại nhốt kín con tim và làm cho chúng ta mất tự do; trái lại, nhờ niềm hy vọng, chúng ta cảm thấy mình thoải mái“ – Đức Thánh Cha quả quyết.

Đối với „những người nam và những người nữ của Giáo hội“, những điều tuyệt vời nhất lại chính là sự tự do, quảng đại và hy vọng – Đức Thánh Cha nói tiếp. Trái lại, bất cứ sự nghiêm khắc nào nơi „những người nam và những người nữ của Giáo hội“ cũng đều làm cho vấn đề trở nên tồi tệ. „Trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót này có cả hai con đường ấy: một mặt thì người ta có niềm hy vọng vào Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, mặt khác thì người ta biết rằng, Thiên Chúa là Cha. Và điều đó cho thấy rằng, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, và thực ra là tha thứ tất cả. Thiên Chúa, Đấng là Cha, sẽ ôm ghì lấy chúng ta và tha thứ cho chúng ta luôn luôn. Ai tự nhốt mình trong những điều nghiêm khắc riêng của mình, người ấy không biết gì về Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Vào thời Chúa Giê-su, đó là những Luật Sĩ, họ đã tốt nghiệp đại học, nhưng khoa học của họ đã không cứu họ!

Chuyện tiếu lâm từ năm 1992

Kết thúc bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã kể một câu chuyện tiếu lâm từ năm 1992. Hồi đó, trong một buổi Phụng Vụ với các bệnh nhân, Ngài đã ngồi giải tội lâu giờ cho các tín hữu. Có một cụ bà chừng 80 tuổi đến với Ngài. Cụ bà này „có cặp mắt xuyên thấu và tràn đầy hy vọng“ – Đức Thánh Cha kể. „Cha nói với bà ấy: này bà ngoại, bà muốn đến xưng tội sao? Thực ra tôi đang muốn đứng lên để đi ra ngoài  - Cha nói với bà ta như thế. Nhưng bà không có tội tình gì nữa, Cha thêm vào, và bà ấy trả lời Cha: ´Thưa Cha, tất cả chúng ta đều có tội`. Và Cha cãi lại bà ấy rằng, có lẽ Thiên Chúa không tha cho tất cả theo một cách giống nhau. ´Thiên Chúa tha tất cả!` - bà ấy trả lời Cha. Và làm sao bà biết điều ấy? Bà ấy trả lời: ´Nếu Thiên Chúa không tha tất cả thì rồi sẽ không còn có thế giới nữa!` Chúng ta hãy ghi nhớ bài học ấy của bà cụ già. Bà ấy là người Bồ-đào-nha: Thiên Chúa tha thứ tất cả, Ngài chỉ mong chờ một điều rằng, bạn sẽ đến với Ngài.“

(theo de.rv 14.12.2015 mg)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2015