Giáo hội nghèo thay vì các tín hữu hám tiền – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 15.12.2015)

 

Một Giáo hội nghèo nhưng tràn đầy hy vọng, đó là điều mong muốn của Đức Thánh Cha. Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha đã giảng rằng, sự nghèo khó được coi là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc. Và Đức Thánh Cha bổ sung thêm rằng, kho tàng lớn nhất của Giáo hội chính là những người nghèo, chứ không phải là những người với tiền bạc rủng rỉnh hay với quyền lực thế gian.

Chúa Giê-su đã cảnh báo các thượng tế một cách mãnh liệt, và Ngài nói với họ rằng, thậm chí „những quân thu thuế và phường đĩ điếm“ còn có thể vào Nước Thiên Chúa trước các ông, như bài Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu hôm nay thuật lại (Mt 21,28-32). Ngay cả trong thời đại hôm nay, bất cứ người tín hữu nào cũng có thể bị lôi cuốn bởi tiền bạc và quyền lực để phủ nhận chứng tá của Giáo hội. Như được nói tới trong Bài Đọc I hôm nay, tức Bài Đọc được trích từ sách Ngôn Sứ Sô-phô-ni-a (Sph 3,1-2.9-13): tất cả một dân tộc sẽ có thể phải trải qua „một hệ quả tồi tệ“ nếu dân tộc ấy không lắng nghe tiếng Chúa.

Khiêm nhượng, nghèo túng và tín thác

Một Giáo hội trung tín với Thiên Chúa phải bao hàm trong mình ba yếu tố: Khiêm nhượng, nghèo túng và tín thác. „Một Giáo hội khiêm nhượng chính là một Giáo hội không tự trang điểm cho mình với thói hách dịch hay với bệnh hoang tưởng tự đại. Nhưng khiêm nhượng cũng không có nghĩa là người ta trở nên yếu nhược hay kiệt lực. Không! Đó không phải là sự khiêm nhượng, đó là sân khấu hài kịch! Đó là một sự khiêm nhượng mà nó chỉ được biểu lộ theo dáng vẻ. Sự khiêm nhượng chứa đựng một bước đi quan trọng đầu tiên, mà thực ra, đó là việc thú nhận rằng, người ta là một tội nhân. Nếu bạn không ở trong tình trạng để thú nhận mình là như thế, cũng như nhìn nhận rằng, người khác tốt hơn bạn, thì rồi bạn sẽ không phải là người khiêm nhượng. Vì thế, đối với Giáo hội, bước đi đầu tiên chính điều: Giáo hội phải cảm thấy mình như là một nữ tội nhân, và chúng ta muốn noi theo giáo hội về mặt ấy. Nếu chúng ta đã quen với việc chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của người khác và bàn tán về điều đó, thì chắc chắn đó không phải là sự khiêm nhượng, nhưng người ta đã trở thành một vị quan tòa trên người khác rồi.“

Không phải là Giáo hội tham lam

Mặc dầu vậy, Giáo hội và kể các các tín hữu vẫn đều phải cầu nguyện xin Chúa ban cho tất cả mọi người cũng như ban cho Giáo hội có được sự khiêm nhượng này. Bước thứ hai chính là sự nghèo khó, nó được coi như là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc. Nghèo khó trong tinh thần có nghĩa là chỉ tập chú vào „sự giầu có của Thiên Chúa“. Vì thế, bản thân Giáo hội không được phép bám bứu vào sự giầu có thế gian, tức chỉ thích nói về tiền. Trước kia, người ta phải thanh toán hay phải trả một chi phí gì đó mới được phép bước qua Cổng Thánh. Nhưng điều ấy không phải là ý muốn của Chúa Giê-su – Đức Thánh Cha bổ sung.

Phó Tế Lô-ren-xô của chúng ta, vị Thánh đã hoạt động trong Giáo phận này, đã có thẩm quyền đối với những vấn đề tài chánh, nhưng khi nhà vua muốn chiếm đoạt tài sản của Giáo hội và đã đe dọa giết Ngài, vị Phó Tế này đã quay về và đi đến với những người nghèo. Những người nghèo chính là tài sản của Giáo hội. Nếu bạn có một ngân hàng riêng, thì thực ra bạn cũng đang chỉ sở hữu một ngân hàng, nhưng con tim của bạn vẫn nghèo hèn, vì con tim của bạn không được kết hiệp với tiền bạc. Sự nghèo khó có nghĩa là thái độ khác biệt này và là sự phục vụ những người nghèo, những người cùng khốn.“

Mỗi người nên tự hỏi, liệu tôi có cảm thấy mình nghèo hay không – Đức Thánh Cha đề nghị, và Ngài đề cập tới bước thứ ba: Giáo hội phải có sự tín thác vào Thiên Chúa. „Niềm tín thác của tôi ở đâu? Phải chăng nó đang nằm ở nơi nhà cầm quyền, nơi bạn hữu hay nơi tiền bạc? Nơi Thiên Chúa! Đó là gia tài của con tim chúng ta: Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo hèn và khiêm nhượng, nó sẽ tìm kiếm sự trú ẩn của mình nơi danh Đức Chúa. Đó là một dân khiêm nhượng, vì dân biết rằng, mình phát xuất từ những tội nhân; đó là dân nghèo hèn, vì dân ấy hướng về sự giầu có của Thiên Chúa, và trong trường hợp dân sở hữu tiền bạc, thì rồi dân sẽ biết người ta nên cư xử thế nào với chúng cho đúng; hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, vì dân biết rằng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện cho họ điều tốt đẹp.“

 

(theo de.rv 15.12.2015 mg)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2015