Người ta chỉ có được sự khiêm nhượng nhờ vào việc bị sỉ nhục – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 01.02.2016)

 

Thiên Chúa thứ tha tất cả mọi tôi lỗi, nhưng những vết thương mà chúng bị tạo ra bởi tội lỗi sẽ không dễ dàng được chữa lành. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Vua Đa-vít đã „thực hiện một bước đi trong sự hủ hóa“, khi ông gửi Urija ra chiến trận, để có thể chiếm được vợ của vị quân nhân này – Đức Thánh Cha đã liên hệ đến bài Đọc I trong ngày để giảng như thế. Nhưng Ngôn Sứ Natan đã làm cho ông hiểu được điều mà ông đã làm. Đa-vít – Thánh Nhân và đồng thời cũng là tội nhân – đã không hoàn toàn bị hư hỏng – Đức Thánh Cha nhận xét; ông đã thừa nhận rằng mình đã phạm tội.

Và Ngôn Sứ Natan đã nói cái gì?“ – Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. „Đức Chúa đã tha thứ tội lỗi cho ông, nhưng sự hủ hóa mà ông đã gieo rắc, sẽ lớn lên. Ông đã giết người để che giấu tội ngoại tình, vì thế, gươm sẽ không bao giờ rời khỏi nhà ông.“ Người ta cũng có thể nhìn thấy điều đó ngay cả trong thời đại hôm nay, những vết thương của tội lỗi sẽ không dễ dàng được chữa lành – Đức Thánh Cha quả quyết.

Sau đó lưỡi gươm đã đến với vua Đa-vít trong hình thức người con trai của ông là Absalon, và ông đã phải thực hiện một cuộc chiến để chống lại người con này – Kinh Thánh tường thuật lại như thế. Nhưng Đa-vít đã chống lại cơn cám dỗ muốn lợi dụng Thiên Chúa bằng cách núp mình đàng sau lưng Ngài và gây chiến nhân danh Ngài. Ông đã khiêm tốn trốn khỏi Giê-ru-sa-lem với cái đầu trùm kín và đã hoàn toàn đặt mình vào trong tay Thiên Chúa, chứ không hề cậy dựa vào vũ khí.

„´Hy vọng Thiên Chúa sẽ nhìn thấy những nỗi khổ đau của ta và làm cho ta có được kinh nghiệm về sự tốt lành` - ông đã nói với đám thuộc hạ như thế để bày tỏ niềm tín thác hoàn toàn của ông vào Thiên Chúa. Và con đường này của Đa-vít, từ khoảnh khắc hủ hóa cho tới khi đặt mình hoàn toàn vào trong đôi tay của Thiên Chúa, đó là sự thánh thiện, đó là sự khiêm nhượng.“

Sự khiêm nhượng chỉ có thể đến được với trái tim con người nhờ vào việc bị sỉ nhục – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Có thể nói được rằng, đó là quy luật „toán học“. „Con đường duy nhất dẫn tới sự khiêm nhượng đi ngang qua sự chịu sỉ nhục. Rồi cuối cùng sự thánh thiện mới đến, mà sự thánh thiện ấy được Thiên Chúa ban cho con cái của Ngài cũng như cho Giáo hội của Ngài nhờ vào việc Chúa Con bị sỉ nhục. Ngài là Đấng đã để cho mình bị phỉ báng và bị đóng đinh một cách bất công. Trong cách ứng xử của mình, vua Đa-vít chính là một lời tiên báo về việc Chúa Giê-su bị sỉ nhục. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn khiêm nhượng cho mỗi người trong chúng ta cũng như cho toàn Giáo hội; nhưng cũng xin Ngài ban cho chúng ta ơn biết học để hiểu rằng, nếu không có sự bị sỉ nhục thì chúng ta sẽ không thể đến được với sự khiêm nhượng.“

 

(theo de.rv 01.02.2016 ord)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 2, 2016