Đức Thánh Cha: „Thiên Chúa Có Một Trí Nhớ Không Tốt – Ngài Quên Hết Mọi Tội Lỗi

Thiên Chúa có một trí nhớ rất kém, vì khi Ngài đã tha thứ một tội lỗi nào đó thì Ngài quên nó ngay lập tức, không bao giờ nhớ tới nó nữa. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong một cuộc gặp gỡ với các tham dự viên của một hội nghị do Tòa Thánh Vatican tổ chức với đề tài về Bí Tích Cáo Giải. Hội nghị này diễn ra ngay tại Vatican trong ngày thứ Sáu vừa qua và kết thúc với một buổi Phụng Vụ Thống Hối cùng ngày tại Đền Thờ Thánh Phê-rô. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tới ý nghĩa trung tâm của Bí Tích Cáo Giải – không chỉ đối với Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót. Ơn tha thứ - Đức Thánh Cha nói – có lẽ là điều vĩ đại nhất của Cổng Thánh.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đến được với con người bằng nhiều cách thức khác nhau – Đức Thánh Cha nói như thế với khoảng 500 Giáo sĩ của hội nghị nêu trên: Thông qua việc đánh thức một lương tâm ngay thẳng, chẳng hạn như qua việc đọc Kinh Thánh, mà qua đó một tâm hồn có thể được biến đổi; qua việc gặp gỡ với những người anh chị em có lòng nhân hậu; và ngay cả qua những kinh nghiệm cuộc sống mà chúng nói cho biết về những vết thương, về tội lỗi, về ơn tha thứ và về Lòng Thương Xót. Nhưng con đường an toàn và chắc chắn nhất dẫn tới Lòng Thương Xót chính là sự tha thứ các lỗi lầm mà Chúa Giê-su đã nêu gương và đã để lại cho Giáo hội với tư cách là Bí Tích Giao Hòa.

Sau khi nhận lãnh sự giải tội từ Linh mục, bất cứ người tín hữu nào cũng có thể tin chắc chắn rằng, mọi tội lỗi của họ đều đã được xóa sạch bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Những tội lỗi ấy không còn hiện hữu nữa! Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Cha rất vui khi biết được rằng, Ngài có một sự yếu đuối nhất định nào đó: Ngài có một trí nhớ rất tồi. Ngài đã tha cho bạn một lần rồi thì Ngài quên luôn tội lỗi của bạn. Đó là sự quảng đại! Sau đó tội lỗi không còn nữa. Theo một cách thức nào đó, bất cứ lời giải tội nào cũng đều là một Năm Hồng Ân của tâm hồn, lời xá giải ấy không chỉ làm cho các tín hữu và Giáo hội vui mừng, nhưng cũng còn làm cho chính Thiên Chúa vui nữa.“

Đức Thánh Cha đã nhắc tới những Lời của Chúa Giê-su: „Trên trời cũng sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần hối cải.“ Cha Giải Tội phải trở thành người môi giới của niềm vui, để sau khi được tha thứ, người tín hữu không còn phải bị nghiền nát bởi gánh nặng tội lỗi của họ nữa, nhưng có thể cảm thấy sức mạnh giải thoát của Thiên Chúa, sẵn sàng sửa chữa những lỗi lầm, và gặp gỡ người khác với một con tim tốt lành và cởi mở.

Anh em thân mến, trong thời gian này, tức trong thời gian mà chủ nghĩa cá nhân đang thống trị, trong đó có nhiều vết thương và có cơn cám dỗ muốn tự nhốt mình lại, thì việc được nhìn thấy những con người mà họ đụng chạm tới được Lòng Thương Xót, đó là một hồng ân thực sự“.

Nhưng Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về trách nhiệm của các Cha Giải Tội. Các Ngài phải hướng sự chú ý vào Tin Mừng và phải hành động với mối thiện cảm của một người cha. „Chúng ta là những người lính gác chứ không phải là những ông chủ trên đoàn chiên và trên ân sủng“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Tôi sẽ làm cái gì nếu như tôi không thể giải tội cho con người? Trước hết tôi phải cố tìm cho được một con đường mà trong hầu hết mọi trường hợp người ta cũng đều thấy. Thứ hai, chúng ta không được phép quá lệ thuộc vào điều được nói ra, nhưng nên dựa vào sự giao tiếp không lời. Có những lời mà họ không thể tự diễn tả được, nhưng sự thống hối và nỗi đau khổ của họ trong những cử chỉ đã trở nên rõ ràng. Và thứ ba là: Nếu chúng ta không thể nói lời giải tội, thì chúng ta phải nói như một người cha: ´Con nghe này, vì lý do này hay vì lý do kia nên cha không thể giải tội cho con được, nhưng cha có thể bảo đảm rằng, Thiên Chúa vẫn rất yêu thương con và đang chờ đợi con.`

Đức Thánh Cha cho biết rằng, Ngài vẫn thường xuyên phải nghe về chuyện những người không bao giờ đến Tòa Giải Tội nữa vì Cha Giải Tội quá nghiêm khắc. Ngay cả trong những tình huống không chắc, nếu các Cha Giải Tội không đọc lời xá giải, tức không thể giải tội cho hối nhân, thì các Ngài phải làm cho các hối nhân cảm thấy được hơi ấm của tình cha. „Đơn giản là hãy cùng cầu nguyện một chút với họ. Đó cũng là một Đại Lễ, vì lúc ấy Thiên Chúa sẽ biết rõ hơn chúng ta về việc Ngài có thể tha thứ như thế nào. Ít nhất thì chúng ta cũng có thể cố gắng để trở nên họa ảnh của Thiên Chúa trong việc đó.“

Đức Thánh Cha đã nhắc tới hai Cha Giải Tội nổi tiếng, đó là Cha Thánh Pio và Thánh Leopoldo Mandic mà thi hài của các Ngài đã được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phê-rô cách nay mấy tuần. Sinh thời, các Ngài đã lôi kéo hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đến với các Ngài, và các Ngài đã tiếp nhận họ trong Tòa Cáo Giải.

Thánh Mandic đã luôn luôn giảng đi giảng lại rằng, Lòng Thương Xót vượt lên trên và vượt ra ngoài tất cả mọi mong chờ của chúng ta. Bản thân Ngài cũng đã không ngừng giảng về Đức Maria Mẹ Thiên Chúa như là người ủi an, người hiểu thấu các nỗi khổ đau của con người. „Ước gì Đức Maria luôn luôn là nơi trú ẩn cho các tội nhân“ – Đức Thánh Cha cầu xin. „Chúng ta hãy tái đặt Bí Tích Giao Hòa và trong trung tâm điểm – không chỉ trong Năm Thánh! – vì đó là địa điểm thực sự mà tại đó, các Cha Giải Tội cũng như các hối nhân đều có thể có được kinh nghiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa, đó là một Tình Yêu không bao giờ gây thất vọng cho chúng ta.“

(theo de.rv 04.03.2016 cz)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2016