Công Bố Qui Luật Mới Về Quản Trị Tài Sản Án Phong Thánh
VATICAN. Hôm
10-3-2016, qui luật mới về việc Quản trị tài sản liên quan đến các án phong
chân phước và hiển thánh đã được Tòa Thánh công bố.
Qui luật này có
hình thức một phúc chiếu (Rescriptum ex audientia Santissimi), được ĐTC phê chuẩn
ngày 4-3-2016, được công bố trên báo ”Quan sát viên Roma của Tòa Thánh”, có hiệu
lực thử nghiệm trong 3 năm từ ngày được ký và thay thế cho qui luật cũ đã được
Thánh Gioan Phaolô 2 phê chuẩn ngày 20-8 năm 1983.
Qui luật mới
gia tăng sự minh bạch trong việc quản trị ngân quĩ dành cho việc chi phí án
phong đồng thời tăng cường sự kiểm soát của nhà chức trách có thẩm quyền và của
Bộ Phong Thánh đối với việc quản trị. Các ngân quĩ được thiết lập để trang trải
các chi phí cho việc phong chân phước và hiển thánh: từ việc phổ biến cuộc sống
của vị Tôi Tớ Chúa hoặc Chân Phước, cho đến cuộc điều tra ở cấp giáo phận, và
sau cùng là lễ phong chân phước hoặc hiển thánh.
Luật qui định rằng
sau khi chủ án (thường là một dòng tu hay giáo phận) chấp nhận việc xin mở án
phong, thì sẽ thiết lập một ngân quĩ để chi phi cho án ấy. Ngân quĩ này do tiền
dâng cúng của tín hữu hoặc của các pháp nhân và được coi như một ”thiện quĩ”
(fondo di causa pia).
Người quản trị
quĩ đó có thể là chính vị thỉnh nguyện viên hoặc người được bổ nhiệm cho công
việc này. Người quản trị phải làm kết toán và bá cáo hàng năm. Bộ phong thánh
có thể yêu cầu bá cáo bất kỳ lúc nào về việc quản trị quĩ này. Bộ có thể ban
hành các biện pháp kỷ luật trong trường hợp có sai trái.
Nếu chủ án
(giáo phận, dòng tu..) muốn sử dụng, dù chỉ một phần tài sản, để chi vào một việc
có mục đích khác với án phong thánh thì phải xin phép của Bộ Phong Thánh.
Quản trị viên
ngân quĩ phong thánh phải chuyên cần tuân hành tất cả các qui luật do Bộ Phong
thánh ban hành liên quan đến hoạt động quản trị và tài chánh của một án phong.
Bộ phong thánh
cũng yêu cầu chủ án phải đóng góp vào việc tổ chức lễ phong chân phước và phong
thánh cử hành ở Roma. Nếu cần Bộ có thể yêu cầu đóng góp đặc biệt.
Qui luật cũng
xác định chi biết các giai đoạn phải đóng góp cho các chi phí để xin nhìn nhận
cuộc tử đạo, các nhân đức anh hùng, hoặc tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh, nhìn nhận
phép lạ.
Sau khi cử hành
lễ phong chân phước hoặc hiển thánh, quản trị viên của ngân quĩ phải tường
trình toàn bộ việc quản lý tài sản đã được phê chuẩn đúng phép.
Sau khi phong
hiển thánh, Bộ Phong thánh sẽ quyết định về số tài sản còn lại, để ý đến những
yêu cầu sử dụng từ phía chủ án phong và những đòi hỏi của ”ngân quĩ liên đới”.
Sau đó, ngân quĩ án phong và chức vụ thỉnh nguyện viên không còn hiện hữu nữa.
(SD 10-3-2016)
G. Trần Đức Anh
OP (vi.radiovaticana.va/news/10/03/2016 13:27)