Đọc Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh Cha - Chúa Nhật V Mùa Chay
VATICAN. Trong
buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 13.03, với vài chục ngàn tín hữu
và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Thiên Chúa
không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.
Sau đây là
nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:
“Anh chị em
thân mến,
Tin Mừng của ngày
Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay rất đẹp (Ga, 8, 1-11). Tôi rất thích đọc và suy gẫm
về đoạn Tin Mừng này. Thánh Luca đã trình bày cho chúng ta câu chuyện về người
phụ nữ ngoại tình, qua đó làm nổi bật chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được
sống. Câu chuyện diễn ra trong khuôn viên đền thờ. Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng
dạy dân chúng. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Ngài một phụ nữ
bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa Đức Giêsu và dân chúng (x.
câu 3), tức là đứng giữa lòng xót thương của Con Thiên Chúa và sự công kích của
những người tố cáo chị. Trong thực tế, họ không đến với Thầy Giêsu để xin ý kiến
nhưng là để gài bẫy Ngài. Thật vậy, nếu Đức Giêsu theo sự nghiêm khắc của lề luật,
tức là chấp thuận việc ném đá người phụ nữ, thì ngay lập tức Ngài sẽ mất đi uy
tín. Những gì Ngài rao giảng về sự hiền lành, lòng thương xót mà dân chúng đang
say mê lắng nghe sẽ trở nên giả dối. Nhưng nếu Ngài nói không, tức là muốn tỏ
lòng thương xót với người phụ nữ, thì Ngài đang đi ngược lại với lề luật. Như vậy
Đức Giêsu cũng tự mẫu thuẫn với chính mình vì trước đây Ngài từng tuyên bố:
‘Tôi đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật’ (x. Mt 5,17). Đức
Giêsu đã bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như thế.
Ý định và cạm bẫy
nham hiểm của các kinh sư và người Pha-ri-sêu ẩn núp dưới câu hỏi mà họ chất vấn
Đức Giêsu: ‘Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?’ Đức Giêsu im lặng không trả lời và làm một
cử chỉ bí ẩn, rất khó hiểu: ‘Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất’ (c. 7).
Dường như Đức Giêsu vẽ cái gì đó. Có người cho rằng Ngài viết tội của người
Pha-ri-sêu… Tuy nhiên, việc Đức Giêsu viết cũng giống như những việc khác Ngài
đã làm thôi. Nhưng chắc chắn rằng, bằng cách viết trên đất như thế, Đức Giêsu
muốn mời gọi mọi người bình tĩnh lại, đừng hành động vì sự nôn nóng bốc đồng
nhưng hãy tìm kiếm sự công bình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ lại nhất quyết chờ
đợi một câu trả lời từ Đức Giêsu. Dường như họ đang khát máu. Vì họ cứ hỏi mãi
nên Đức Giêsu ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy
đá mà ném trước đi’. (c. 7) Câu trả lời này đã hạ đo ván những người đang lên
án tố cáo, tước bỏ tất cả vũ khí của họ trong chính nghĩa đen của từ ngữ: tất cả
họ đều hạ ‘vũ khí’ xuống, đó là những viên đá đang sẵn sàng để ném ra. Một cách
công khai họ muốn giết chết người phụ nữ, nhưng cách âm thầm và đầy ngụ ý họ muốn
chống đối và loại trừ Đức Giêsu. Và trong khi Đức Giêsu tiếp tục viết trên đất,
những kẻ tố cáo bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi,
đó là những người ý thức hơn về tình trạng không sạch tội của mình. Chính chúng
ta cũng phải ý thức rằng chúng ta là kẻ tội lỗi. Khi kết án người khác, chúng
ta biết rõ tội lỗi của họ. Nhưng sẽ thật tốt đẹp nếu chúng ta có cam đảm bỏ xuống
đất hòn đá nắm trong tay để ném người khác và suy nghĩ về tội lỗi của mình.
Cuối cùng chỉ
còn lại người phụ nữ và Đức Giêsu: sự khốn khổ và lòng thương xót đối diện
với nhau. Điều này cũng xảy ra với mỗi người chúng ta. Khi đến trước tòa giải tội,
với sự xấu hổ, thẹn thùng, chúng ta nhận thấy tình trạng khốn khổ của mình và
nài xin ơn tha thứ. Đức Giêsu cất tiếng hỏi: ‘Này chị, họ đâu cả rồi?’ (c.10).
Như vậy, vụ thẩm tra đã kết thúc. Với đôi mắt tràn đầy xót thương và tình yêu mến,
Đức Giêsu nhận thấy rằng người phụ nữ vẫn có phẩm giá của mình. Chị không đáng
tội chết. Chị vẫn có thể thay đổi đời sống, vẫn có thể thoát ra khỏi kiếp nô lệ
tội lỗi và bước đi trên một con đường mới.
Chị đại diện
cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người
ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài.
Kinh nghiệm của chị cũng tượng trưng cho ý định của Thiên Chúa dành cho tất cả
chúng ta: Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Đức Giêsu.
Đức Giêsu chính là ân sủng, cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài đã
lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên
(x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: ‘Ta không muốn con phải chết, nhưng
muốn con được sống’. Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất
ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta. Chúa muốn ở với
ta và muốn chúng ta cũng ở lại với Ngài. Chúa mong ước chúng ta đừng sử dụng tự
do để làm điều xấu nhưng biết làm điều thiện. Và chúng ta có thể làm được điều ấy
với ân sủng Chúa ban.
Đức Trinh Nữ
Maria sẽ giúp chúng ra biết tín thác cách tuyệt đối vào lòng thương xót của
Thiên Chúa, nhờ đó mà chúng ta sẽ được trở nên những thụ tạo mới”.
Sau khi đọc
Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở
Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.
Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ rằng: “Hôm nay,
tôi muốn nhắc lại ý nghĩa cử chỉ của việc anh chị em trao tặng các sách Tin Mừng
bỏ túi. Đó là sách Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta đọc vào mỗi Chúa Nhật
trong năm phụng vụ này. Cuốn sách ấy có nhan đề: ‘Tin Mừng về lòng thương xót
Chúa theo Thánh Luca’. Thánh sử Luca đã thuật lại lời của Chúa Giêsu rằng: ‘Anh
em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ’ (Lc, 6, 36). Chính những
lời ấy đã gợi hứng cho Năm Thánh này. Anh chị em sẽ được phát miễn phí sách Tin
Mừng bỏ túi ấy bởi các tình nguyện viên. Tôi mời gọi anh chị em hãy nhận lấy và
đọc mỗi ngày, để nhờ đó lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong tâm hồn
anh chị em và anh chị em cũng có thể diễn tả lòng thương xót ấy cho những người
mà anh chị em gặp gỡ”.
Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc mọi người ngày
Chúa nhật an lành và cũng xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Vũ Đức Anh
Phương, SJ (vi.radiovaticana.va/news/13/03/2016
15:47)