Đức Thánh Cha Gặp Gỡ Chính Quyền Armeni
(vi.radiovaticana.va/news/24/06/2016
15:02)
YEREVAN. Trong
buổi gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn, cũng như các giới chức xã hội và
dân sự Armeni, ĐTC ca ngợi niềm tin mạnh mẽ của dân tộc này và kêu gọi giới
lãnh đạo bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo.
Lúc 5 giờ
rưỡi chiều ngày 24-6-2016, ĐTC đã đến phủ tổng thống Armeni cách dinh Tông Tòa
16 cây số để viếng thăm.
Tổng thống
Sargsyan năm nay 62 tuổi (1954), đã từng làm bộ trưởng quốc phòng, rồi thủ tướng
của Armeni, trước khi đảm nhận trách vụ hiện thời từ 8 năm nay (2008). Hồi
tháng 4 năm ngoái (2015), ông đã cùng với Đức Tổng thượng Phụ Karekin và các GM
Armeni, Công Giáo và Tông truyền, đến Vatican để tham dự phụng vụ do ĐTC
Phanxicô chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc ”tử đạo”
của một triệu rưỡi người Armeni dưới bàn tay của quân Ottoman Thổ Nhĩ kỳ.
Sau khi hội kiến
riêng với Tổng thống và chào thăm gia đình ông, ĐTC đã gặp gỡ các giới chức
chính quyền và xã hội dân sự và văn hóa của Armeni cũng như ngoại giao đoàn tại
nước này, tổng cộng là 240 người, vào lúc 6 giờ rưỡi chiều, cũng tại phủ Tổng
Thống.
Diễn văn của ĐTC
Lên tiếng trong
dịp này, sau khi cám ơn Tổng Thống, ĐTC nhắc đến Đại Tai Ương hàng triệu người
dân Armeni bị tàn sát và lễ tưởng niệm đã được cử hành hồi tháng 4 năm ngoái ở
Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican. Ngài cũng ca ngợi dân tộc Armeni kiên vững trong
thử thách và tìm được sức mạnh nơi thập giá của Chúa Kitô:
”Tôi ca ngợi dân
tộc Armeni, được ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, cả trong những lúc bi thảm nhất của
lịch sử, vẫn luôn tìm thấy nơi Thập Giá và sự Phục Sinh của Chúa Kitô, sức mạnh
để trỗi dậy và tiếp tục hành trình trong phẩm giá. Điều này cho thấy cội rễ đức
tin Kitô thật là sâu xa và kho tàng vô biên ơn an ủi và hy vọng chứa đựng trong
đó. Nhớ đến những hậu quả đau buồn mà oán thù, thành kiến và ước muốn thống trị
vô độ đưa tới trong thế kỷ vừa qua, tôi nồng nhiệt cầu chúc nhân loại biết rút
ra từ kinh nghiệm bi thảm ấy bài học để hành động với tinh thần trách nhiệm va
khôn ngoan để phòng ngừa, đừng để những điều kinh hoàng ấy tái diễn. Vì thế, từ
mọi phía cần gia tăng nỗ lực để, trong những tranh chấp quốc tế, sự đối thoại
luôn được trổi vượt, sự chân thần và liên lỷ tìm kiếm hòa bình, sự cộng tác giữa
các quốc gia và sự chuyên cần dấn thân của các tổ chức quốc tế luôn chiếm ưu thế
để kiến tạo một bầu không khí tín nhiệm, để đạt tới những hiệp định lâu bền.
ĐTC cho biết:
”Giáo Hội Công Giáo mong ước tích cực cộng tác với tất cả những người quan tâm
đến số phận của nền văn minh và sự tôn trọng các quyền con người, để trên thế
giới, các giá trị tinh thần được chiếm ưu thế, vạch mặt những người làm băng hoại
ý nghĩa và vẻ đẹp của các giá trị ấy. Về vấn đề này, một điều tối quan trọng là
tất cả nhưng người tuyên xưng niềm tin nơi Thiên Chúa hiệp lực với nhau để cô lập
hóa những kẻ lạm dụng tôn giáo để thực hiện những dự án chiến tranh, chiếm đoạt,
bách hại, lèo lái và lạm dụng danh thánh của Thiên Chúa.
”Đặc biệt ngày
nay, các tín hữu Kitô, giống như và có thể là hơn cả thời các vị tử đạo đầu
tiên, tại một số nơi họ bị kỳ thị và bách hại chỉ vì họ tuyên xưng niềm tin của
họ, trong khi quá nhiều xung đột ở nhiều miền trên thế giới vẫn chưa tìm được
những giải pháp tích cực, tạo nên tang tóc, tàn phá và những cuộc cưỡng bách di
cư toàn thể dân tộc. Vì thế điều tối cần thiết là các vị nắm giữ vận mệnh của
các dân nước này can đảm và không chút trì hoãn đề ra và thực hiện những sáng
kiến nhắm chấm dứt những đau khổ ấy, tìm kiếm hòa bình, bảo vệ và đón tiếp những
người đang bị tấn công và bách hại, thăng tiến công lý và sự phát triển dài hạn
như những mục tiêu hàng đầu. Nhân dân Armeni đã đích thân trải qua những tình
trạng như thế; họ biết đau khổ và bách hại; họ bảo tồn trong ký ức không những
các vết thương trong quá khứ, nhưng cả tinh thần giúp họ mỗi lần đầu bắt đầu lại.
Theo ý nghĩa đó, tôi khích lệ anh chị em đừng quên sự đóng góp quí giá này cho
cộng đồng quốc tế.
Trong bài diễn văn, ĐTC cũng đề cập đến một kỷ
niệm quan trọng và nói rằng:
”Năm nay là năm
kỷ niệm 25 năm Armeni được độc lập. Đây là một dịp quí giá để vui mừng và nhớ đến
những mục tiêu đã đạt được cũng như để đề ra những mục tiêu mới cần hướng tới.
Những buổi lễ mừng độc lập càng có ý nghĩa nếu chúng trở thành cho mọi người
Armeni ở quê hương cũng như ở hải ngoại một dịp đặc biệt để hồi niệm và phối hợp
nghị lực, với mục đích tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển đất nước về mặt
dân sự và xã hội, công bằng và bao gồm mọi người. Vấn đề ở đây là liên tục kiểm
chứng để không bao giờ lỗi những giới luật luân lý về công lý bình đẳng cho tất
cả mọi người và về tình liên đới với nhưng người yếu thế và kém may mắn.
Về phần mình,
Giáo Hội Công Giáo, tuy chỉ hiện diện tại đất nước này với số người giới hạn,
nhưng cũng vui mừng vì có thể góp phần làm tăng trưởng xã hội, đặc biệt trong
những hoạt động nhắm giúp đỡ những người yếu thế và nghèo túng hơn, trong lãnh
vực y tế và giáo dục, trong lãnh vực bác ái, như nhà thương Redemptoris Mater,
Mẹ Giáo Hội, ở Ashotsk, từ 25 năm nay, hoạt động của trường học ở thủ đô
Yerevan, các sáng kiến của Caritas Armeni và hoạt động của các dòng tu.
Xin Chúa chúc
lành và bảo vệ Armeni, phần đất được soi sáng nhờ đức tin, lòng can đảm của các
vị tử đạo, niềm hy vọng mạnh hơn mọi đau khổ”.
Giã từ tổng thống
và các giới chức chính quyền, ĐTC đã về dinh tông tòa ở Etchmiadzin của Giáo Hội
Armeni Tông Truyền để hội kiến với Đức Tổng Thượng Phụ và chào thăm phái đoàn
45 GM của giáo hội này vào lúc 7 giờ rưỡi tối. Sau đó ngài đã dùng bữa tối và
qua đêm cũng tại dinh này.
Chương trình viếng thăm của ĐTC thứ
bẩy 25-6-2016
Thứ bẩy
25-6-2015, ĐTC sẽ đến viếng thăm và cầu nguyện tại Đài tưởng niệm sẽ tới đài tưởng
niệm Tzitzernakaberd, hay còn gọi là ”Pháo đài chim én” nằm trên một ngọn đồi.
Đài tưởng
niệm này được xây năm 1967 để tưởng niệm 1 triệu rưỡi người Armeni đã bị sát hại
hồi năm 1915 dưới thời đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ kỳ. Các nạn nhân thuộc 29 tỉnh
đã bị giết trong 3 năm trời. Khu vực này bao gồm một viện bảo tàng, một đài tưởng
niệm với 12 cây cột và một bút tháp cao vút. Đài tưởng niệm hình tròn, chính giữa
có ngọn lửa thiêng cháy suốt ngày đem và có 12 cây cột nghiêng chụm đầu vào
nhau biểu tượng cho các tỉnh có các nạn nhân bi sát hại. thêm vào đó là hai cây
kim cao vút lên trời ám chỉ sự tái sinh của dân nước Armeni.
Trong dịp
này, ĐTC cũng sẽ thăm bảo tàng viện diệt chủng và gặp khoảng 10 người con cháu
của những người Armeni bị bách hại.
Tiếp đến
vào lúc 10 giờ, ngài sẽ đáp máy bay đến Gumri, thành phố lớn thứ hai của
Armeni, để cử hành thánh lễ theo nghi thức la tinh cho các tín hữu. Ban trưa
ngài viếng thăm và dùng bữa tại Tu viện Đức Mẹ Armeni của các nữ tu dòng Đức Mẹ
Vô Nhiễm nguyên tội.
Ban chiều
cùng ngày, ĐTC còn viếng nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Armeni Tông truyền cũng
tại Gumri rồi thăm nhà thờ Chính tòa của Công Giáo tại đây, trước khi bay trở lại
thủ đô Yerevan.
G. Trần Đức
Anh OP