Đặt Chúa Ki-tô Vào Trong Trung Tâm Đời Sống

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 09.01.2017)

Đời sống Ki-tô giáo rất đơn giản, những điều phi thường và nặng nhọc đều không cần thiết. Chỉ cần đặt Chúa Ki-tô vào trong giữa những quyết định hằng ngày của chúng ta là đủ rồi. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Đây là Thánh Lễ ngày thường đầu tiên mà Đức Thánh Cha cử hành trong năm nay.

Sau Mùa Giáng Sinh, giờ đây cuộc sống hằng ngày lại bắt đầu với mùa Phụng Vụ thường niên. Nhưng trung tâm của đời sống Ki-tô giáo – Đức Thánh Cha nói – luôn luôn là Chúa Giê-su, Lời đầu tiên và cuối cùng của Thiên Chúa Cha, „Thiên Chúa của vũ trụ“, „Đấng Cứu Độ thế giới. Không có Đấng nào khác, Ngài là Đấng duy nhất.“ „Ngài là trung tâm của đời sống chúng ta: Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã mạc khải và tỏ mình ra. Chúng ta được mời gọi hãy học cùng Ngài, hãy nhận ra Ngài trong cuộc sống chúng ta, trong tất cả mọi trạng huống của đời sống chúng ta. ´Nhưng thưa Cha, con biết rất rõ về đời sống của các Thánh và cách xử sự của các Ngài.` Như thế thì rất tốt, các Thánh là những vị Thánh, các Ngài rất vĩ đại! Các Thánh thì quan trọng, nhưng trung tâm vẫn là Chúa Giê-su Ki-tô. Nếu không có Chúa Giê-su Ki-tô thì cũng sẽ không có các Thánh! Và đó là một câu hỏi: Chúa Giê-su Ki-tô có đang là trung tâm cuộc sống của tôi không? Tôi có mối tương quan nào với Chúa Giê-su Ki-tô?

Có ba bài tập – Đức Thánh Cha nói – „để chắc chắn rằng, Chúa Giê-su đang là trung tâm cuộc sống chúng ta“: Bài tập thứ nhất là học biết Chúa Giê-su để có thể nhận ra Ngài. Vào thời của Ngài đã có nhiều người không nhận ra Ngài: „Các Luật Sĩ, các Thượng Tế, các chuyên gia về Luật, những người Sa-đu-sê và một số người Pha-ri-siêu.“ Trái lại, „họ đã bách hại Ngài, đã sát hại Ngài!“ Cần thiết phải đặt ra cho mình câu hỏi: „Tôi có bận tâm tới việc học biết Chúa Giê-su hay không? Hay tôi lại đang bận tâm hơn tới những điều chỉ như bong bóng xà phòng, những chuyện ba hoa chích chòe, đến danh vọng thái quá, hoặc chỉ bận tâm tới việc học biết về đời sống của những người khác?“ „Để học biết về Chúa Giê-su“ – Đức Thánh Cha giải thích – „phải có sự cầu nguyện, phải có Chúa Thánh Thần“. Nhưng cũng còn có cả Tin Mừng nữa, đó là cuốn sách mà người ta luôn luôn nên có bên mình để mở ra đọc mỗi ngày: „Đó là cách thức duy nhất để học biết Chúa Giê-su.“ Và rồi „Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện những việc tiếp theo. Đó là hạt giống. Đấng làm cho hạt giống nẩy mầm và lớn lên, đó là Chúa Thánh Thần.“

Bài tập thứ hai là tôn thờ Chúa Giê-su. Không chỉ cầu xin Ngài nhưng còn phải tạ ơn Ngài nữa. Đức Thánh Cha đã đề nghị hai cách để tôn thờ Chúa Giê-su: „Cầu nguyện tôn thờ trong thinh lặng“ và „lấy đi khỏi tâm hồn chúng ta điều mà chúng ta thường tôn thờ, điều khiến chúng ta phải quan tâm nhiều tới chúng. Không, chỉ Thiên Chúa.“ „Những điều khác sẽ chỉ giúp chúng ta nếu như chúng làm cho chúng ta có khả năng tôn thờ Thiên Chúa.“

Có một lời nguyện nho nhỏ giúp chúng ta cầu nguyện: ´Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần`, nhưng thường thì chúng ta đọc lời kinh này như một con vẹt. Tuy nhiên, lời kinh đó chính là sự thờ phượng! ´Sáng danh`: Con tôn thờ Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Với những lời nguyện vắn tắt trong thinh lặng trước sự cao cả của Thiên Chúa, tôi tôn thờ Chúa Giê-su và thưa: Chúa là Đấng Duy Nhất, Chúa là Khởi Nguyên và là Cùng Tận, con muốn lưu lại với Chúa trong toàn bộ cuộc sống, cho tới đời đời kiếp kiếp. Chúa là Đấng Duy Nhất`. Và điều đó sẽ tống khứ tất cả mọi điều ngăn cản chúng ta tôn thờ Chúa Giê-su.“

Bài tập thứ ba là bước theo Chúa Giê-su – Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong mối liên hệ đến bài Tin Mừng trong ngày nói về việc Chúa Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên. Việc đặt Chúa Giê-su vào trung tâm cuộc sống chúng ta sẽ biểu lộ cho thấy:

Đời sống Ki-tô giáo rất đơn giản, vô cùng đơn giản, nhưng chúng ta cần tới ơn Chúa Thánh Thần, vì Ngài sẽ khơi lên trong chúng ta niềm ước mong muốn học biết Chúa Giê-su, tôn thờ Chúa Giê-su và đi theo Chúa Giê-su. Và vì thế, khởi đầu giờ Nhật Tụng, chúng ta đã cầu xin Chúa để nhận ra điều mà chúng ta phải làm, cũng như có sức mạnh để thực hiện việc phải làm. Đó là sự đơn giản của cuộc sống hằng ngày, vì để trở thành Ki-tô hữu, người ta không cần tới những điều phi thường, những điều nặng nhọc và những điều dư thừa, nhưng cần tới những điều đơn giản. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn học biết Chúa Giê-su, tôn thờ Chúa Giê-su và đi theo Chúa Giê-su.

 

(Theo de.rv 09.01.2017 dh)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2017