„Giáo hội không phải là bãi đậu
xe!“
(Bài
giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 17.01.2017)
Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa
qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô đã giảng về sự can đảm và niềm hy vọng. Khởi đi từ Bài Đọc I được
trích từ thư gửi tín hữu Do-thái (Dt 6,10-20), Đức Thánh Cha đã đặt các đức hạnh
Ky-tô giáo đối diện với những yếu đuối, với sự biếng nhác và với thói ích kỷ của
con người.
Anh em hãy hăng hái và can đảm như những
vận động viên muốn chiến thắng, hãy chuyển động không ngừng – đó là lời mời gọi
của Thánh Phao-lô. Trái lại, „những Ki-tô
hữu biếng nhác“ thì sống như bị đặt „trong
tủ lạnh“ – Đức Thánh Cha giải thích – để tất cả vẫn được giữ nguyên như nó
là:
„Những
Ki-tô hữu biếng nhác chính là các Ki-tô hữu không muốn tiến về phía trước,
không muốn chiến đấu, không muốn thực hiện những điều có khả năng biến đổi, có
khả năng đem đến cho tất cả chúng ta những điều tốt lành. Đó là những Ki-tô hữu
biếng nhác, bị cho đậu lại: họ tìm thấy một bãi đậu xe tuyệt đẹp trong Giáo hội.
Và khi Cha nói về các Ki-tô hữu, thì có nghĩa là Cha nói đến tất cả Giáo dân,
Linh mục và Giám mục… tất cả. Đang có những Ki-tô hữu bị cho đậu lại nơi bãi đậu
xe đó! Đối với họ, Giáo hội chỉ là một bãi đậu xe, bãi bảo vệ cuộc sống, và họ
chỉ tiến về phía trước với tất cả những an toàn có thể. Các Ki-tô hữu bất động
này khiến Cha nghĩ đến một điều gì đó mà các cụ ông cụ bà đã từng nói với chúng
ta khi chúng ta còn nhỏ: ´Nghe này, nước tù và không chảy, chính là thứ dơ bẩn
đầu tiên`“.
Đức hạnh của đường chân trời
Và điều gì khiến các Ki-tô hữu trở nên
can đảm? Điều gì khiến họ chuyển động? Niềm hy vọng – nhưng đây là điều đang
thiếu nơi các „Ki-tô hữu biếng nhác“,
họ xử sự như những người „trong nhà hưu
dưỡng“ – Đức Thánh Cha nhận xét. Niềm hy vọng được ví như chiếc neo mà người
ta có thể bám chặt vào nó, ngay cả trong những giờ phút khó khăn – Đức Thánh
Cha nhắc nhớ:
„Đó
là sứ điệp của ngày hôm nay: niềm hy vọng. Đó là niềm hy vọng không bao giờ gây
thất vọng, nó đi tiếp. Đó là một niềm hy vọng ´được ví như một chiếc neo an
toàn và chắc chắn đối với cuộc sống chúng ta`. Niềm hy vọng chính là một chiếc
neo: chúng ta quẳng chiếc neo xuống và chúng ta bám vào dây thừng, nhưng ở đó,
trong khi chúng ta đi tới đó. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người ta không
nên nghĩ: ´Nhưng đây là bầu trời, ôi đẹp biết chừng nào, tôi ở lại đây…` Không.
Niềm hy vọng có nghĩa là chiến đấu, bám vào dây thừng để đi tới đó. Trong cuộc
chiến hằng ngày, niềm hy vọng chính là đức hạnh của đường chân trời, chứ không
phải là tự nhốt mình lại! Có lẽ ít nhất người ta cũng hiểu được nhân đức này nếu
người ta hiểu nó như là sự chắc chắn nhất. Niềm hy vọng: sống với niềm hy vọng,
sống bởi niềm hy vọng, luôn luôn nhìn trước nhìn sau với sự can đảm. ´Vâng,
thưa Cha` - một người nào đó trong anh chị em sẽ nói - ´có những giây phút kinh
khủng, trong đó tất cả đều có vẻ đen tối, vậy thì chúng ta nên làm gì?` Bám chặt
vào dây thừng và đừng bỏ cuộc!“
Cuộc sống thường rất nặng nhọc – Đức Thánh
Cha nhận xét – không ai được hưởng sự ngoại lệ. Và ngay cả các Ki-tô hữu can đảm
cũng bị lầm lạc – Đức Thánh Cha bổ sung, nhưng „tất cả chúng ta làm điều đó“. Thường thì nó vẫn xuất hiện theo một
cách thức rất sai quấy, ngay cả đối với những người không chuyển động và không
lầm lạc bao giờ. Nhưng nếu người ta không thể tiến về phía trước, „vì tất cả đã trở nên tăm tối và không lối
thoát“, thì lúc đó người ta không được bỏ cuộc, và phải có sự kiên định,
cũng như phải tín thác vào Thiên Chúa với niềm hy vọng – Đức Thánh Cha khuyên.
Và Ngài mời gọi thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm:
„Chúng
ta hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi: Tôi đang như thế nào? Đời sống Đức Tin
của tôi trông ra sao? Đó là một đời sống của đường chân trời, của niềm hy vọng,
của sự can đảm, của việc tiến về phía trước, hay nó lại là một cuộc sống hâm
hâm dở dở mà nó sẽ không thể chịu đựng được những khoảnh khắc khó khăn? Ước gì
Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta để chúng ta vượt thắng được thói ích kỷ của mình
– vì những Ki-tô hữu bị đặt ở bãi đậu xe, và những Ki-tô hữu trong sự bất động
chính là những kẻ ích kỷ. Họ chỉ nhìn vào chính mình, không hiểu gì về việc ngẩng
đầu lên để nhìn ngắm Thiên Chúa. Ước gì Chúa ban cho chúng ta ơn đó!“
(theo de.rv 17.01.2017 pr)
Đa-minh Thiệu