Ki-tô Hữu Là Con Người Hồi Tưởng

(Bài Giảng của ĐTC Phan-x-cô ngày 27.01.2017)

Sẽ không có đời sống Ki-tô hữu nếu không có sự hồi tưởng: Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Trong Bài Đọc I được trích từ thư gửi tín hữu Do-thái, Thánh Phao-lô đã yêu cầu cộng đoàn Ki-tô hữu phải thực hiện đời sống của mình với ba điểm cố định: quá khứ, hiện tại và tương lai. Đặc biệt là điều thứ nhất: sự hồi tưởng. „Đời sống Ki-tô hữu không bắt đầu vào ngày hôm nay: ngày hôm nay đời sống đi tiếp“ – Đức Thánh Cha giải thích. Hồi tưởng có nghĩa là nhớ lại những điều tốt lành cũng như những điều ít tốt hơn, „có nghĩa là mang lịch sử của mình đến trước mặt Thiên Chúa“ mà không hề che đậy lịch sử ấy.

Người ta sẽ không thể hiểu về đời sống Ki-tô giáo, kể cả đời sống tinh thần trong thời đại hôm nay, nếu không có sự hồi tưởng. Hãy tưởng nhớ tới ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã mang vào trong cuộc sống của tôi, kể cả việc tưởng nhớ tới những khó khăn của tôi: Nhưng Thiên Chúa đã cứu tôi thoát khỏi những khó khăn đó như thế nào? Sự tưởng nhớ chính là một ân sủng. Nhưng đây là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin. ´Lạy Chúa, xin giúp con để con không quên những bước đi của Chúa trong cuộc sống của con, xin giúp con đừng quên những khoảnh khắc tốt lành, và cũng đừng quên những khoảnh khắc xấu xa; niềm vui và Thập Giá.` Người Ki-tô hữu là con người tưởng nhớ.

Sự tưởng nhớ chính là nền tảng căn bản của sự lên đường – Đức Thánh Cha giải thích tiếp:

Niềm hy vọng: nhìn về tương lai. Nếu như người ta không thể sống đời sống Ki-tô giáo thế nào nếu không tưởng nhớ tới những bước đi đã được thực hiện, thì người ta cũng không thể sống đời sống ấy nếu như không nhìn về tương lai với niềm hy vọng. Tương lai gặp gỡ với Thiên Chúa. Đời sống sẽ tiến nhanh về phía trước! Ai còn trẻ, người ấy sẽ còn rất nhiều thời gian trước mắt, nhưng sau đó đời sống dậy chúng ta câu nói mà tất cả chúng ta đều nói: Thời gian trôi đi nhanh quá! Cha biết một người khi anh ta còn nhỏ, nhưng bây giờ anh ta đã lập gia đình! Thời gian trôi đi nhanh biết là dường nào! Nhưng niềm hy vọng gặp gỡ Thiên Chúa chính là một cuộc sống trong sự căng thẳng, giữa sự tưởng nhớ và niềm hy vọng, giữa quá khứ và tương lai.

Sau đó, thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Do-thái cũng mời gọi các Ki-tô hữu sống giây phút hiện tại, „mà hiện tại thường rất đau khổ và buồn sầu“ – Đức Thánh Cha giải thích. Với sự thẳng thắn, không xấu hổ, chịu đựng những điều vô lý của cuộc sống, điều đó có hiệu lực để tiến về phía trước. Tất cả đều là những tội nhân – Đức Thánh Cha nhắc nhở, „trước kia là người này, nhưng sau là người khác, nếu anh chị em muốn, sau này chúng ta sẽ lên một bảng danh sách, nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì tất cả chúng ta cũng đều là những tội nhân. Nhưng chúng ta tiến về phía trước với niềm can đảm và sự kiên nhẫn. Nhưng chúng ta đừng ngồi lỳ trong tội, vì điều đó không cho phép chúng ta lớn lên.

Sau cùng, Thánh Phao-lô đã cảnh cáo cộng đoàn trước một tội đặc biệt: sự thiếu cương quyết. „Một tội, vì sự sợ hãi, không làm cho chúng ta tiến về phía trước, trong khi Chúa Giê-su nói: đừng sợ hãi“. Đó là những người thiếu dứt khoát – Đức Thánh Cha nói – „họ luôn luôn khước từ, họ rất bảo vệ mình, đặc biệt là họ sợ hãi“.

Xin đừng mạo hiểm…! Chú ý…! Tất cả đều bị cấm…! Vâng, đúng vậy. Nhưng điều đó cũng làm cho bạn bị bại liệt, điều đó sẽ làm cho bạn quên đi rất nhiều hồng ân đã được biểu lộ, điều đó lấy đi mất niềm hy vọng của bạn. Điều đó giống như khi người ta lên đường để đi ra ngoài thì bỗng nhiên một cơn mưa ập đến, và nếu vải quần áo không tốt, thì quần áo sẽ bị co rút lại, sẽ bị nhăn nhúm… Tâm hồn cũng sẽ bị nhắ nhúm như thế. Đó là sự thiếu cương quyết; đó là tội xúc phạm tới sự hồi tưởng, xúc phạm tới sự can đảm, chống lại sự kiên nhẫn, chống lại niềm hy vọng. Ước gì Thiên Chúa làm cho chúng ta lớn lên trong sự hồi tưởng và trong niềm hy vọng, hằng ngày xin Ngài ban cho chúng ta sự can đảm và sự kiên nhẫn và giải phóng chúng ta khỏi sự lưỡng lự, đặc biệt là sự sợ hãi này… Để bảo vệ chính mình trước việc tâm hồi bị nhăn nheo. Và Chúa Giê-su nói: ai muốn cứu mạng sống mình, người ấy sẽ đánh mất nó.

(theo de.rv 27.01.2017 gs)

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2017