Công Lý Là Thương Xót Và Xót Thương Là Công Lý

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 24.02.2017)

 

Người Ki-tô hữu không được phép biến chân lý thành những công cụ đàm phán. Chúa Giê-su đã dậy rằng, công lý và Lòng Thương Xót phải đi đôi với nhau. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Ngài đã bắt đầu bài giảng của mình bằng một đoạn văn từ Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, trong đó nói về việc những người kinh sư đã đặt ra cho Chúa Giê-su một thắc mắc: liệu người chồng có được phép ly dị vợ mình hay không?

Chúa Giê-su đã không trả lời là được phép hay không được phép. Ngài hoàn toàn không liên hệ gì tới lô-gích có tính ngụy biện của họ. Vì đối với họ, Đức Tin thực ra cũng chỉ hệ tại ở những thuật ngữ chẳng hạn như: ´Bạn được phép làm chuyện đó` hay ´bạn không được phép làm chuyện đó`. ´Bạn được phép tới đây, nhưng không được phép tới đó.` Chúa Giê-su không chịu đựng được lô-gích ngụy biện đó. Ngài hỏi ngược lại: Điều gì Mô-sê đã cấm các ông không được làm? Điều gì đứng trong Lề Luật của các ông? Và rồi họ giải thích rằng, Mô-sê đã cho phép được ly dị vợ - và vì thế tự mò mẫm trong mọi trường hợp. Do đó Chúa Giê-su đã gọi họ là những kẻ lòng chai đá đá: vì các ngươi lòng chai dạ đá nên Mô-sê mới viết cho các ngươi khoản luật ấy. Chúa Giê-su nói như nó là, không có ngụy biện, không có những phép đặc biệt. Chân lý là chân lý.“

Ai ly dị vợ mình rồi đi cưới một người vợ khác, người ấy mắc tội ngoại tình với người vợ bị ly dị ấy“ – câu nói đó mà Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của Ngài, vì họ muốn chất vấn Ngài về những đề tài tiếp theo, cũng là chân lý – Đức Thánh Cha giải thích. „Chúa Giê-su đã giải thích về những sự vật như chúng được sáng tạo nên“.

Liệu có ổn hay không khi giải thích rằng, Chúa Giê-su thường nói với những người ngoại tình, và thậm chí còn nói với một phụ nữ ngoại tình là Ngài không kết án bà, bà hãy đi trong bình an? „Con đường của Chúa Giê-su – và đó là điều được thấy rõ – chính là một con đường đi từ lối ngụy biện tới chân lý và tới Lòng Thương Xót“ – Đức Thánh Cha trả lời. „Ở một đoạn khác trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã mô tả những kẻ muốn thử thách Ngài và những kẻ suy nghĩ trong lô-gích ´người ta được – người ta không được`, là những kẻ giả hình. Lối ngụy biện chính là sự giả hình. Cách thức ´người ta được – người ta không được` - sẽ nhanh chóng trở nên độc ác: chính xác là tôi được phép tới đâu? Từ đây tới đó, tôi không được phép, đó là sự lừa dối bởi lối ngụy biện.“

Trái lại, việc đi theo con đường của Chúa Giê-su, con đường của Lòng Thương Xót thì không hề đơn giản chút nào nếu tận mắt chứng kiến vô vàn những cơn cám dỗ trong cuộc sống. „Khi một cơn cám dỗ đụng chạm tới con tim, con đường dẫn tới Lòng Thương Xót sẽ trở nên nặng nề. Vì thế, cần tới ơn Chúa để giúp chúng ta. Và vì thế, chúng ta phải cầu nguyện luôn luôn: ´Lạy Chúa, xin làm cho con được nên công chính, nhưng công chính với Lòng Thương Xót, công chính trong Lòng Thương Xót`. Tuy nhiên, trước mặt Thiên Chúa, điều gì quan trọng hơn, công lý hay Lòng Thương Xót? Cũng sẽ là một suy nghĩ sai trái khi hỏi rằng, điều gì quan trọng hơn. Đó không phải là hai nhưng là một. Trong Thiên Chúa, công lý là thương xót và xót thương là công lý. Cầu xin Chúa giúp chúng ta để chúng ta hiểu được con đường không hề đơn giản ấy.“

 

(theo de.rv 24.02.2017 ord/sk)

 

Đa-minh Thiệu

 

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 2, 2017