Cuộc Họp Báo Của ĐTC Phan-xi-cô Trên Chuyến Bay
Vào chiều thứ Bảy ngày 29 tháng 04 vừa
qua, trên chuyến bay từ Ai-cập trở về Rô-ma, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã trả
lời một số câu hỏi do các phóng viên đặt ra cho Ngài. Trong buổi họp báo này,
Ngài đã nghiêm khắc cảnh báo trước sự leo thang trong cuộc khủng hoảng về Bắc
Triều Tiên. Ngài nói rằng, khi xảy ra chiến tranh thì một phần nhân loại sẽ có
thể bị xóa sạch.
„Tôi kêu gọi (những người có trách
nhiệm) hãy giải quyết những vấn đề (với Bắc Triều Tiên) bằng con đường ngoại
giao. Trên thế giới đang có nhiều người môi giới, cũng như có rất nhiều quốc
gia – chẳng hạn như Na-uy -, họ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ. Con đường đứng đắn
chính là những cuộc đàm phán, một giải pháp chính trị, vì vấn đề là tương lai
của nhân loại.“
Đức Thánh Cha đã nói nhiều lần về „cuộc
thế chiến thứ ba trong từng mảng“, mà nó đã nổ ra từ rất lâu. „Câu hỏi
về những tên lửa tại Bắc Hàn đã được đặt ra từ lâu rồi, giờ đây nó đã trở nên
quá nóng. Tôi kêu gọi các bên hãy giải quyết nó bằng con đường ngoại giao, vì
một cuộc chiến tranh lớn hơn sẽ hủy hoại một phần lớn nhân loại! Đó là điều
đáng sợ. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào nhiều quốc gia mà giờ đây họ đang phải
trải qua chiến tranh: tại vùng Trung Đông, tại Jemen và cả tại Châu Phi nữa.
Chúng ta hãy dừng lại, và hãy cố gắng tìm ra những giải pháp ngoại giao! Theo
thiển nghĩ của tôi, Liên Hiệp Quốc nên tái đảm nhận lại vai trò lãnh đạo, bởi
vai trò đó đã bị pha loãng mất một chút rồi.“
Trong khoảng 30 phút với „trò chơi
hỏi đáp“, Đức Thánh Cha đã bày tỏ ý kiến của Ngài về một số đề tài khác cũng
mang tính chất rất thời sự. Bằng những lời ngắn gọn, Đức Thánh Cha đã giải
thích cho một phóng viên khi ông hỏi rằng, Ngài có sẵn sàng gặp gỡ tân tổng
thống Trump của Hoa Kỳ hay không, bởi vị tổng thống này vừa mới xin được tiếp
kiến Ngài. Và Ngài trả lời rằng, Ngài rất sẵn sàng.
„Châu Âu được thực hiện bởi những
di dân“
Hình như Đức Thánh Cha hơi dị ứng với
câu hỏi, liệu có phải Đức Thánh Cha đã „ủng hộ“ tổng thống Abdelfatah
al-Sisi khi Ngài lưu lại tại Ai-cập hay không? „Tôi đã nói về những giá trị
tự tại, nói về việc bảo vệ hòa bình, bảo vệ sự hòa điệu giữa các dân tộc, nói
về sự bình đẳng của mọi công dân, hoàn toàn bình đẳng giữa các tôn giáo mà họ
là thành viên. Tôi đã nói về các giá trị. Liệu giờ đây, một nhà lãnh đạo quốc
gia sẽ bảo vệ giá trị này hay giá trị kia trong số các giá trị ấy, đó là một
câu hỏi khác… Tôi không can thiệp vào, tôi chỉ nói đơn giản về các giá trị. Mỗi
người đều có thể tự đánh giá xem, liệu chính phủ này hay nhà nước kia có mang
những giá trị đó tiến về phía trước hay không.“
Đức Thánh Cha cũng không muốn can thiệp
vào những công việc nội bộ của các quốc gia thuộc khối liên hiệp Âu Châu – Ngài
đã cho biết như thế khi trả lời cho một câu hỏi về thái độ của Ngài đối với
cuộc tranh cử Tổng Thống tại Pháp. „Bất cứ quốc gia nào cũng đều có tự do
trong việc thực hiện cuôc bầu cử của mình, còn việc trông nó chính xác như thế
nào thì tôi không thể nhận xét về chuyện ấy… Tuy nhiên, phải công nhận rằng,
Châu Âu đang có nguy cơ bị phân tán, chúng ta nên suy nghĩ về điều đó. Một
trong các vấn đề mà có lẽ nó đang nuôi dưỡng hiện tượng này, đó là sự di dân.
Nhưng ở đây chúng ta đừng quên rằng, Châu Âu được thực hiện bởi các di dân, từ
nhiều thế kỷ của các di dân: Đó là chúng ta!“
„Một số trại tị nạn chính là những
trại tập trung thực sự“
Thực ra, về cuộc tranh cử tổng thống tại
Pháp, Đức Thánh Cha chỉ biết rằng, bà Marine Le Pen „đến từ cánh hữu“;
còn ông Emmanuel Macron đến từ đâu thì Ngài không biết, và vì thế Ngài không
thể „đưa ra ý kiến“ về chuyện đó. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cho phép nhìn
nhận rằng, Ngài không thể tìm ra được nhiều điểm tốt từ việc thành lập một đảng
thuần Công giáo tại Pháp, đó là một ý tưởng „từ thế kỷ vừa qua“.
Một ký giả đã xin Đức Thánh Cha giải
thích về việc Ngài so sánh các trại tị nạn với „những trại tập trung“.
Liệu so sánh như thế có phải là một sai lầm không? „Nhưng, có những trại tị
nạn mà chúng chính là những trại tập trung thực sự! Có lẽ ngay cả tại Ý cũng
có, và tại bất cứ nơi đâu – riêng tại Đức thì không. Người ta có thể làm gì,
khi họ bị nhốt trong một cái trại và không được phép đi ra ngoài?... Bị nhốt,
đó là một trại nhốt.“
(theo de.rv 30.04.2017 sk)
Joseph Trần