Tưởng Nhớ Nữ Sáng Lập Dòng Louise de Marillac – (Bài giảng của ĐTC ngày
09.05.2017)
Các Thánh Lễ ngày thường do
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cử hành tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh
Vatican đang dần dần trở nên quen thuộc với nhiều người. Các bài giảng của Ngài
trong các Thánh Lễ này, thường được Ngài khởi đi từ bài Tin Mừng hay từ Bài Đọc
I của ngày Lễ, và Ngài rất thích đưa ra các suy tư trong mối liên hệ đến thực
tế. Thánh Lễ vào sáng thứ Ba vừa qua có liên hệ nhiều đến các Nữ Tu đang phục
vụ tại nhà khách của Tòa Thánh Vatican, nơi có nguyện đường Thánh Mác-ta, và
cũng là nơi Đức Thánh Cha đương kim đã ở từ ngày được bầu chọn làm Giáo Hoàng
tới nay. Cụ thể là, vào hôm thứ Ba vừa qua, Dòng Nữ Tử Bác Ái, tức Dòng của các
Nữ Tu nói trên, đã kính nhớ Thánh Louise de Marillac (1591 in Paris; † 1660),
nữ sáng lập viên của Dòng mình. Tuy nhiên, theo lịch chung của Giáo hội, Thánh
Louise de Marillac được kính nhớ vào ngày 15 tháng 03, chứ không phải vào ngày
mồng 09 tháng 05 này.
Trong
bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã suy tư về thái độ phục tùng. Những suy tư
của Ngài được khởi đi từ cuộc Tử Đạo của Thánh Stê-pha-nô. Và đây cũng là những
ý tưởng mà Ngài đã đề cập tới trong những ngày vừa qua. Lần này, Đức Thánh Cha
đã trình bày một cách cụ thể hơn về „sự
ngoan ngùy đối với Chúa Thánh Thần“. Thánh Stê-pha-nô đã phê bình các Luật
Sĩ một cách thẳng thừng. Ngài cho rằng, họ thiếu sự tuân phục đối với Chúa
Thánh Thần. Bước đi đầu tiên trên con đường tuân phục này chính là „sự sẵn sàng đón nhận Lời Chúa“ – Đức
Thánh Cha giải thích. Sau đó mới là bước thứ hai: „Học
biết Lời Chúa“, và sau cùng còn một bước nữa, bước thứ ba: „Trở nên một với Lời Chúa“.
„Việc luôn luôn mang Lời Chúa theo mình, đọc
Lời Chúa và mở con tim mình ra cho Lời và cho Chúa Thánh Thần, đó là điều làm
cho chúng ta hiểu Lời Chúa. Và hoa trái của việc lãnh nhận này, của sự hiểu
biết, của việc luôn mang Lời Chúa theo mình, và của việc thân mật với Lời Chúa,
chính là một hoa trái vĩ đại. Thái độ của một con người thực hiện điều này,
chính là sự tốt lành, sự hảo tâm, niềm vui, sự bình an, sự tự chủ và sự dịu
hiền.“
Và
Chúa Thánh Thần cũng được mô tả với những đặc tính ấy – Đức Thánh Cha giải
thích tiếp.
„Nhưng tôi phải đón nhận Chúa Thánh Thần,
Đấng mang tôi đến với Lời, với sự ngoan ngùy, cụ thể là không chống lại Chúa
Thánh Thần. Điều đó dẫn tôi đến với lối sống ấy, đến với cách thức hành động
ấy… Người ta phải trao khả năng nảy mầm cho hạt giống ấy để nó được phát triển
trong những thái độ ấy… Tất cả những điều đó tạo nên lối sống của người Ki-tô
hữu.“
Lần
đầu tiên người ta được gọi là Ki-tô hữu đó là khi các môn đệ của Chúa Giê-su
đến Antiochia, như được thuật lại trong Bài Đọc I trong ngày (xc. Cv 11,19-26).
Hồi ấy, Thánh Phê-rô đã gửi Thánh Barnabas tới Antiochia với tư cách là „người tuần viếng“. Cuộc tuần viếng lần
ấy rất thành công, vì có Chúa Thánh Thần cùng hoạt động – Đức Thánh Cha giải
thích.
„Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta để chúng ta
không phạm phải các lỗi lầm, cũng như để chúng ta đón nhận Ngài cách ngoan
ngùy, nhận ra Ngài trong Lời và sống theo Ngài. Đó cũng là sự đối lập với sự
phản nghịch mà Thánh Stê-pha-nô đã trách móc những kẻ lãnh đạo cộng đoàn, và
cũng trách móc cả các Luật Sĩ nữa: ´Các ngươi đã luôn luôn chống lại Chúa Thánh
Thần.` Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi xem: liệu chúng ta đang chống lại Chúa Thánh
Thần hay đang đón nhận Ngài? Chúng ta hãy thực hiện điều đó với sự tùng phục
như Thánh Gia-cô-bê nói: ´Đón nhận Ngài một cách ngoan ngùy`. Chúng ta hãy cầu
xin Chúa ban cho chúng ta sự tốt lành này.“
(theo
de.rv 09.05.2017 mg)
Đa-minh Thiệu