„Không Có Những Ki-tô
Hữu An Nhiên Tự Tại“ – (Bài giảng của
ĐTC Phan-xi-cô ngày 26.10.2017)
„Thiên Chúa
kêu gọi chúng ta thay đổi cuộc sống!“ Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như
thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta
của Tòa Thánh Vatican. Hoán cải có nghĩa là thực hiện một cuộc chiến đấu: chiến
đấu chống lại sự ác, ngay cả trong nơi thẳm sâu nhất của con tim chúng ta, „cuộc
chiến đấu này không trao cho bạn sự an nhiên tự tại, nhưng trao cho bạn sự bình
an.“
Bài giảng hôm
nay của Đức Thánh Cha được khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày (Lc 12,49-53).
Qua bài Tin Mừng này, Chúa Giê-su nói rằng, „Ngài đến để đem lửa xuống trái
đất“, và Ngài mong muốn cho „lửa đó bừng cháy lên“. Không, Ngài
không muốn mang „sự bình an“ xuống cho trái đất, nhưng là mang sự bất
hòa. Điều mà Chúa Giê-su nghĩ tới khi nói về „ngọn lửa“, chính là một „cuộc
chiến đấu“ – Đức Thánh Cha giải thích. Lửa của Chúa Giê-su muốn biến đổi
tất cả:
„Cách nghĩ
như chúng ta vẫn nhận thấy, nên được thay đổi! Trước đây con tim của bạn mang
đầy tính thế tục và ngoại đạo – giờ đây nó mang tính Ki-tô giáo nhờ vào sức
mạnh của Chúa Ki-tô. Biến đổi: Đó là sự hoán cải. Một sự biến đổi trong cách
hành động – những hành động của bạn cần phải thay đổi!“
Hoán cải không
có nghĩa là tránh xa những cuộc chính biến, cũng không phải mang tính ngữ nghĩa
học. „Nó là một sự biến đổi – nhưng không phải là một sự thay đổi mà người
ta xử lý với một chút trang điểm: nó là một sự biến đổi trong lòng mà Chúa
Thánh Thần thực hiện. Và tôi phải đặc biệt lưu tâm làm sao để Chúa Thánh Thần
có thể hành động – nó có nghĩa là một cuộc chiến. Hãy chiến đấu!“
Bài giảng hôm
nay của Đức Thánh Cha thể hiện rõ cách suy nghĩ truyền thống của Dòng Tên:
Thánh Ignatiô Loyola – một quân nhân và là sáng lập viên của Dòng Tên – đã
trình bày đời sống thiêng liêng như là một cuộc chiến đấu. „Không có những
Ki-tô hữu an nhiên tự tại, tức những Ki-tô hữu không chiến đấu“ – Đức Thánh
Cha được gợi hứng bởi quan điểm của vị sáng lập Dòng Tên. Và nếu có những Ki-tô
hữu như thế, thì đó hoàn toàn không phải là những Ki-tô hữu đích thực, nhưng đó
chỉ là những Ki-tô hữu „ương ương dở dở“.
Để thiếp đi
trong sự an nhiên tự tại, chỉ cần sử dụng một viên thuốc ngủ là đủ - nhưng đối
với sự bình an nội tâm thì không có viên thuốc nào cả. Chỉ có Chúa Thánh Thần
mới có thể ban tặng sự „bình an trong tâm hồn, mà sự bình an đó có thể trao
sức mạnh cho các tín hữu“. Vậy người Ki-tô hữu phải làm gì để Chúa Thánh
Thần có thể hoạt động trong tâm hồn mình? Xin thưa rằng: „Hãy tạo chỗ cho
Ngài trong lòng chúng ta!“ Ở đây, „một cuộc kiểm thảo lương tâm sẽ giúp
chống lại những cơn bệnh tinh thần, tức những cơn bệnh mà kẻ thù gây ra, và đó
là những cơn bệnh của tinh thần thế tục.“
Theo Đức Thánh
Cha, cuộc chiến mà Chúa Giê-su đã thực hiện để „chống lại ma quỷ, chống lại
sự ác“, không hề chỉ diễn ra „trong thời cổ đại“, nhưng là một cái
gì đó „rất hiện đại, một cái gì đó của thời đại hôm nay, một cái gì đó của
cuộc sống hằng ngày.“ Chúa Giê-su đã mang „ngọn lửa“ đó vào trong
tâm hồn chúng ta. „Chúng ta không thể giải quyết được những khó khăn trong
đời mình bằng cách nhận chìm chân lý. Chân lý chính là: Chúa Giê-su đã mang đến
lửa, mang đến cuộc chiến – vậy tôi sẽ làm gì?“
Một lần nữa,
Đức Thánh Cha mời gọi hãy thực hiện cuộc kiểm thảo lương tâm mỗi ngày: sự hoán
cải cần tới „một con tim quảng đại và trung tín“. Sự quảng đại sẽ dẫn
tới Đức Ái; và sự trung tín ở đây có nghĩa là „trung tín với Lời Chúa“.
„Chúng ta hãy tự hỏi mình mỗi ngày“ – Đức Thánh Cha khuyên: „Tôi có
phải là người đã đi từ tinh thần thế tục, từ tội lỗi để đi tới với ân sủng
không? Tôi có tạo chỗ cho Chúa Thánh Thần để Ngài có thể hoạt động trong tâm
hồn tôi không?“
(theo de.rv
26.10.2017 sk)
Đa-minh Thiệu