Đụng chạm tới thân thể bị thương tật – (Bài giảng của ĐTC
Phan-xi-cô ngày 30.10.2017)
Một mục tử tốt lành sẽ đi đến với những con người đứng bên lề cuộc
sống, và không hề do dự trước việc đụng chạm tới những thân thể mang thương
tích; trái lại, ai chọn đi theo con đường Giáo sĩ trị, thì sớm muộn gì cũng sẽ
xa lánh những người đang sống cùng thời với mình, và sẽ sà vào việc tôn thờ ngẫu
tượng tiền bạc và quyền lực. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong
Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa
Thánh Vatican. Bài giảng của Ngài liên hệ đến bài Tin Mừng trong ngày (Lc
13,10-17). Bài Tin Mừng này thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành cho một người
phụ nữ bị còng lưng, và phép lạ này đã diễn ra trong một ngày Sabbat, tại một hội
đường. Đức Thánh Cha lưu ý rằng, tác giả Tin mừng đã sử dụng năm động từ để mô
tả lại hành động của Chúa Giê-su: nhìn, gọi, nói, cầm lấy tay nâng dậy và chữa
lành. Đức Thánh Cha đã gọi năm động từ của sự gần gũi là: „Một mục tử tốt lành thì luôn luôn gần gũi – luôn luôn!“
Hồi ấy, những người Pha-ri-siêu và những Luật Sĩ thường thích sống
tách biệt khỏi dân chúng; họ không phải là những mục tử tốt lành, nhưng là những
con người tự nhốt mình lại trong nhóm của mình. Có lẽ họ luôn „quan tâm tới việc được bao nhiêu tiền trong
mỗi đợt quyên góp“, nhưng họ tỏ ra không thích gần gũi với con người.
Nơi Chúa Giê-su thì không như vậy. Ở một đoạn khác, Tin Mừng tường
thuật về Ngài rằng, Ngài thường xuyên „động
lòng“. „Vì thế, Chúa Giê-su luôn luôn
đứng về phía những con người bị nhóm Giáo sĩ trị đẩy ra bên lề cuộc sống; Ngài
luôn đứng về phía những người nghèo, các bệnh nhân và tội nhân, thậm chí còn đứng
cả về phía những người mắc bệnh cùi nữa. Ngài ở bên họ, vì Ngài có khả năng để
cho mình bị gây mủi lòng bởi những bệnh tật của người khác – Ngài là một mục tử
tốt lành! Một mục tử tốt lành là một mục tử biết đến gần người khác và có khả
năng cảm thông. Một mục tử tốt lành sẽ không lấy làm xấu hổ về thân xác. Ngài
không cho mình được phép xấu hổ trước việc đụng chạm tới những thân xác bị mang
thương tật, giống như Chúa Giê-su đã làm với người phụ nữ trong bài Tin Mừng
hôm nay: Ngài chạm vào bà, cầm tay nâng bà đứng dậy; Ngài đụng chạm tới những
người bệnh cùi và các tội nhân.“
Một người mục tử tốt lành sẽ không nói: „Vâng, tôi sẽ gần gũi bạn trong tinh thần“. Trong thực tế thì đó
không phải là sự gần gũi, nhưng là một sự giữ khoảng cách. Đúng hơn, một vị mục
tử tốt lành sẽ thực hiện điều mà Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta.
„Nhưng những vị mục tử đi
theo con đường Giáo sĩ trị thì sao, họ thích đến gần cái gì? Họ luôn luôn thích
đến với hoặc là quyền lực, hoặc là tiền. Đó là những mục tử tồi. Họ không nghĩ
tới bất cứ điều gì khác ngoài việc nghĩ tới chuyện, bằng cách nào thì họ sẽ có
thể giữ mãi được quyền lực; bằng cách nào để họ luôn làm cho những kẻ có quyền
được vui; hay làm thế nào để họ có thể giữ được túi tiền của mình. Đó là những
kẻ giả hình, họ có khả năng làm tất cả những điều đó. Đối với họ, dân chúng
không là cái gì cả. Và khi Chúa Giê-su dành cho họ tính từ tuyệt đẹp này, tức
„bọn giả hình“, thì rồi họ lại cảm thấy bị xúc phạm: „Tụi tôi á? Không đâu, – tụi tôi làm theo Lề Luật mà!“
Khi những vị mục tử xấu như thế gặp phải những điều tồi tệ thì
Dân Chúa sẽ rất mừng – Đức Thánh Cha giải thích –, tất nhiên, sự vui mừng đáng
tiếc này là một tội, nhưng nó là điều dễ hiểu, vì người ta đã phải chịu đựng
quá nhiều, và người ta ước gì mình sẽ được „thưởng
thức“ một chút gì đó trong hoàn cảnh mới.
Trái lại, người mục tử tốt lành sẽ giống như Chúa Giê-su: Ngài
nhìn, gọi, nói, đụng chạm tới và chữa lành như Bài Tin Mừng trong ngày kể lại.
„Có được những mục tử tốt
lành thì đó quả là một hồng ân đối với Dân Chúa: những mục tử tốt lành sẽ giống
như Chúa Giê-su, họ không lấy làm xấu hổ trước việc đụng chạm đến những thân
xác đang mang những thương tật. Những vị mục tử đó biết rằng, một ngày kia, họ
- không phải chỉ mình họ thôi, nhưng cả chúng tôi nữa – sẽ bị phán xét về những
điều sau: Ta đói, Ta bị bỏ tù, Ta mắc bệnh… Những tiêu chuẩn của bản án chung kết
mà chúng ta sẽ bị kết án theo đó, chính là những tiêu chuẩn của sự gần gũi, của
sự gần gũi hoàn toàn này: cảm thấy đồng cảm với hoàn cảnh của Dân Chúa. Chúng
ta đừng quên điều đó: vị mục tử tốt lành luôn luôn gần gũi con người, luôn
luôn, giống như Thiên Chúa, Đấng là Cha, đã đến gần chúng ta trong Chúa Giê-su
Ki-tô trở thành người.“
(theo de.rv 30.10.2017 sk)
Đa-minh Thiệu