Toàn Bộ Tin Mừng Ẩn Chứa Trong Dụ Ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu
(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 08.10.2018)
Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường
Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng về dụ
ngôn người Samaritanô nhân hậu, vì Bài Tin Mừng trong ngày nói về dụ ngôn đó.
Người Samaritanô nhân hậu là một người khách tình cờ đi trên đường,
và khi gặp một người bị thương đang nằm vất vưởng bên vệ đường, ông đã vội vã giúp
đỡ, mặc dù ông cảm thấy mình có ít trách nhiệm để làm việc đó hơn hai người kia,
tức hai người đã bỏ mặc nạn nhân để đi tiếp – Đức Thánh Cha chia sẻ.
Mở ra cho những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa, và đến gần với
những ai đang cần tới sự quan tâm – đó cũng là lời mời gọi của Đức Thánh Cha
trong lúc Ngài giảng. Người Samaritanô nhân hậu đã làm gương cho tất cả những
ai muốn „trở thành Ki-tô hữu đích thực“.
Trong lúc diễn giải những suy tư của mình, Đức Thánh Cha đã điểm
qua những nhân vật mà bài Tin Mừng trong ngày nói tới.
Những tên cướp trong dụ ngôn đã đánh nạn nhân cách dã man, và để
ông sống dở chết dở bên vệ đường. Một Linh mục đi qua đó, ông thấy người bị
thương nhưng không dừng lại mà cứ tiếp tục đi, vì ông nghĩ rằng, tới giờ dâng Lễ
rồi, ông phải đi đến nhà thờ ngay không có thì trễ mất. Một người khác được coi
là „người của Phụng Vụ, của Lề Luật“
cũng hành động giống hệt như thế. Việc „bỏ
nạn nhận lại đó để đi tiếp“ của hai người trên khiến chúng ta phải suy nghĩ
– Đức Thánh Cha chia sẻ. Cả hai kẻ đó đều là những „quan chức“. Họ nói rằng, „đó
không phải là nhiệm vụ của tôi!“. Nhưng người Samaritanô thì lại hành động
hoàn toàn khác.
„Ông không phải là một quan chức, ông là một con người có trái tim, một
con người có trái tim mở rộng“
„Ông đã không nhìn vào đồng
hồ của mình, và ông cũng không nhìn vào vũng máu. Ông đã đến gần người bị
thương, xuống khỏi lưng con lừa, băng bó những vết thương cho nạn nhân, và dùng
dầu và rượu để thoa lên những chỗ bị bầm dập. Ông đã khiến cho đôi tay mình bị dơ
bẩn, ông khiến cho áo quần mình cũng bị dơ bẩn luôn. Sau đó ông đặt nạn nhân
lên lưng con lừa của mình, và mang nạn nhân đang bê bết máu vào một khách sạn để
chăm sóc. Ông không nói: „Mình đặt anh ta nằm đây rồi gọi điện cho bác sĩ tới“.
Không. Ông đích thân chăm sóc cho nạn nhân. Có thể trong lúc ấy ông nghĩ thầm
trong lòng rằng: „Giờ đây anh thuộc về tôi, không phải với tư cách là một tài sản,
nhưng là để tôi phục vụ anh“. Đó không phải là việc làm của một quan chức, đó
là việc làm của một con người có trái tim, một con người có trái tim mở rộng.“
Ông chủ khách sạn, nơi người Samariatanô mang người bị thương tới,
hoàn toàn „bối rối“ – Đức Thánh Cha
giải thích tiếp. Ông ta bối rối khi nhìn thấy một người ngoại quốc, một người
dân ngoại – vì ông không phải là người Israel -, nhưng ông đã dừng lại để giúp
đỡ nạn nhân. Không những thế người ngoại quốc này còn trao cho ông chủ khách sạn
hai quan tiền để nhờ ông chăm sóc cho nạn nhân, và hứa sẽ quay lại để thanh
toán hết mọi phí tổn trong việc chữa trị cho nạn nhân. Có lẽ lúc đó viên chủ
khách sạn đã không còn tin vào mắt mình nữa, ông đặt vấn đề rằng, liệu có phải
là mình đang nhìn thấy tiền thực sự hay không – Đức Thánh Cha diễn giải. Nhưng
có lẽ nỗi nghi nan cũng đã biến mất khi ông tận mắt chứng kiến một con người
đang làm chứng cho đời sống tôn giáo của mình cũng như „đang mở ra cho những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa“, như người
Samaritanô này.
„Những người đang nắm giữ các chức vụ trong Ki-tô giáo lại không mở ra
cho những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa“
„Cả hai người – viên chủ
khách sạn và người Samaritanô – đều không phải là những quan chức“ – Đức
Thánh Cha giải thích. „Bạn là một nam
Ki-tô hữu ư? Bạn là một nữ Ki-tô hữu ư? – Vâng, vâng, con đi Lễ mỗi Chúa Nhật
và cố gắng làm những điều ngay thẳng… con cần phải bớt buôn gian bán lận, con
thích làm điều đó, nhưng phần còn lại con làm rất tốt. – Đó là những người nắm
giữ các chức vụ trong Ki-tô giáo, nhưng họ lại không mở ra cho những điều gây
ngỡ ngàng của Thiên Chúa, họ biết nhiều về Thiên Chúa nhưng không gặp gỡ Ngài.
Họ không bao giờ để cho mình được gây ngỡ ngàng bởi một chứng tá. Trong thực tế,
bản thân họ không có khả năng làm chứng.“
Một số nhà Thần Học cổ đại nói rằng, dụ ngôn người Samariatanô
nhân hậu chứa đựng „toàn bộ Tin Mừng“.
Mỗi người trong chúng ta đều là một người bị thương nằm ở đó – Đức Thánh Cha giảng
giải – và người Samariatanô chính là Chúa Giê-su. Ngài đến gần chúng ta. Ngài
chăm lo cho chúng ta. Ngài thanh toán phí tổn cho chúng ta. Ngài chữa lành những
vết thương của chúng ta. Và Ngài nói với Giáo hội của Ngài rằng: „Nếu cần nhiều hơn, thì xin bạn cứ ứng ra dùm,
khi nào tôi trở lại thì tôi sẽ trả cho bạn. Anh chị em hãy suy nghĩ cho thật kỹ
nhé: Toàn bộ Tin Mừng đều nằm trong đoạn này.“
(theo Vatican News – gs – 08.10.2018,
12:05)
Đa-minh Thiệu