Ba Hình Thức Khó Nghèo
(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 18.10.2018)
Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường
Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng về ba
hình thức khó nghèo. Hình thức thứ nhất hệ tại ở chỗ từ bỏ sự sang giầu. Hình
thức thứ hai là chấp nhận bị bách hại vì Tin Mừng, và hình thức thứ ba là sự
khó nghèo vì cô đơn.
Những suy tư trong bài giảng của Đức Thánh Cha được khởi đi từ lời
Tổng Nguyện trong ngày nói về Tình Thương của Thiên Chúa đối với người nghèo. Nội
dung của bài Tin Mừng (Lc 10,1-9) trong ngày cũng được đề cập tới trong bài giảng
của Đức Thánh Cha. Bài Tin Mừng này nói về việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi
loan báo Tin Mừng trong sự khó nghèo: „Đừng
mang theo túi tiền, bao bì và giầy dép!“, vì Chúa Giê-su muốn rằng, những
người đi theo Ngài phải lên đường trong sự khó nghèo.
Vấn đề nằm ở chỗ là có „một
tâm hồn khó nghèo“ – Đức Thánh Cha giải thích. „Nếu như trong công cuộc loan báo Tin mừng mà cần tới những cấu trúc và
những tổ chức mà chúng có vẻ như là một dấu chỉ của sự giầu có, thì hãy sử dụng
chúng cho khéo – nhưng với khoảng cách.“ Ai muốn bước đi theo Chúa Giê-su,
người ấy không được phép „sợ hãi trước sự
khó nghèo, nhưng trái lại: Người ấy phải trở nên nghèo khó“ – Đức Thánh Cha
nhấn mạnh.
Sự nghèo khó do bị bách hại vì Tin Mừng
Hình thức thứ hai của sự khó nghèo chính là việc bị bách hại. „Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa
bầy sói“ – trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nói rõ như thế với bảy mươi hai
môn đệ: Chiên và sói: tình trạng này vẫn đang còn rất nhiều trong thời đại hôm
nay. Đức Thánh Cha đã liên hệ tới một câu chuyện được thuật lại trong Thượng Hội
Đồng Giám Mục đang diễn ra tại Vatican:
„Hôm qua, một Giám mục đến
từ một trong những quốc gia mà tại đó sự bách hại đang ngự trị, Ngài đã kể về một
bạn trẻ Công giáo đã bị tấn công bởi một nhóm những người trẻ khác, tức những
người rất ghét Giáo hội, vì họ theo chủ nghĩa cực đoan. Bạn trẻ kia đã bị đánh
đập, rồi bị quăng xuống một chiếc giếng và sau đó bị lấp đất lên người. Cuối
cùng, khi họ lấp đất tới ngang cổ anh thì họ thét lên: ´Hãy nói một lần cuối
xem, liệu mày có bỏ ông Giê-su Ki-tô hay không? – ´Không!`, anh ta hô lên. Thế
là đám bạn trẻ kia đã lấy đá ném anh và sát hại anh. Tất cả chúng ta đều đã
nghe những câu chuyện như thế. Và đó không phải là chuyện của thế kỷ thứ nhất:
Nó mới diễn ra cách nay chỉ có hai tháng thôi. Thời đại ngày nay có biết bao
nhiêu là các Ki-tô hữu đang phải chịu đựng những cuộc bách hại về thể lý: ´Hê,
đó là sự phạm thánh! Cần phải treo cổ!`“
Bên cạnh đó Đức Thánh Cha cũng nhắc tới những cuộc bách hại phi
thể lý khác:
„Đó là những cuộc bách hại
bằng sự vu khống và những tin đồn. Người Ki-tô hữu sẽ âm thầm chịu đựng hình thức khó nghèo ấy. Đôi
khi cần phải tự bảo vệ mình để không gây ra những gương mù… Những cuộc bách hại
nho nhỏ nơi bà con lối xóm, trong Giáo xứ… Nhỏ thôi, nhưng chúng có bằng chứng:
bằng chứng của sự khó nghèo.“
Sự khó nghèo còn nằm ở chỗ cảm thấy mình bị bỏ rơi
Hình thức thứ ba của sự khó nghèo: đó là sự khó nghèo vì cô đơn,
vì bị bỏ rơi. Đức Thánh Cha đã nhắc tới Gio-an Tẩy Giả.
„Cha nhớ tới một vĩ nhân của
nhân loại, và phẩm cách ấy đến từ môi miệng của Chúa Giê-su: Gio-an Tẩy Giả; một
vĩ nhân, người lớn nhất trong số những người được sinh ra bởi phụ nữ. Một nhà đại
giảng thuyết: Người ta tuốn đến với ông để lãnh nhận Phép Rửa. Nhưng kết thúc của
ông thế nào? Thưa, một mình trong tù. Chúng ta hãy nhớ tới điều đó, hãy nghĩ tới
điều gì đang xảy ra trong một phòng giam, và những gì đã xảy ra trong các nhà
ngục mọi thời… Một mình, cô đơn, bị lãng quên, bị đánh đập vì những yếu đuối của
một vị vua, vì sự căm thù của một phụ nữ ngoại tình cũng như vì tâm tính của một
cô gái nhảy: Kết thúc của một người vĩ đại nhất trong lịch sử là như thế. Và
không cần phải đi đâu xa: Rất nhiều Linh mục và các nam nữ Tu Sĩ đã rao giảng
suốt cuộc đời mình, nhưng giờ đây lại vào sống trong các trại hưu dưỡng. Họ cảm
thấy mình cô đơn, cô đơn với Chúa; không ai nhớ tới họ nữa.“
Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người hãy cầu nguyện
để tất cả những ai bước đi theo Chúa Giê-su, cũng đều biết chấp nhận sự khó
nghèo: „Hãy cầu cho các Linh mục, Tu sĩ,
Giám mục, Giáo hoàng và Giáo dân để họ biết đi trên con đường khó nghèo mà
Thiên Chúa muốn.“
(theo vatican news – gs – 18.10.2018,
11:58)
Đa-minh Thiệu