Ước mong ca đoàn “đồng giọng”
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày
24.11.2018 dành cho 7 ngàn tham dự viên Đại hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công
giáo, diễn ra tại Rome từ ngày 23 - 25.11.2018, ĐTC Phanxicô mời gọi các ca
viên Công giáo hãy trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, và hãy
dành ưu tiên cho thánh ca cộng đồng..
Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao tầm
quan trọng của thánh nhạc và thánh ca trong phụng vụ, ĐTC nói: “Âm nhạc và
thánh ca là một dụng cụ đích thực để loan báo Tin Mừng, theo mức độ anh chị em
trở thành những chứng nhân của Lời Chúa, đánh động tâm hồn con người, giúp cho
việc cử hành các bí tích, nhất là thánh lễ, làm cho tín hữu cảm nghiệm được vẻ
đẹp của thiên đàng. Đừng bao giờ ngừng lại trong sự dấn thân quan trọng như thế
đối với đời sống của các cộng đoàn”.
Tại Giáo hội Việt Nam, ca đoàn là một
trong những đoàn thể luôn có những hoạt động thường xuyên và dễ được nhận diện
tại các giáo xứ, giáo họ, bên cạnh các đoàn thể khác như HĐMVGX, Thiếu Nhi
Thánh Thể, Ban lễ sinh, Các Bà Mẹ Công Giáo, các đội nhóm bác ái… Ca đoàn còn
có một lợi thế riêng là có thể quy tụ đủ mọi thành phần và mọi lứa tuổi trong
cộng đoàn. Chính vì thế mà nhiều giáo xứ lớn có trên dưới 10 ca đoàn của các
giới, đoàn thể, hội nhóm…
Cũng như nhiều tín hữu nhiệt thành
việc Nhà Chúa, ngoài sở thích ca hát, các ca viên còn ý thức việc ca hát trong
thánh lễ là để phục vụ và cùng cộng đoàn phụng sự Chúa. Điều này đòi hỏi họ
ngoài các yếu tố kỹ thuật của một bài hát, còn phải thể hiện tâm tình cầu
nguyện trong lời ca tiếng hát, bởi đây là nhạc phụng vụ.
Khi tham gia ca đoàn, mỗi ca viên
không chỉ dành thời gian để tập luyện chung và còn phải hiện diện đầy đủ trong
thánh lễ, giờ chầu, buổi cầu nguyện được cắt đặt; ngoài ra là các sinh hoạt bên
lề như hội diễn văn nghệ của giáo xứ, giáo hạt… Không thể phủ nhận thiện chí
của mỗi ca viên, nhất là ca trưởng; nhưng cũng không thể lơ là đối với những
mắc mứu mà các ca đoàn thường gặp phải. Đó là tình trạng “bè nhóm”, vắng mặt
thường xuyên trong các buổi tập và hát lễ, tranh giành hát solo, nhất là ngày
nay Giáo hội luôn khuyến khích con cái mình ưu tiên hát cộng đồng trong các
nghi thức phụng vụ… Vì thế mà mọi người đều mong ước ca đoàn “đồng giọng”,
nghĩa là cùng thiện chí, không gieo đố kỵ, không tỏ ra khác biệt để cùng chung
tâm thế phục vụ cộng đoàn và vinh danh Chúa.
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các ca
viên “đừng rơi vào cám dỗ muốn trở thành những người nắm vai chính, tỏ ra
mình là quan trọng, mà làm sự dấn thân bị lu mờ và làm giảm bớt sự tham gia
tích cực của dân chúng vào việc cầu nguyện. Ca đoàn hãy trở thành những người
linh hoạt thánh ca của toàn thể cộng đoàn và đừng thay thế họ, khiến cho Dân
Chúa không được hát chung và làm chứng về một kinh nguyện của Giáo hội và cộng
đoàn”.
Có lẽ không chỉ các ca viên mà những
ai nhiệt thành dấn thân trong công việc Nhà Chúa đều được mong ước trở nên
những người “đồng giọng” nhiệt tâm, khiêm tốn và nêu cao ý thức cộng đồng trong
công việc chung…
HOÀNG AN
(Nguồn: CGDT)