Thờ Ơ Lãnh Đạm Chính Là Sự Tương Phản Của Đức Ái
(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 08.01.2019)
Sự thờ ơ lãnh đạm mới là sự tương phản của Đức Ái chứ không phải
sự thù hận. Sở dĩ chúng ta thường không thấy được những nỗi khốn cùng của người
khác là vì con tim chúng ta thờ ơ lạnh nhạt. Nhưng sự đồng cảm của Chúa Giê-su
chỉ cho chúng ta thấy rằng, chúng ta cần phải hướng tấm lòng về người khác. Đức
Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua
tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.
„Chúng ta hãy yêu thương
nhau; vì Tình Yêu phát xuất từ Thiên Chúa“ – Đức Thánh Cha nhắc lại lời của
Thánh Gio-an (1Ga 4,7) để khởi đầu bài giảng. „Tình Yêu của Thiên Chúa biểu lộ giữa chúng ta qua việc Ngài đã sai Con
Một xuống thế gian để nhờ Ngài mà chúng ta được sống“: Trong những lời đó của
Thánh Gio-an ẩn chứa toàn bộ mầu nhiệm Tình Yêu – Đức Thánh Cha giải thích:
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Ngài đã thực hiện bước đi đầu tiên, một
bước đi để đến với một nhân loại đã không biết yêu thương, nhân loại ấy đang cần
tới sự trìu mến, cần tới chứng tá của Thiên Chúa để yêu. „Và bước đi đầu tiên mà Thiên Chúa đã thực hiện, chính là Con của Ngài:
Thiên Chúa đã sai Con mình xuống để cứu độ chúng ta cũng như để trao cho cuộc sống
chúng ta một ý nghĩa.“
Sự đồng cảm của Chúa Giê-su
Dựa vào trình thuật của Tin Mừng theo Thánh Mác-cô về phép lạ
hóa bánh và cá ra nhiều, Đức Thánh Cha đã giải thích về sự đồng cảm của Chúa
Giê-su: „Tại sao Chúa Giê-su làm điều đó?“
– Đức Thánh Cha đặt vấn đề, và cũng chính Ngài đưa ra câu trả lời: vì sự đồng cảm.
Chúa Giê-su đã đồng cảm với những con người trên bờ biển hồ Tiberia, vì họ mồ
côi vất vưởng: „Vì họ giống như đoàn
chiên không có người chăn.“
„Con tim của Thiên Chúa,
con tim của Chúa Giê-su đã bị rung động“ – Đức Thánh Cha chia sẻ. „Con tim ấy đã thấy tất cả những con người
này và không thể tiếp tục thờ ơ được nữa. Tình Yêu không thể ngồi yên, nó không
chịu đựng được sự thờ ơ. Tình Yêu có sự cảm thông. Nhưng cảm thông có nghĩa là,
người ta đặt con tim mình trước cuộc thử thách; nó có nghĩa là Lòng Nhân Hậu.
Hướng con tim mình về người khác: đó là Tình Yêu. Tinh Yêu là, khi bạn đặt con
tìm mình trước sự thử thách vì người khác.“
Các môn đệ đã lạnh lùng trước số phận của những con người
Nhưng các môn đệ lại tỏ ra lạnh lùng trước số phận của đám đông:
„Muộn quá rồi. Xin hãy giải tán họ để họ
vào trong các làng mạc chung quanh đây mà mua đồ ăn“ – Đức Thánh Cha nhắc lại
lời tường thuật của bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Mác-cô. „Nói một cách dễ hiểu thì: Họ nên tự tìm chỗ
để lưu lại! Ở đây, các môn đệ biết rằng, mình đang có lương thực. Nhưng các ông
muốn giữ lại cho mình. Đó là sự thờ ơ.“
„Các môn đệ đã không quan
tâm tới con người: Họ quan tâm tới Chúa Giê-su, vì họ yêu mến Ngài. Họ không tồi:
Họ chỉ thờ ơ mà thôi. Họ không biết được yêu mến có nghĩa là gì. Họ không biết
được cảm thông là gì. Họ cũng chẳng biết thờ ơ là gì. Vì thế họ mới mắc phải lỗi
lầm, đã phản bội Thầy mình, đã bỏ rơi Thầy trong cơn khốn cùng, và nhờ thế đã
hiểu được sự cảm thông và Lòng Nhân Hậu thực sự là gì“ – Đức Thánh Cha giải
thích. „Và câu trả lời của Chúa Giê-su rất
rõ ràng: Anh em hãy cho họ ăn! Hãy chăm lo cho họ. Đó là cuộc chiến giữa sự đồng
cảm của Chúa Giê-su và sự thờ ơ lãnh đạm, mà sự lãnh đạm ấy không ngừng bị lặp
đi lặp lại khắp nơi trong lịch sử… Có nhiều người tốt, nhưng họ lại không hiểu
được những nhu cầu của người khác, họ không có khả năng đồng cảm. Những
con người tốt… Có lẽ Tình Yêu của Thiên Chúa đã không thể thẩm thấu vào trong
con tim của họ - hay có lẽ họ đã không cho phép Tình Yêu đó bước vào.“
Đừng dễ dàng ngó đi nơi khác…
Trước khi kết thúc bài giảng của mình, Đức
Thánh Cha đã đưa ra một ví dụ rất chua chát về nền văn hóa thờ ơ lãnh đạm ngày
nay: một bức hình được chụp bởi một bạn trẻ người Rô-ma, đó là Daniele
Garofani, người đang làm việc cho nhật báo Osservatore Romano của Tòa Thánh Vatican với tư cách là phóng
viên hình. Vào một buổi chiều mùa Đông lạnh giá kia, khi anh lên đường đi về
nhà, bỗng dưng anh thấy một số người bước ra từ một khu nhà hàng, vừa đi vừa cười
nói vui vẻ trong những bộ áo choàng ấm áp. Lúc đó có một người vô gia cư vừa
đói vừa run rẩy, đã giơ tay ra để xin họ một vài đồng để mua đồ ăn, nhưng những
người trên đã cố tình bỏ qua không thèm nhìn. „Họ đã tránh cái nhìn“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. „Và đó chính là nền văn hóa thờ ơ lãnh đạm.
Ngay cả các Tông Đồ cũng đã từng làm như vậy: Họ nên thấy được nơi họ lưu lại.
Họ sẽ đói và run rẩy ư, điều đó có liên hệ gì đến chúng tôi! Đó là
vấn đề của họ!”
Nền văn hóa thờ ơ lãnh đạm: Căn bệnh hằng
ngày của chúng ta
“Sự
thờ ơ lãnh đạm chính là sự tương phản hằng ngày của Đức Ái, và của sự cảm thông
mà Thiên Chúa luôn có” – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. “Tôi rất hài lòng vì tôi chẳng thiếu gì cả. Tôi đang có mọi sự, cuộc sống
này và ngay cả cuộc sống vĩnh cửu cũng rất chắc chắn đối với tôi… Sau cùng, tôi
đi Lễ mỗi Chúa Nhật, tôi là một Ki-tô hữu tốt. Nhưng khi tôi bước ra khỏi nhà
hàng, thì tôi lại thích nhìn đi hướng khác… Thiên Chúa, Đấng có sự cảm thông và
giầu Lòng Nhân Hậu đang thực hiện bước đi đầu tiên, chúng ta nghĩ về điều đó.
Nhưng chúng ta lại thường thờ ơ lãnh đạm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài
chữa lành nhân loại – bắt đầu từ chính chúng ta: Ước gì Chúa sẽ chữa cho con
tim của con khỏi được căn bệnh ấy, tức căn bệnh của nền văn hóa thờ ơ lãnh đạm.”
(theo vatican news – 08.01.2019, 13:01)
Đa-minh Thiệu