Lời Chúa Tạo Điều Kiện Cho Sự Phát Triển

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 17.01.2018)

 

Nếu một Ki-tô hữu có „con tim xấu xa“, mà con tim ấy có thể dẫn họ tới chỗ thiếu cương quyết, hoang tưởng và đê tiện, thì điều đó có nghĩa là gì? Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã suy niệm xung quanh câu hỏi đó khi giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Anh chị em thân mến, hãy cố gắng làm sao để đừng ai trong anhh chị em có một con tim xấu xa, bất tín và chối bỏ Thiên Chúa hằng sống“ – Bài giảng của Đức Thánh Cha đã được khởi đi từ đoạn văn đó trong thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Híp-ri (Hr 3,7-14). Không ai trong cộng đoàn Ki-tô giáo – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – kể cả các „Linh mục, các Nữ Tu và các Giám mục“, nói tắt một lời là không có bất cứ ai được bảo vệ trước việc có một con tim xấu xa. Và Đức Thánh Cha đã chỉ ra ba mối nguy khi người ta có một con tim chai cứng, một con tim ương ngạnh hay một con tim bị dụ dỗ.

Những Ki-tô hữu hèn nhát và sống thiếu can đảm

Một con tim chai cứng là một con tim khép kín, tức „con tim không muốn lớn lên, nhưng muốn ở trong sự phòng thủ“. Một điều gì đó như thế sẽ xảy ra nếu người ta phải chịu đựng nhiều nỗi khổ đau, vì „những cú đánh sẽ làm cho da bị chai lại“ – Đức Thánh Cha chia sẻ, và như một ví dụ, Ngài nêu ra trường hợp của các môn đệ Emmaus và của tông đồ Thomas. Nhưng nếu ai cứ khăng khăng với một thái độ như thế, thì người ấy sẽ trở thành một kẻ hèn nhát, mà „một con tim hèn nhát thì luôn luôn xấu xa“.

Chúng ta có thể tự hỏi: Phải chăng tôi đang có một con tim chai cứng và khép kín? Phải chăng tôi đang sợ hãi trước việc để cho con tim mình lớn lên? Và chúng ta luôn luôn phát triển thông qua những thử thách, thông qua những khó khăn, chúng ta lớn lên như tất cả chúng ta đều lớn lên với tư cách là những em bé: chúng ta học đi trong lúc chúng ta té ngã, từ lúc còn đang phải bò cho tới khi đứng lên để đi, chúng ta thường bị té ngã như thế nào! Nhưng người ta lớn lên bên cạnh những khó khăn. Chai cứng và tự nhốt mình lại chính là sự thiếu cương quyết. Nhút nhát là một thái độ xấu xa nơi một Ki-tô hữu, nó làm cho người Ki-tô hữu thiếu can đảm để sống.

Những Ki-tô hữu ương ngạnh và những kẻ hoang tưởng

Mối nguy thứ hai đó là con tim ương ngạnh. „Anh chị em hãy cẩn trọng trong mọi ngày, cho tới khi nào vẫn còn cái gọi là ´ngày hôm nay`, để đừng ai trong anh chị em trở nên ương ngạnh vì sự phỉnh lừa của tội lỗi“ – Thư gửi tín hữu Híp-ri nhắn nhủ. Sự ương ngạnh ấy chính là lời quở trách của Thánh Stê-pha-nô dành cho những kẻ đang chuẩn bị ném đá Ngài – Đức Thánh Cha giảng giải. Một con tim ương ngạnh sẽ luôn luôn nổi loạn, lì lợm và không mở ra cho Chúa Thánh Thần. Đó là nét đặc trưng của những kẻ hoang tưởng, tự phụ và kênh kiệu.

Sự hoang tưởng cũng chính là sự ương ngạnh. Nhưng Lời Chúa, ân sủng của Chúa Thánh Thần, không phải là sự hoang tưởng: Đó là sự sống, nó làm cho bạn lớn lên và mở con tim bạn ra cho những dấu chỉ của Chúa Thánh Thần, cho những dấu chỉ thời đại. Nhưng sự ương ngạnh cũng là sự kênh kiệu và tự phụ. Phải chăng tôi đang có một con tim ương ngạnh? Tất cả đều nên suy nghĩ về điều đó. Tôi có thể lắng nghe người khác không? Tôi có khả năng đối thoại không? Những kẻ ương ngạnh sẽ không tiến hành việc đối thoại, họ luôn luôn tự biện bạch với những ý tưởng, họ là những kẻ hoang tưởng. Và những kẻ hoang tưởng: Họ đang gây hại cho Dân Chúa biết dường nào, họ đang gây hại biết bao! Vì họ phong tỏa hành động của Chúa Thánh Thần.

 

Nô lệ sự cám dỗ

Mối nguy hiểm thứ ba mà Đức Thánh Cha nêu ra, đó là mối nguy hiểm của sự cám dỗ: cám dỗ thông qua tội lỗi, như ma quỷ vẫn thực hiện. Đức Thánh Cha gọi ma quỷ là một „đại Thần Học Gia nhưng không có Đức Tin mà lại thừa hận thù“, nó biết cách đột nhập vào trong các tâm hồn và chế ngự các tâm hồn ấy. Mội con tim xấu xa chính là „con tim để cho mình bị lôi kéo bởi cơn cám dỗ, và cơn cám dỗ sẽ đưa nó tới chỗ ương ngạnh và khép kín.“

Và với cơn cám dỗ thì hoặc là người ta sẽ hoán cải và thay đổi cuộc sống của mình, hoặc là người ta sẽ cố gắng tiến hành những thỏa hiệp: một chút bên này và một chút bên kia. ´Vâng, tôi theo Chúa, nhưng tôi muốn thực hiện một chút theo cơn cám dỗ này…` Và bạn bắt đầu tiến hành một lối sống kép mang tên Ki-tô giáo. Và những kẻ ương ương dở dở cũng giống như thế, họ luôn luôn tiến hành những cuộc thỏa hiệp, đó là các Ki-tô hữu thỏa hiệp.

Ước gì Chúa Thánh Thần – Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình – sẽ soi sáng để không ai có một con tim xấu xa: „Một con tim chai cứng, nó sẽ dẫn tới sự nhút nhát; một con tim ương ngạnh, nó sẽ dẫn tới sự cứng đầu cứng cổ và sự hoang tưởng; một con tim bị dụ dỗ, nó sẽ dẫn tới một Ki-tô giáo thỏa hiệp.“

 

(theo vatican news – 17.01.2019, 13:46)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2019