Diễn Văn Của ĐTC Tại Hội Nghị Liên Tôn Emirati

Chúng ta không thể tôn kính Đấng Tạo Hóa mà lại không bảo tồn tính chất thánh thiêng của mỗi người và của mỗi nhân mạng: mỗi người đều quí giá trước mặt Chúa. Vì Chúa không nhìn gia đình nhân loại với một cái nhìn thiên vị loại trừ, nhưng với cái nhìn từ nhân bao gồm mọi người.

 G. Trần Đức Anh OP - chuyển ý (vaticannews.va)

 Trên đây là những ý tưởng chính trong bài diễn văn dài của ĐTC tại hội nghị quốc tế liên tôn nhóm tại Abu Dhabi hôm 4-2-2019 về chủ đề ”Tình huynh đệ nhân loại”.

 Đây là hoạt động chính yếu của ĐTC trong ngày đầu tiên viếng thăm tại Abu Dhabi. Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc quá 6 giờ chiều với 700 vị lãnh đạo các tôn giáo: Hồi giáo, Kitô, Phật giáo, Ấn giáo, đạo Baha'i.., tại Hội trường thuộc khu vực Đài tưởng niệm vị Lập Quốc Sheik Zayed bin Sultan Al Nahyan ở Abu Dhabi.

 Các tham dự viên đến từ 30 quốc gia và thảo luận trong hai ngày 3 và 4-2-2019 về chủ đề là ”Tình huynh đệ nhân loại”.

 Diễn văn của ĐTC

 Lên tiếng tại Hội nghị, sau lời chào mừng của Thái Tử Mohammad Zayed và Đại Iman Ahmad al Tayyeb của Đền thờ Al Azhar ở Cairo, cũng là trưởng Ban tổ chức Hội nghị, ĐTC đã chào mừng và cám ơn các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền, cũng như mọi người hiện diện, rồi ngài đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc giúp nhân loại cứu vãn hòa bình qua con tàu huynh đệ như con tàu của ông Noe xưa kia. Tình huynh đệ này dựa trên sự kiện tất cả chúng ta đều do Thiên Chúa tạo dựng và là anh chị em với nhau. Từ đó, mọi người đều có phẩm giá bình đẳng và bình quyền, và con người không thể nhân danh Thiên Chúa để loại trừ nhau. Và để giữ tinh thần gia đình trong nhân loại, cần đối thoại và cầu nguyện, thực thi giáo dục và công lý, bài trừ mọi hình thức chiến tranh và võ trang. ĐTC nói:

 ”Với tâm tình cảm tạ Chúa, trong dịp kỷ niệm 800 năm cuộc gặp gỡ giữa thánh Phanxicô Assisi và quốc vương Hồi giáo al-Malik al-Kamil, tôi đón nhận cơ hội đến đây như một tín hữu khao khát hòa bình, như người anh em cùng với các anh em khác tìm kiếm hòa bình. Mong muốn hòa bình, thăng tiến hòa bình, trở thành dụng cụ hòa bình: tất cả chúng ta ở đây là vì mục đích ấy.

 Con tàu huynh đệ cứu vớt nhân loại ngày nay

 Huy hiệu cuộc viếng thăm này có vẽ hình một chim câu đang ngậm một ngành ô-liu. Đó là một hình ảnh gợi lại trình thuật đại hồng thủy ban đầu, được kể trong nhiều truyền thống tôn giáo. Theo trình thuật Kinh Thánh, để bảo tồn nhân loại khỏi cuộc tàn phá, Thiên Chúa đã yêu cầu ông Noe vào con tàu cùng với gia đình ông. Ngày nay cũng vậy, nhân danh Thiên Chúa, để cứu vãn hòa bình, chúng ta cần cùng nhau, như một gia đình duy nhất, tiến vào một con tàu có thể vượt qua những đại dương đang bị bão tố của thế giới: đó là con tàu huynh đệ.

 Gia đình nhân loại duy nhất

 Điểm khởi hành là nhìn nhận rằng Thiên Chúa là nguồn gốc gia đình nhân loại duy nhất. Chúa là Đấng Sáng tạo mọi sự và mọi người, Chúa muốn chúng ta sống như anh chị em với nhau, ở trong căn nhà chung của thiên nhiên mà Chúa ban cho chúng ta. Nơi căn cội nhân tính chung của chúng ta có tình huynh đệ, như ”ơn gọi chứa đựng trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa” (1). Tình huynh đệ ấy nói với chúng ta rằng tất cả chúng ta đều có phẩm giá bình đẳng và không ai có thể là chủ nhân hoặc nô lệ của người khác.

 Chúng ta không thể tôn kính Đấng Tạo Hóa mà lại không bảo tồn tính chất thánh thiêng của mỗi người và của mỗi nhân mạng: mỗi người đều quí giá trước mặt Chúa. Vì Chúa không nhìn gia đình nhân loại với một cái nhìn thiên vị loại trừ, nhưng với cái nhìn từ nhân bao gồm mọi người. Vì thế, nhìn nhận mỗi người đều bình quyền chính là tôn vinh Danh Thiên Chúa trên mặt đất. Do đó, nhân danh Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, cần lên án, không chút do dự, mọi hình thức bạo lực, vì thực là một sự xúc phạm trầm trọng chống lại Danh Thiên Chúa khi dùng danh Ngài để biện minh cho oán thù và bạo lực chống lại người anh em. Không có bạo lực nào có thể được biện minh bằng tôn giáo.

 Kẻ thù của tình huynh đệ

 Kẻ thù của tình huynh đệ chính là chủ nghĩa cá nhân, nó được diễn tả qua ý muốn khẳng định bản thân và phe nhóm của mình ở trên người khác. Đó thật là một cạm bẫy đe dọa tất cả các khía cạnh của cuộc sống, thậm chí nó đe dọa cả đặc ân cao cả nhất, bẩm sinh của con người, đó là sự cởi mở đối với siêu việt và lòng đạo đức. Lòng đạo đức chân thực hệ tại yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình.

 Ca ngợi sự cởi mở của Abu Dhabi

 ”Vì thế tôi muốn bày tỏ lòng quí chuộng đối với sự dấn thân của đất nước này trong sự bao dung và bảo đảm tự do phụng tự, đương đầu với thái độ cực đoan và oán ghét. Làm như thế, trong khi chúng ta thăng tiến tự do cơ bản là được tuyên xưng tín ngưỡng của mình, vốn là một đòi hỏi nội tại đối với việc thực hiện chính con người, chúng ta cũng cảnh giác để tôn giáo không bị lạm dụng và có nguy cơ chối bỏ chính mình, khi chấp nhận bạo lực và khủng bố.

 Cư xử với nhau như anh chị em

 ”Chắc chắn tình huynh đệ được ”biểu lộ qua sự đa dạng và khác biệt giữa các anh em, tuy liên kết với nhau bằng sự sinh ra và có cùng bản tính, cùng phẩm giá” (2). Sự đa nguyên tôn giáo nói lên điều đó. Trong bối cảnh ấy, thái độ đúng không phải là ép buộc phải đồng nhất, và cũng chẳng phải là tôn giáo pha trộn nhau: điều mà chúng ta, trong tư cách là tín hữu, được kêu gọi thực hiện, đó là dấn thân trong phẩm giá đồng đều của mọi người, nhân danh Đấng Từ Bi Thương Xót đã tạo dựng nên chúng ta và nhân danh Chúa, cần phải tìm kiếm sự dung hòa giữa những xung khắc và tình huynh đệ trong sự khác biệt. Ở đây tôi muốn tái khẳng định xác tín của Giáo Hội Công Giáo: ”Chúng ta không thể khẩn cầu Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, nếu chúng ta từ khước, không cư xử như anh chị em với một số trong số những người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” (3).

Làm sao gìn giữ gia đình nhân loại

 Nhưng có nhiều vấn nạn được đặt ra: ”Làm sao giữ gìn nhau trong gia đình nhân loại duy nhất? Làm sao nuôi dưỡng một tình huynh đệ không phải trên lý thuyết, nhưng được diễn tả qua một tình huynh đệ đích thực? Làm thế nào để sự bao gồm người khác trổi vượt trên sự loại trừ nhân danh nhóm của mình? Tóm lại là làm sao để các tôn giáo là những con đường của tình huynh đệ thay vì là những hàng rào chia cách?

 Gia đình nhân loại và can đảm chấp nhận người khác

 “Nếu chúng ta tin có một gia đình nhân loại, thì cần phải bảo tồn gia đình ấy trong tư cách là gia đình. Giống như trong mỗi gia đình, sự bảo tồn được diễn ra nhờ một cuộc đối thoại thường nhật và đích thực. Cuộc đối thoại ấy giả thiết mình có căn tính và không cần phải từ bỏ căn tính ấy để làm hài lòng người khác. Nhưng đồng thời cũng cần phải can đảm chấp nhận người khác (4), điều này bao hàm sự hoàn toàn nhìn nhận người khác và tự do của họ, cùng với sự dấn thân làm sao để các quyền căn bản của tha nhân luôn được khẳng định ở mọi nơi và đối với bất kỳ ai khác. Vì không có tự do thì không còn là những người con của gia đình nhân loại, nhưng là những người nô lệ. Trong số những quyền tự do mà tôi muốn nhấn mạnh có tự do tôn giáo. Tự do này không chỉ giới hạn vào tự do phụng tự mà thôi, nhưng nhìn tha nhân thực sự như một người anh em, người con có cùng nhân loại với tôi mà Thiên Chúa cho tự do và vì thể không một tổ chức phàm nhân nào có thể cưỡng bách, dù là nhân danh Chúa.

 Đối thoại và cầu nguyện

 ”Can đảm chấp nhận người khác chính là linh hồn của việc đối thoại, vốn dựa trên những ý hướng chân thành. Thực vậy, đối thoại bị thương tổn do sự giả bộ, làm gia tăng sự xa cách và ngờ vực: ta không thể tuyên bố tình huynh đệ rồi hành động ngược lại. Theo một văn sĩ tân thời, ”ai nói dối chính mình và lắng nghe những lời gian dối của mình, thì đi tới chỗ không còn có thể phận biệt sự thật nữa, trong nội tâm, quanh bản thân mình, và thế là họ bắt đầu không còn tôn trọng bản thân và người khác” (5).

 ”Trong tất cả những điều ấy, cầu nguyện là điều không thể thiếu được; trong khi biểu lộ can đảm đón nhận người khác trước mặt Chúa, việc cầu nguyện thanh tẩy tâm hồn khỏi thái độ co cụm vào mình. Kinh nguyện thành tâm là một yếu tố tái tạo tình huynh đệ. Vì thế, ”về tương lai cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên là chúng ta phải cầu nguyện. Và cầu nguyện cho nhau: chúng ta là anh em với nhau! Nếu không có Chúa thì chẳng có thể làm được gì; với Ngài, tất cả đều trở thành điều có thể! Ước gì kinh nguyện của chúng ta, mỗi người theo truyền thống của mình - hoàn toàn theo Thánh Ý Chúa, là Đấng mong muốn tất cả mọi người nhìn nhận nhau như anh em và sống như thế, họp thành một đại gia đình nhân loại, hòa hợp trong sự khác biệt” (6).

 ”Không có giải pháp khác: hoặc chúng ta cùng nhau kiến tạo tương lai hoặc sẽ không có tương lai. Đặc biệt các tôn giáo không thể từ khước nghĩa vụ khẩn cấp là bắc những nhịp cầu giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Đã đếnlúc các tôn giáo dân thân tích cực hơn, can đảm và táo bạo, không giả vờ, để giúp đỡ gia đình nhân loại làm chín mùi khả năng hòa giải, viễn tượng hy vọng và những hành trình cụ thể đạt tới hòa bình.

 Giáo dục và công lý

 ”Và thế là chúng ta trở lại hình ảnh chim bồ cầu hòa bình đã nói ban đầu. Để có thể bay lên, hòa bình cũng cần có đôi cánh nâng đỡ. Đôi cánh ở đây là giáo dục và công lý.

 Educatio, giáo dục, trong tiếng la tinh, có nghĩa là rút ra ngoài, đưa ra ánh sáng những tiềm năng quí giá của tâm hồn. Thật là điều an ủi khi nhận thấy rằng tại đất nước này không những có sự đầu tư để rút ra những tài nguyên từ lòng đất, nhưng còn có sự đầu tư về những tài nguyên của con tim, đầu tư vào giáo dục người trẻ. Đó là một sự dấn thân mà tôi cầu mong sẽ được tiếp tục và được phổ biến khắp nơi. Cả việc giáo dục cũng diễn ra trong tương quan, trong sự hỗ tương. Chúng ta phải gắn kèm châm ngôn thời danh xưa kia ”Bạn hãy biết chính mình” bằng câu ”Bạn hãy biết người anh em của bạn”: biết lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của họ, vì sẽ không có sự nhận biết đích thực về bản thân nếu không nhận biết về tha nhân. Trong tư cách là người, và nhất là với tư cách là anh em, chúng ta nhắc nhớ cho nhau rằng ta không thể xa lạ với những gì thuộc về con người (7). Điều quan trọng đối với tương lai là huấn luyện căn tính cởi mở, có khả năng chiến thắng cám dỗ co cụm vào mình và cứng nhắc.

 Đầu tư vào văn hóa giúp giảm bớt oán ghét và làm gia tăng nền văn minh và sự thịnh vượng. Giáo dục và bạo lực tương phản với nhau theo tỷ lệ. Các học viện Công Giáo, rất được quí chuộng kể cả tại đất nước này và trong vùng, đang thăng tiến nền giáo dục như vậy về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau để phòng ngừa bạo lực.

 Những người trẻ thường bị vây bủa vì những sứ điệp tiêu cực và những tin giả mạo (fake news), họ đang cần học cách không chiều theo những cám dỗ của chủ thuyết duy vật, oán ghét và những thành kiến; học cách phản ứng chống lại bất công và cả những kinh nghiệm đau thương của quá khứ; học cách bảo vệ các quyền của người khác, với cùng một sự cương quyết mạnh mẽ như khi họ bảo vệ các quyền của mình. Một ngày kia, chính họ sẽ là những người sẽ phán xét chúng ta: họ phán đoán tốt cho chúng ta nếu chúng ta mang lại cho họ những nền tảng vững chắc để kiến tạo những cuộc gặp gỡ mới về văn minh; họ sẽ lên án chúng ta nếu chúng ta chỉ để lại cho họ những ảo ảnh và viễn tượng điêu tàn về những cuộc đụng độ man rợ.

 Công lý là chiếc cánh thứ hai của hòa bình, công lý này thường không bị tổn thương vì những vụ riêng rẽ, nhưng dần dần bị thứ ung thư bất công tiêu diệt.

 Vì thế, ta không thể tin nơi Thiên Chúa mà không tìm cách sống theo công lý với tất cả mọi người, theo khuôn vàng thước ngọc này: ”Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho con, thì các con hãy làm như vật cho họ: thực vậy đó là Luật và các Ngôn Sứ” (Mt 7,12).

 Hòa bình và công lý không thể tách rời nhau! Ngôn Sứ Isaia đã nói; ”Thực hành công lý sẽ mang lại hòa bình” (32,17). Hòa bình chết đi khi nó tách rời khỏi công lý, nhưng công lý trở nên giả tạo nếu nó không có đặc tính đại đồng. Một nền công lý chỉ dành cho những người thân thuộc, những người đồng hương và đồng đạo, thì đó là một nền công lý khập khiễng, là một thứ bất công mang mặt nạ!

 Các tôn giáo cũng có nghĩa vụ nhắc nhớ rằng sự ham hố lợi lộc làm cho con tim bất động và các luật lệ của thị trường hiện nay, khi đòi hỏi tất cả và ngay lập tức, sẽ không hỗ trợ sự gặp gỡ, đối thoại, nâng đỡ gia đình, những chiều kích thiết yếu của cuộc sống đang đòi phải có thời gian và kiên nhẫn. Các tôn giáo cần trở thành tiếng nói của những người rốt cùng, không phải là những thông kê, nhưng là anh chị em và đứng về phía những người nghèo; các tôn giáo cần canh chừng như những lính canh của tình huynh đệ trong đêm đen của những xung đột, trở thành những lời kêu gọi cảnh giác để nhân loại không nhắm mắt trước những bất công và không bao giờ cam chịu trước quá nhiều thảm trạng của thế giới.

 Sa mạc nở hoa

 Sau khi nói về tình huynh đệ như con tàu hòa bình, giờ đây tôi muốn lấy hứng từ một hình ảnh thứ hai, hình ảnh sa mạc đang bao quanh chúng ta.

 Tại đây, trong vòng vài năm, nhờ sự nhìn xa trông rộng và khôn ngoan, sa mạc đã biến thành một nơi thịnh vượng và chào đón; từ một chướng ngại cản trở sự lui tới, sa mạc trở thành nơi gặp gỡ giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Tại đây sa mạc nở hoa, không phải chỉ vài ngày trong năm, nhưng cho nhiều năm tới đây. Đất nước này, trong đó cát và những nhà chọc trời gặp nhau, tiếp tục là một ngã tư quan trọng giữa Tây và Đông phương, giữa Bắc và Nam bán cầu, một nơi phát triển, nơi mà trước đây những môi trường không thu hút dân chúng, nay đang dành những công ăn việc làm cho nhiều người từ các nước khác nhau.

 Nhưng cả sự phát triển cũng có những đối thủ. Nếu kẻ thù của tình huynh đệ là cá nhân chủ nghĩa, tôi muốn nêu rõ chướng ngại cản trở sự phát triển chính là sự dửng dưng lãnh đạm, xét cho cùng nó biến những thực tại tươi nở thành những miền đất hoang dã. Thực vậy, một sự phát triển chỉ hoàn toàn duy lợi ích thì sẽ không mang lại tiến bộ đích thực và lâu bền. Chỉ có một sự phát triển toàn diện và có phối hợp mới mang lại một tương lai xứng đáng với con người. Sự dửng dưng ngăn cản không cho ta nhìn thấy cộng đoàn nhân loại, vượt lên trên những lợi lộc, và nhìn người anh em vượt lên trên công việc họ đang thi hành. Thực vậy sự dửng dưng không hướng nhìn về ngày mai; nó không chú ý đến tương lai của công trình tạo dựng, không chăm sóc đến phẩm giá của người ngoại kiều và tương lai của các trẻ em.

 Trong bối cảnh đó, tôi vui mừng vì chính tại đây, ở Abu Dhabi, hồi tháng 11 năm ngoái, đã tiến hành Diễn Đàn đầu tiên của Liên minh liên tôn để đạt tới những cộng đoàn an toàn hơn về vấn đề phẩm giá trẻ em trong thời đại kỹ thuật số. Diễn đàn ấy đã đón nhận sứ điệp được truyền đi, một năm trước đó tại Roma, trong Hội nghị quốc tế về cùng đề tài mà tôi đã hết sức hỗ trợ và khích lệ. Tôi cám ơn tất cả các vị lãnh đạo đã dấn thân trong lãnh vực này và tôi cam kết ủng hộ, liên đới và sự tham gia của tôi và của Giáo Hội Công Giáo vào chính nghĩa rất quan trọng này, chính nghĩa bảo vệ các trẻ vị thành niên trong mọi khía cạnh.

 Tại đây, nơi sa mạc đã mở ra một con đường phát triển phong phú, đi từ công việc làm, mang lại hy vọng cho nhiều người thuộc các dân tộc, văn hóa và tín ngưỡng khác nhau. Trong đó có nhiều Kitô hữu, sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại miền này đã có từ nhiều thế kỷ, họ đã tìm được cơ may và góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng và an sinh của Đất nước này. Ngoài những khả năng chuyên môn, họ cũng mang đến phẩm chất đức tin của họ. Sự tôn trọng và bao dung mà họ gặp được, cũng như những nơi cần thiết cho việc thờ phượng nơi họ cầu nguyện, giúp họ đạt được sự trưởng thành tâm linh vốn là điều cũng mưu ích lợi cho toàn thể xã hội. Tôi khuyến khích tiếp tục con đường này để bao nhiêu người sống tại đây hoặc đi qua đường giữ lại, không những hình ảnh những công trình to lớn được dựng lên nơi sa mạc, nhưng cả hình ảnh một quốc gia bao gồm và đón nhận mọi người.

 Chính với tinh thần ấy, không những tại đây, nhưng còn ở nơi toàn vùng Trung đông quí mến và quan trọng, mà tôi cầu mong có những cơ hội gặp gỡ cụ thể: những xã hội trong đó con người thuộc các tôn giáo khác nhau được cùng một quyền công dân và nơi mà quyền ấy không phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào.

 Một sự sống chung huynh đệ, dựa trên giáo dục và công lý; một sự phát triển nhân bản được xây dựng trên sự bao gồm niềm nở đón nhận và trên các quyền của mọi người: đó là những hạt giống hòa bình, mà các tôn giáo được kêu gọi làm nẩy mầm. Các tôn giáo, ngày nay hơn bao giờ hết, có một nghĩa vụ không thể hoãn lại được trong giai đoạn lịch sử hiện nay, đó là tích cực góp phần giải trừ võ trang cho tâm hồn con người. Sự chạy đua võ trang, việc mở rộng các vùng ảnh hưởng của mình, những chính sách gây hấn gây thiệt hại cho người khác, không bao giờ mang lại sự ổn định. Chiến tranh không biết tạo nên điều gì khác ngoài lầm than, võ khí không mang lại điều gì khác ngoài chết chóc!

 Tình huynh đệ giữa con người đòi chúng ta, là đại diện của các tôn giáo, thi hành nghĩa vụ bài trừ mọi hình thức ủng hộ từ chiến tranh. Chúng ta hãy trả lại nó cho sự tàn ác đáng thương của nó. Những hậu quả đau thương của nó đang diễn ra trước mắt chúng ta. Tôi đặc biệt nghĩ đến Yemen, Siria, Irak và Libia. Cùng nhau, như anh em của một gia đình nhân loại duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn, chúng ta hãy dấn thân chống lại thứ lô-gíc quyền lực võ trang, chống lại sự thương mại hóa các quan hệ, sự võ trang các biên giới, việc dựng lên những hàng rào và sự bịt miệng những ngươi nghèo; chúng ta hãy mạnh mẽ chống lại tất cả những điều ấy bằng sức mạnh dịu dàng của kinh nguyện và sự dấn thân hàng ngày của chúng ta trong đối thoại. Ước gì sự kiện chúng ta cùng ở với nhau hôm nay là một sứ điệp tin tưởng, một sự khích lệ cho tất cả những người thiện chí, để họ không đầu hàng trước trận lụt hồng thủy của bạo lực và nạn sa mạc hóa lòng vị tha. Thiên Chúa đứng về phía người tìm kiếm hòa bình. Từ trời cao, Chúa chúc lành cho mọi bước tiến được thực hiện trên trái đất theo con đường này”.

 

 --------

 Chú thích

 1. Biển Đức 16, Diễn văn với các tân đại sứ cạnh Tòa Thánh, 16-12-2010

 2. Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 1-1-2015,2

 3. Tuyên ngôn Nostra Aetate, 5

 4. Diễn văn tại Hội nghị quốc tế về hòa bình, Al Azhar, Cairo 28-4-2017

 5. F.M. Dostoeskij, I fratelli Kamazoov, II, Milano 2010, 60

 6. Tiếp kiến chung liên tôn 28-10-2015

 7. Terenzio, Heautontimorumenos, I,1,25 

 

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 2, 2019