Đừng Cầu Nguyện Cách Nửa Vời, Nhưng Hãy Cầu Nguyện Với Tất Cả Sức Lực
(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 04.04.2019)
Vào sáng sớm thứ Năm vừa qua, Tổng Thống Sergio Mattarella của Ý
đã đến tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cử hành tại nguyện đường
Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Trong Thánh Lễ này, Đức Thánh Cha đã mời gọi
các tín hữu hãy kiên định trong khi cầu nguyện.
Khi giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào việc chúng ta nên cầu
nguyện thế nào: Với sự can đảm, mặt giáp mặt với Thiên Chúa, không nửa vời,
nhưng với tất cả sức lực. Bên cạnh việc ăn chay và Đức Ái, đó cũng là một trong
những cách thức để chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh – Đức Thánh Cha chia sẻ. Để
nói về lời nguyện giúp cầu thay, Đức Thánh Cha đã nêu ra một số mẫu gương trong
Kinh Thánh, trong đó có Mô-sê, Áp-ra-ham và người phụ nữ Ca-na-an.
Áp-ra-ham đã vật lộn với Thiên Chúa
Khởi đi từ Bài Đọc I được trích từ sách Xuất Hành (Xh 32,7-14),
Đức Thánh Cha đã trình bày cho thấy Mô-sê đã bênh vực Dân Chúa như thế nào.
Thiên Chúa đang rất giận vì Dân đã tạo ra cho mình một con bò bằng vàng, và
Ngài muốn phế bỏ Dân này. Nhưng Mô-sê đã khẩn cầu Thiên Chúa, và đã cố gắng
thuyết phục Thiên Chúa đừng làm bất cứ điều gì xấu cho Dân, nhưng hãy tỏ lòng
khoan nhân với Dân. Mô-sê đã nhắc Thiên Chúa nhớ tới những lời hứa mà Ngài đã
trao cho Áp-ra-ham, cho I-sa-ác và Israel. Thậm chí Thiên Chúa còn hứa với
Mô-sê rằng, Ngài sẽ cho ông trở thành tổ phụ của một dân nước vĩ đại, nhưng
Mô-sê vẫn kiên trì nói đỡ cho Dân.
Áp-ra-ham – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – đã không ngừng „mặc cả“ với Thiên Chúa về số những người
Công Chính đang sống tại thành Sô-đô-ma để Thiên Chúa miễn phạt cho thành phố
này. Cuối cùng, chỉ có gia đình người cháu của ông được tồn tại, nhưng Thiên
Chúa vẫn cho thấy lòng nhân hậu của Ngài.
Người phụ nữ Ca-na-an không để mình bị chao đảo
Đức Thánh Cha còn nêu ra một mẫu gương khác trong việc cầu nguyện,
đó là người phụ nữ Ca-na-an, bà đã xin cho con gái mình được giải thoát khỏi sự
hành hạ của một tên quỷ. Trước tiên, Chúa Giê-su nói cho bà ấy biết rằng, Ngài
chỉ được sai đến với dân Israel, và không nên lấy lương thực của con cái mà quẳng
cho chó. Nhưng người phụ nữ này vẫn không để mình bị chao đảo, bà còn lập luận
rằng, chẳng lẽ lũ chó không được phép ăn những miếng dư thừa từ bàn rơi xuống
hay sao. Bà đã không hề sợ hãi, và cuối cùng, đã đạt tới được điều mà bà mong
muốn – Đức Thánh Cha giải thích.
„Cần phải có nhiều can đảm
để cầu nguyện. Nhưng chúng ta lại thường hay cầu nguyện cách nửa vời. Có ai đó
nói với chúng ta rằng: ´Xin cầu nguyện cho tôi với vì tôi đang có vấn đề này hay
vấn đề kia…` Chúng ta nhận lời rồi đọc cho họ vài ba Kinh Lạy Cha hay vài ba
Kinh Kính Mừng, nhưng sau đó thì quên luôn… Không, như thế không phải là cầu
nguyện, đó chỉ là những lời huyên thuyên như con vẹt mà thôi. Cầu nguyện đích
thực phải là: với Thiên Chúa. Và nếu tôi phải cầu giúp nguyện thay cho ai đó,
thì tôi phải làm việc ấy với sự can đảm. Khi người ta muốn đại tới một điều gì
đó, thì người ta hay sử dụng một công thức mà Cha đã được nghe rất nhiều: ´Tôi
sẽ làm hết sức mình`. Điều này cũng được áp dụng trong khi cầu giúp nguyện
thay: ´Tôi sẽ làm hết sức mình`. Can đảm để tiếp tục thực hiện. Nhưng có lẽ sẽ
có sự nghi nan: ´Tôi làm như thế, nhưng làm sao tôi biết được liệu Thiên Chúa
có lắng nghe tôi hay không?` Chúng ta có một sự bảo đảm: Chúa Giê-su. Ngài là Đấng
Cầu Thay Nguyện Giúp vĩ đại.“
Chúa Giê-su là Đấng Cầu Thay Nguyện Giúp vĩ đại
Và Chúa Giê-su, Đấng đã lên trời, đang bênh vực chúng ta trước
tôn nhan Thiên Chúa Cha – Đức Thánh Cha khẳng định. Như Ngài đã hứa với Thánh
Phê-rô trước cuộc Vượt Qua rằng, Ngài sẽ cầu nguyện cho ông để ông đứng vững
trong Đức Tin.
„Lời nguyện giúp cầu thay ấy
của Chúa Giê-su: Trong khoảnh khắc này, Chúa Giê-su đang cầu nguyện cho chúng
ta. Và khi tôi cầu nguyện, kể cả với sức thuyết phục lẫn khi tôi mặc cả, ấp úng
hay đối thoại với Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su cũng vẫn là Đấng đón nhận lời cầu
nguyện của tôi, và dâng lời cầu nguyện ấy lên Thiên Chúa Cha. Và Chúa Giê-su
không cần phải nói gì cả trước mặt Thiên Chúa Cha: Ngài chỉ cho Thiên Chúa Cha
thấy những vết thương. Thiên Chúa Cha nhìn thấy những vết thương và sẽ ban ơn.
Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta đang thực hiện điều đó
cùng với Chúa Giê-su. Nếu chúng ta can đảm dâng lên những lời nguyện giúp cầu
thay, thì chúng ta hãy làm điều đó với Chúa Giê-su: Chúa Giê-su chính là sự can
đảm của chúng ta, Chúa Giê-su là sự bảo đảm của chúng ta, Ngài đang bênh vực chúng
ta trong thời điểm này.“
Trước khi kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha lại một lần nữa mời
gọi các tín hữu hãy thực sự can đảm để cầu nguyện:
„Ước gì Thiên Chúa ban ơn
để chúng ta bước đi trên con đường này, và học để dâng lời nguyện giúp cầu
thay. Và khi có ai đó xin chúng ta cầu nguyện cho họ, thì chúng ta đừng làm điều
đó với vài ba lời kinh – đừng làm như thế -, nhưng hãy làm điều đó với tất cả sự
nghiêm túc, trong sự hiện diện của Chúa Giê-su, với Chúa Giê-su, Đấng luôn bênh
vực tất cả chúng ta trước tôn nhan Thiên Chúa Cha.“
(theo Vatican news - 04.04.2019, 11:49)
Đa-minh Thiệu