Chân
Phước Hồng y John Henry Newman
ĐHY John Henry
Newman (1801-1890), nguyên là một thần học gia Anh giáo nổi tiếng, trở lại Công
Giáo, thụ phong linh mục và được thăng Hồng Y. Ngài qua đời năm 1890 thọ 89
tuổi.
Giuse Trần Đức
Anh – vaticannews.va/vi 03 tháng bảy 2019, 14:26
Hôm 1-7 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã nhóm công nghị Hồng Y tại
Vatican và thông báo: Chúa nhật 13-10 tới đây, trong khuôn khổ Thượng HĐGM miền
Amazzonia, ngài sẽ chủ sự lễ tôn phong 5 vị chân phước lên bậc hiển thánh. 5
chân phước thuộc 5 quốc gia khác nhau, gồm 1 nam và 4 nữ.
Trước khi trở lại Công giáo
Chân phước HY John Henry Newman sinh tại Luân đôn vào năm
1801, là trưởng nam trong gia đình có 6 anh em, thân phụ là chủ ngân hàng và mẹ
gốc người Pháp di cư. Năm 16 tuổi, cậu bắt đầu học thần học tại Đại học Trinity
ở Oxford và 8 năm sau, 1825, được thụ phong mục sư Anh giáo. 3 năm sau đó, Mục
Sư coi sóc giáo xứ St. Mary của các giáo sư và sinh viên đại học.
Mục Sư Newman đã khởi xướng Phong trào Oxford nhắm đào sâu
việc nghiên cứu thần học, đặc biệt trong lãnh vực giáo phụ, tức là nghiên cứu
về nền thần học trong thời kỳ Giáo Hội chưa bị chia rẽ, nhưng còn hiệp nhất
giữa Đông và Tây Phương. Chính việc nghiên cứu ấy đã làm cho mục sư Newman đến
gần Công Giáo và gia nhập Giáo Hội này vào năm 1845, khi đã 45 tuổi. Biến cố
này đã gây kinh ngạc trong dư luận Anh giáo bấy giờ.
Sau khi trở lại Công Giáo
Năm 1847, Newman gia nhập dòng Oratoire, dòng Giảng Thuyết
do thánh Philiphê Neri thành lập và thụ phong linh mục tại Roma ngày 30 tháng 5
cùng năm đó. Được sự khích lệ của ĐGH Piô 9, cha Newman thành lập tu viện đầu
tiên của dòng Oratoire ở Anh quốc. Năm 1854 cha được bổ nhiệm làm Viện trưởng
Đại học Công Giáo tân lập ở Dublin, thủ đô Ai Len.
Cha Newman cũng gặp nhiều khó khăn và chống đối, nếu không
muốn nói là đố kỵ. Thiên tài thần học của cha, chủ trương đề cao quyền tối
thượng của lương tâm trên mọi chủ trương duy tín điều đã khơi lên những ghen
tương và ngờ vực. Trong hàng giáo phẩm Công Giáo bấy giờ cũng không thiếu những
người cho rằng cha Newman không có đủ đặc tính “Roma” và không cứng rắn đủ đối
với Anh giáo mà cha đã từ bỏ. Cha Newman đã vượt qua được những thử thách đó,
và luôn chủ trương rằng “10 ngàn khó khăn cũng không tạo nên một nghi ngờ, nếu
tôi hiểu rõ vấn đề”.
Năm 1879, ĐGH Lêô 13 phong cha Newman làm Hồng Y khi cha
sắp tròn 80 tuổi. Việc bổ nhiệm này được coi như một sự nhìn nhận công trình,
các tác phẩm và vai trò cao quí của cha. Khi ĐHY Newman qua đời năm 1890, Giáo
Hội Công Giáo tại Anh quốc ở trong giai đoạn tái triển nở sau 3 thế kỷ bị bách
hại và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
ĐHY Newman vẫn luôn là người quyết liệt hỗ trợ sự khiết
tịnh và sự độc thân linh mục, đến độ ngài định nghĩa sự độc thân này là “một
bậc sống cao hơn mà đại đa số người nam không thể mong ước”.
ĐHY Newman đã ảnh hưởng lớn trên nhiều thế hệ các tín hữu
Công giáo Anh quốc, trong đó có rất nhiều người trở lại. Ngài cũng ảnh hưởng
trên đại truyền thống văn hóa Công Giáo tại các nước Anglosaxon.
Trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Anh quốc ĐGH Biển Đức 16
đã chủ sự thánh lễ sáng chúa nhật 19-9 năm 2010 tại thành phố Birmingham để tôn
phong ĐHY Newman lên bậc chân phước.
Phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước Newman
Ngày 13-2 năm nay (2019), Bộ Phong thánh đã công bố sắc
lệnh nhìn nhận 1 phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước John Henry Newman
(1801-1890). Phép lạ này là sự kiện một phụ nữ có thai ở Chicago Hoa kỳ bị xuất
huyết không thể cầm hãm được, và theo các bác sĩ điều trị, sinh mạng của bà
cũng như của thai nhi bị đe dọa. Bà đã cầu nguyện với ĐHY Newman xin cứu giúp
và bà được lành bệnh xuất huyết một cách lạ lùng khiến các bác sĩ không thể
giải thích được sự khỏi bệnh lạ lùng của bà.