Người
Ngoại Quốc Theo Đạo Hồi Cư Trú Tại Ý Tăng Trong Năm 2019
Theo thông cáo báo chí ngày 23/7 vừa qua
của tổ chức Sáng kiến và Nghiên cứu Đa Chủng tộc của Ý (ISMU), có trụ sở ở
Milano, số người ngoại quốc cư trú tại Ý theo Kitô giáo vẫn chiếm đa số, đồng
thời số tín hữu Hồi giáo và Tin lành Phúc âm đang gia tăng.
Văn Yên, SJ –
Vatican 24
tháng bảy 2019, 17:00
Cuốn
kinh Koran của Hồi giáo
Số liệu
thống kê được thực hiện đối với người nước ngoài cư trú tại Ý kể từ ngày 1
tháng 1 năm 2019, cho thấy: số Kitô hữu là 2 triệu 815 nghìn, trong đó có Công
giáo, Chính thống và các Kitô hữu khác, chiếm 53,6% tổng số người ngoại quốc cư
trú tại Ý.
Nếu xếp
theo thứ tự từng tôn giáo thì Hồi giáo chiếm đa số với 30,1%, tăng 2% so với
năm ngoái, kế đến là Chính thống giáo chiếm 29,7%, và vị trí thứ ba là Công
giáo với 977 nghìn, chiếm 18,6% tổng số người ngoại quốc ở Ý. Ngoài ra, trong
số các tôn giáo thiểu số, có khoảng 183 nghìn tín hữu Tin lành Phúc âm, 136
nghìn Phật tử, 114 nghìn người theo Ấn giáo.
Số người
vô thần cũng tăng đáng kể, ước tính hơn nửa triệu người, tăng 331 nghìn so với
năm 2018.
Từ phân
tích ước tính nói trên, trong số những người ngoại quốc cư trú tại Ý, số tín
hữu Hồi giáo tăng 127 nghìn và tổng cộng số tín hữu Kitô giáo giảm 145 nghìn so
với năm 2018, tuy vẫn đang chiếm đa số. Có một chỉ số đáng lưu ý là không phải
tất cả tín hữu của các Giáo hội Kitô giáo đều giảm. Trong khi các tín hữu Chính
thống, Công giáo, Copts giảm thì số tín hữu Tin lành Phúc âm tăng 52 nghìn so
với năm 2018.
Đây là
con số thống kê của những người ngoại quốc đang cư trú tại Ý và chưa có quốc
tịch Ý kể từ ngày 1/1/2019.
Nguyên
nhân chính của sự thay đổi này là do dòng người di cư đến và ra khỏi Ý, đồng
thời vì một phần trong số người nhập cư đã được cấp quốc tịch Ý nên không thuộc
diện thống kê này.
Về
nguyên quán, ước tính phần lớn người Hồi giáo nước ngoài cư trú tại Ý có quốc
tịch Ma-rốc (440 nghìn), tiếp đến là Albania (226 nghìn), Bangladesh (141
nghìn), Pakistan (106 nghìn) và Ai Cập (111 nghìn). Về tín hữu Công giáo nước
ngoài, phần lớn có quốc tịch Rumani (162 nghìn) và Philippines (159 nghìn).
(CSR_4271_2019)