Cha Peter Gumpel SJ Và Việc Mở Văn
Khố Vatican Thời Đức Piô 12
Nhiều học giả quốc tế đang chờ đợi Tòa Thánh
mở Văn khố thời Đức Giáo Hoàng Piô 12 từ ngày 2-3-2020 sắp tới. Đâu là những hy
vọng khám phá những điều mới qua việc mở Văn khố này? Cha Peter Gumpel SJ tìm
cách trả lời.
G. Trần Đức
Anh OP – vaticannews.va/vi/ 01 tháng hai 2020
Trong 3 tuần nữa,
ngày 21-2 sắp tới, Tòa Thánh sẽ tổ chức một ngày học hỏi để chuẩn bị cho việc
mở Văn khố Tòa Thánh, triều đại ĐGH Piô 12, từ ngày 2 tháng 3 tới đây 2020, cho
các học giả nghiên cứu.
Từ lâu các học giả,
đặc biệt là người Do thái, vẫn yêu cầu Tòa Thánh mở văn khố cho các chuyên gia
nghiên cứu. Họ đặc biệt quan tâm đến vai trò của ĐGH Piô 12 từ 1939 đến 1945
trong cuộc bách hại của Đức quốc xã đối với người Do thái.
Chuẩn bị mở Văn Khố Tòa Thánh
Ngày 4-3 năm 2019,
chính ĐTC Phanxicô đã thông báo việc mở Văn khố triều đại Đức Piô 12 trong buổi
tiếp kiến dành cho 75 người thuộc ban giám đốc, các nhân viên và cộng tác viên
của Văn khố Vatican. Ngài cũng cám ơn họ vì đã làm việc vất vả trong 12 năm qua
để chuẩn bị cho việc mở văn khố vừa nói.
Ngày học hỏi 21-2
sắp tới sẽ diễn ra tại Giáo hoàng Học viện Augustianum gần Vatican, và sau khi
ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khai mạc, các vị giám đốc của
nhiều Văn khố sẽ trình bày về các hoạt động để chuẩn bị việc mở Văn khố. Cùng
được mở từ ngày 2-3 tới đây, ngoài văn khố của ĐGH, còn có Văn khố của Phủ Quốc
vụ khanh, Bộ giáo lý đức tin, và Bộ truyền giáo, Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông
phương, Cơ quan bảo trì và quản lý Đền thờ Thánh Phêrô (Fabbrica di San
Pietro).
Theo thông lệ, việc
mở Văn khố Tòa Thánh được tiến hành theo từng triều đại Giáo Hoàng. Vì thế,
hiện thời chỉ có Văn khố triều đại ĐGH Piô 11 từ năm 1922 đến 1939, được mở ra
hồi năm 2006. Và theo nguyên tắc chỉ mở văn khố 70 năm sau khi ĐGH qua đời, nên
lẽ ra Văn khố thời Đức Piô 12 chỉ được mở ra từ ngày 8-10 năm 2028, nhưng ĐTC
Phanxicô đã quyết định cho mở trước 7 năm rưỡi.
Các học giả nóng
lòng chờ đợi
Chắc chắn nhiều sử
gia và những nhà nghiên cứu hồi hộp chờ đợi ngày 2-3 sắp tới. Như Ông Frank
Kleinehagenbrock, Giám đốc điều hành Ủy ban về lịch sử hiện đại ở thành phố
Bonn bên Đức, nói với hãng tin Công Giáo Đức KNA ngày 22-8 năm ngoái rằng:
“Người ta đặc biệt quan tâm mong đợi việc mở Văn khố Tòa Thánh và chờ xem,
ngoài những điều chúng ta đã biết cho đến nay, có thêm những điều mới do việc
mở Văn khố này hay không”.
Tranh luận về vai trò Đức Piô 12
Sau thế chiến thứ
II, chính phủ Israel, trong đó có bà thủ tướng Golda Meir, đã cám ơn ĐGH Pio 12
vì thái độ khôn ngoan, không công khai phê bình và chống đối Hitler, để khỏi
làm cho tình trạng bách hại Do thái trở nên trầm trọng hơn. Nhưng sau đó, cũng
có nhiều người Do thái phê bình sự im lặng thận trọng của Đức Piô 12.
Trước tình thế đó,
khi chờ đợi thời điểm mở văn khố, Tòa Thánh đã cho xuất bản một bộ sách 12
cuốn, do các cha dòng Tên soạn thảo, trình bày những tài liệu trong Văn khố về
lập trường của ĐTC Piô 12 và Giáo Hội Công Giáo trong thời thế chiến thứ 2. Một
trong các chuyên gia dòng Tên cộng tác vào công trình này là cha Peter Gumpel,
cũng là tường trình viên án phong chân phước cho ĐGH Piô 12. Với tư cách này,
cha đã được đọc tất cả các tài liệu Văn khố liên quan đến vị Tôi Tớ Piô 12.
Nhận định của Cha
Gumpel
Cha Gumpel, năm nay
97 tuổi (1923), cho biết dù ĐGH Biển Đức 16 và Phanxicô muốn cho mở văn khố
thời ĐGH Pio 12 sớm hơn, nhưng lực bất tòng tâm: văn khố triều đại Đức Piô 12
có khoảng 16 ngàn tài liệu, trong đó có những văn kiện nhiều trang, chưa được
sắp xếp. Các tài liệu ấy phải được chụp hình, xếp theo danh mục, và đặt theo
quốc gia, giáo phận và người, làm sao để có thể tìm kiếm và nghiên cứu được.
Nguyên danh mục các tên người cũng lên tới hàng chục ngàn tên. Thoạt đầu công
trình sắp xếp tiến hành rất chậm, chỉ có 2 nhân viên văn khố phụ trách, sau đó
nhân sự được tăng cường, và vì thế người ta có thể công bố sớm hơn, khoảng 7
năm rưỡi.
Không hy vọng có
nhiều mới mẻ về thái độ Đức Piô 12
Cha Gumpel cho biết
việc mở Văn khố chắc chắn sẽ cho thấy nhiều điều mới mẻ trong các lãnh vực quan
hệ giữa Tòa Thánh và các nước, hoặc về đời sống Giáo Hội, nhưng cha không nghĩ
rằng người ta sẽ biết thêm nhiều điều mới liên quan đến đời sống và hoạt động
của Đức Piô 12, ngoài những người người ta đã biết cho đến nay. Cha nói: ”Trong
tiến trình điều tra phong chân phước cho Đức Piô 12, các đồng nghiệp và tôi,
trong tư cách là thỉnh nguyện viên án phong, chúng tôi đã được đọc các văn kiện
mật của Vatican. Tập hồ sơ đúc kết, gọi là Positio, (chưa được công bố) dầy
3.500 trang đóng thành 6 cuốn, đủ để đáp ứng những đòi hỏi khoa học. Tất cả về
cuộc sống của Đức Piô 12, tình trạng căng thẳng tại Italia, các hoạt động của
Đức Piô 12 cho đến khi ngài qua đời được trình bày kỹ lưỡng với các văn kiện
trưng dẫn, trong đó cũng có cũng lời cung khai của các chứng nhân gồm 98 người,
từ các HY, cho đến các LM, giáo dân, các nhân viên, ký giả đã quen biết Người
tại Berlin cũng như tại Italia, dĩ nhiên là chứng từ của nữ tu Pasqualina
Lehnert, quản gia của Đức Piô 12. Họ tuyên thệ và trả lời. Cả các sách báo về
Đức Cố Giáo Hoàng Piô 12 cũng được thẩm định.
Án phong chân phước
cho Đức Piô 12
Về án phong chân
phước cho vị Tôi Tớ Chúa Piô 12, hồi năm 2009, ĐTC Biển Đức 16 đã cho công bố
nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Người, nhưng cho đến này còn phải đợi một
phép lạ được chứng thực, nhưng cho đến nay chưa có. Một số vụ khỏi bệnh đã được
cứu xét, nhưng chưa được công nhận. Dầu sao phép lạ là điều có thể chuẩn chước.
ĐGH Gioan 23 đã được phong thánh mà không cần có phép lạ.
Giáo Hội không sợ
sự thật
Điều chắc chắn là,
thái độ của Tòa Thánh về những vấn đề này đã được ĐTC bày tỏ trong buổi tiếp
kiến các vị hữu trách và nhân viên Văn Khố Vatican ngày 4-3 năm 2019. Ngài nói:
”Giáo Hội không sợ lịch sử, trái lại Giáo Hội yêu mến lịch sử và muốn yêu mến
hơn nữa. Vì thế với cùng lòng tín nhiệm của các vị Tiền Nhiệm, tôi mở và ủy
thác cho các nhà nghiên cứu gia sản tài liệu này.”
Điều kiện để tham
khảo Văn khố
Đức Cha Sergio
Pagano, Giám đốc Văn khố Vatican, cho biết việc nghiên cứu tại Văn khố là điều
miễn phí, được mở cho các học giả hội đủ điều kiện cần thiết, quan tâm thực
hiện những nghiên cứu khoa học. Họ phải có ít là bằng cao học chuyên môn, 5
năm, hoặc các bằng cấp đại học tương đương. Đối với các giáo sĩ, cần có bằng
cao học hoặc tiến sĩ.