Mùa Chay: Vào Sa Mạc
Giữa
đại dịch virus corona, các hoạt động trong nhà tại Vatican đều bị hoãn. Tuy
nhiên, buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô vào
sáng thứ Tư vẫn được giữ lại và diễn ra như thường lệ.
Văn Yên, SJ –
Vatican News 26
tháng hai 2020 – (vaticannews.va/vi/)
Buổi
tiếp kiến chung sáng 26/02 trùng vào thứ Tư lễ Tro, vì vậy Đức Thánh Cha có bài
giáo lý liên quan đến Mùa Chay với tựa đề: Mùa chay: vào sa mạc.
Đoạn
Kinh Thánh được trích từ Tin Mừng theo thánh Luca 4,1: “Đức Giê-su được
đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày,
Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ.
Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả.”
Mở đầu
bài giáo lý Đức Thánh Cha nói:
Anh chị
em thân mến,
Hôm nay
thứ Tư Lễ Tro, chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, một hành trình bốn mươi
ngày hướng đến lễ Phục sinh, hướng về trung tâm của năm phụng vụ và đức tin.
Đây là một con đường bước theo Chúa Giêsu. Khi bắt đầu sứ vụ, Ngài đã lui vào
nơi thanh vắng trong sa mạc bốn mươi ngày để ăn chay và cầu nguyện, chịu ma quỷ
cám dỗ. Tôi muốn nói với anh chị em về ý nghĩa thiêng liêng của sa mạc. Sa mạc
với ý nghĩa thiêng liêng là gì đối với tất cả chúng ta, ngay cả khi chúng ta
sống nơi thành thị, sa mạc nghĩa là gì?
Nơi của
Lời
Hãy
tưởng tượng chúng ta đang ở trong một sa mạc. Cảm giác đầu tiên sẽ là thấy mình
được bao phủ bởi một sự im lặng: không có tiếng động, ngoài tiếng gió và hơi
thở của chúng ta. Sa mạc là nơi tách biệt khỏi những tiếng ồn ào xung quanh
chúng ta. Ở đây không có lời nào để nhường chỗ cho một Lời khác, Lời của Thiên
Chúa, như một làng gió nhẹ chạm đến con tim (x. 1V19,12). Sa mạc là nơi
của Lời, với chữ Lời viết hoa.
Thật
vậy, trong Kinh thánh, Chúa thích nói với chúng ta nơi sa mạc. Trong sa mạc,
Ngài ban cho Môsê “mười lời”, mười điều răn. Và khi dân chúng quay lưng lại với
Ngài, trở thành một hôn thê bất trung, Chúa nói: “Bởi thế, này Ta sẽ đưa nó
vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh
xuân” (Hs 2,16-17). Trong sa mạc, chúng ta nghe Lời Thiên Chúa như
nghe một âm thanh thoang thoảng. Trong sa mạc ta tìm thấy sự thân mật với Chúa,
tình yêu của Chúa. Chúa Giêsu thích lui vào nơi thanh vắng mỗi ngày để cầu
nguyện (x. Lc 5:16). Ngài dạy chúng ta cách tìm kiếm Cha, Đấng nói với chúng ta
trong thinh lặng. Không dễ để thinh lặng nơi con tim, bởi vì chúng ta luôn tìm cách
nói, bên cạnh người khác.
Thời
điểm cầu nguyện
Mùa
Chay là thời điểm thích hợp để nhường chỗ cho Lời Chúa. Đây là lúc tắt tivi và
mở Kinh thánh. Đây là lúc ngắt kết nối với điện thoại nhưng kết nối với Tin
Mừng; là thời gian để từ bỏ những lời vô bổ, tán gẫu, tin đồn, buôn chuyện
nhưng trao chính “bạn” cho Chúa. Đây là thời gian để dành riêng cho một hệ
sinh thái trái tim khỏe mạnh. Chúng ta sống trong một môi trường bị ô
nhiễm bởi quá nhiều bạo lực bằng lời nói, bằng nhiều từ ngữ xúc phạm và có hại,
vốn là mạng lưới khuếch đại. Chúng ta bị bao phủ bởi những lời trống rỗng, với
những quảng cáo, với những thông điệp tinh tế. Chúng ta quen với việc nghe mọi
thứ về mọi người và chúng ta có nguy cơ rơi vào một thế giới làm suy yếu trái
tim chúng ta. Chúng ta nỗ lực để phân biệt tiếng nói của Chúa dành cho chúng
ta, tiếng nói của lương tâm, của sự tốt lành. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta trong
sa mạc, Ngài mời chúng ta lắng nghe những gì quan trọng. Đối với ma quỷ đã cám
dỗ Ngài, Ngài trả lời: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi
lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4). Giống như cơm bánh, và còn hơn cả cơm
bánh, chúng ta cần Lời Chúa, chúng ta cần nói chuyện với Chúa, chúng ta
cần cầu nguyện. Bởi vì chỉ trước Thiên Chúa, những khuynh hướng của
trái tim mới lộ ra ánh sáng và tính nước đôi của linh hồn mới chấm dứt. Đó
chính là sa mạc, một nơi của sự sống, chứ không phải cái chết, bởi vì cuộc đối
thoại trong im lặng với Chúa cho chúng ta sự sống trở lại.
Nơi của
sự thiết yếu
Một lần
nữa chúng ta thử nghĩ về một sa mạc. Sa mạc là nơi của sự thiết yếu.
Hãy nhìn vào cuộc sống của chúng ta: có bao nhiêu thứ vô bổ vây bọc chúng ta!
Chúng ta theo đuổi cả ngàn thứ có vẻ cần thiết, nhưng trong thực tế thì lại
không. Thật tốt cho chúng ta khi thoát khỏi rất nhiều thực tế dư thừa, để khám
phá lại những gì quan trọng, để tìm thấy khuôn mặt của những người xung quanh
chúng ta! Về điều này, Chúa Giêsu cũng là mẫu gương: ăn chay. Ăn chay là biết
cách từ bỏ những thứ vô ích, thừa thãi, để tiến đến những điều thiết yếu. Ăn
chay không chỉ là để gầy đi, nhưng là đi đến trực tiếp những điều thiết yếu, là
tìm kiếm vẻ đẹp của một cuộc sống đơn giản hơn.
Nơi của
sự đơn độc
Cuối
cùng, sa mạc là nơi của sự đơn độc. Ngay cả ngày nay, gần chúng ta,
có rất nhiều sa mạc. Họ là những người cô đơn và bị bỏ rơi. Có bao nhiêu người
nghèo và người già bên cạnh chúng ta và sống trong im lặng, không làm ầm ĩ, bị
gạt sang bên lề và bị vứt bỏ! Nói về họ không lôi kéo được khán giả. Nhưng sa
mạc dẫn chúng ta đến với họ, đến với những người câm lặng, những người cầu xin
sự giúp đỡ của chúng ta trong thinh lặng. Nhiều ánh nhìn thinh lặng kêu gọi sự
giúp đỡ của chúng ta. Con đường trong sa mạc Mùa Chay là con đường bác ái hướng
về kẻ yếu.
Cầu
nguyện, ăn chay và những việc làm của lòng thương xót là những con đường trong
sa mạc Mùa Chay.
Để kết
bài giáo lý Đức Thánh Cha nói tiếp:
Anh chị
em thân mến, với tiếng nói của tiên tri Isaia, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa
này: “Này Ta sắp làm một việc mới, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc” (Is
43,19). Trong sa mạc, Ngài mở ra con đường dẫn chúng ta từ cái chết đến sự
sống. Chúng ta bước vào sa mạc cùng với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ bước ra hưởng
nếm sự Phục sinh, sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, vốn làm cho cuộc sống được
đổi mới. Đây là điều sẽ xảy ra với chúng ta như hoa nở vào mùa xuân trong sa
mạc, làm đâm chồi và lên cây từ “không có gì”. Can đảm lên, chúng ta hãy bước
theo Chúa Giêsu vào sa mạc: với Ngài sa mạc của chúng ta sẽ nở hoa.
Cuối
bài giáo lý Đức Thánh Cha một lần nữa diễn tả sự gần gũi với các bệnh nhân
nhiễm virus corona, với các nhân viên y tế, cũng như với các giới chức dân sự
và những người đang dấn thân trợ giúp các bệnh nhân và ngăn chặn sự lây nhiễm.