ĐTC Phanxicô: Các mục tử cần gần gũi với mọi người, quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt

Trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm nay, Đức Phanxicô tiếp tục cầu nguyện cho các bệnh nhân, và cầu nguyện đặc biệt cho các mục tử để các ngài có thể thực hiện các biện pháp cần thiết, không để dân Chúa lẻ loi, nhưng đồng hành với họ bằng sự ủi an của Lời Chúa, các bí tích và lời cầu nguyện.

Trần Đỉnh, SJ – Vatican News 13 tháng ba 2020

Trong Thánh lễ sáng thứ sáu phát trực tiếp tại nhà nguyện thánh Marta, nhân dịp kỷ niệm bảy năm ngày Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha tiếp tục cầu nguyện cho các bệnh nhân nhiễm virus corona, cho gia đình của họ và ngài đặc biệt cầu nguyện cho các mục tử.

Cầu nguyện cho các mục tử

Hôm nay, tôi muốn dâng thánh lễ cầu nguyện cho các mục tử, những người cần đồng hành với dân Chúa trong cuộc khủng hoảng này. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và khả năng lựa chọn những phương cách tốt nhất để đồng hành với dân Chúa, bởi những biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt. Vì thế, chúng ta cùng xin Chúa Thánh Thần ơn phân định mục vụ cho các mục tử để dân Chúa luôn cảm thấy mình được đồng hành."

Đức Thánh Cha không đề cập đến các biện pháp chính quyền đưa ra để ngăn chặn việc lây lan bằng cách tránh các cuộc tụ họp công cộng, nhưng ngài hướng về các mục tử, hướng về các tín hữu cần được đồng hành thiêng liêng trong thời khắc khó khăn này.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha tập trung nói về dụ ngôn những tá điền bất trung với giao ước. Họ muốn sợ hữu những món quà của Thiên Chúa làm của riêng mình, sự giàu có và những lời chúc lành.

Dân Chúa - những người được chọn

Cả hai bài đọc hôm nay là lời báo trước về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Ông Giuse đã bị bán làm nô lệ với giá 20 đồng bạc cho những kẻ ngoại đạo. Và dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng nói rất rõ ràng về việc giết Người Con. Đó là câu chuyện về "một chủ nhà kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.”

Những tá điền là những người được chọn. Họ cũng được hứa rằng: “Các bạn là bạn của tôi, đó cũng là lời hứa dành cho Áp-ra-ham. Ngài cũng thực hiện giao ước với họ như đã thực hiện với dân tại Sinai.”

Đáng lẽ ra, họ phải luôn ghi nhớ mình là người được chọn, nhớ lời hứa mà nhờ đó họ sẽ luôn tiến về phía trước với niềm hy vọng, nhớ giao ước để mỗi ngày sống trung thành.

Bất trung

Nhưng như trong dụ ngôn, khi đến ngày thu hoạch, các tá điền đã quên rằng họ không phải là chủ nhân. Các tá điền bắt các đầy tớ của ông chủ: “họ đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng các tá điền cũng xử với họ y như vậy.” Có lẽ ở đây, Chúa Giêsu đang nói chuyện với các tiến sĩ luật và cách mà họ đối xử với các tiên tri.

Và cuối cùng, ông chủ gửi người con trai độc nhất của mình tới vì nghĩ rằng “họ sẽ nể con ta”. Nhưng khi nhìn thấy anh, họ bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Họ đã đánh cắp tài sản thừa kế. Đó là câu chuyện về sự bất trung. Họ không trung thành với việc mình được chọn, với lời hứa và giao ước, vốn là một món quà của Thiên Chúa.

Biến mình thành ông chủ

Họ không hiểu rằng đó là một món quà, nhưng muốn chiếm lấy nó làm của mình. Họ muốn chiếm đoạt món quà. Họ đã lấy đi những chiều kích thực sự của món quà để biến nó thành sở hữu của riêng mình. Món quà chính là sự giàu có, sự cởi mở và những phước lành. Tất cả đã bị đóng lại và đặt trong một cái lồng. Họ đặt chúng trong cái lồng của những học thuyết về luật. Đó là những ý thức hệ. Món quà đã mất đi bản chất của nó là món quà, và kết thúc như một ý thức hệ.

Vô ơn và lãng quên

Việc biến món quà thành chiếm hữu là một tội lớn. Đó là kết quả của việc quên rằng Thiên Chúa đã tự hiến mình trở thành một món quà cho chúng ta, và Ngài muốn mình có thể được ban tặng như một món quà. Quên đi điều này, thay vì nhận quà, chúng ta muốn trở thành ông chủ. Vì thế, lời hứa không còn là lời hứa nữa, việc tuyển chọn cũng không còn là tuyển chọn, và giao ước thì bị diễn giải theo ý kiến của riêng tôi. Tất cả trở thành ý thức hệ.

Giáo sĩ trị

Trong thái độ này, chúng ta nhận thấy ngay trong Tin Mừng, tinh thần giáo sĩ trị là thái độ luôn phủ nhận sự nhưng không của sự tuyển chọn, của giao ước, và lời hứa của Thiên Chúa. Họ quên rằng Thiên Chúa tự coi mình là một món quà, tự hiến mình thành một món quà cho chúng ta. Và món quà ấy cần phải được trao tặng miễn phí cho người khác. Chúng ta phải trao tặng, và làm cho người khác coi đó là một món quà, chứ không phải như thể đó là sở hữu của riêng ta.

Giáo sĩ trị không phải là điều chỉ có trong thời đại này, sự cứng nhắc không phải là điều chỉ có trong thời đại này, nó đã có từ thời Chúa Giêsu. Và rồi, Người tiếp tục giải thích cho chúng ta về dụ ngôn này từ chương 21 đến chương 23 với sự lên án, với cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chống lại những kẻ dùng quà tặng như tài sản của riêng mình và làm cho món quà ấy chỉ còn là những ý thức hệ nơi tâm trí họ.

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình với lời cầu nguyện rằng:

Hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa ban ân sủng để đón nhận món quà như một món quà và biết trao tặng món quà ấy như một món quà chứ không phải là tài sản của riêng mình, không theo kiểu cách cứng nhắc và giáo sĩ.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2020