Đức Thánh Cha Cầu Nguyện Cho Những Người Chết Vì Dịch
Coronavirus
Đức Thánh cha Phanxicô | Vatican Media
Vietnamese.rvasia.org
- 18/03/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong thánh lễ trực tuyến sáng
ngày 18/3/2020 vừa qua tại Nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh cha Phanxicô đặc
biệt cầu nguyện cho các nhân viên y tế và những người chết vì đại dịch
Coronavirus.
Đức Thánh cha nói: “Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những
người quá cố, những người thiệt mạng vì dịch Coronavirus; đặc biệt chúng ta cầu
nguyện cho các nhân viên y tế qua đời trong những ngày này. Họ đã hiến mạng
sống trong khi phục vụ các bệnh nhân”.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng, Đức Thánh cha quảng diễn ý nghĩa hai bài
đọc thánh lễ, nói về việc Chúa ban lề luật cho dân Chúa và nhấn mạnh rằng cách
thức Chúa ban Lề Luật nói lên sự gần gũi của Chúa đối với dân Ngài.
Đức Thánh cha nói: “Qua mạc khải, chúng ta biết rằng việc Chúa
ban Lề Luật là một sự gần gũi của người Cha, đồng hành với dân của Ngài... Ngôn
Sứ Môsê đã nói: Có dân nước nào cao cả mà các thần minh gần gũi với mình, như
Chúa là Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, mỗi khi chúng ta khẩn cầu Ngài?” Thiên
Chúa là Thiên Chúa gần gũi, đồng hành với dân Ngài.
Hai thái độ xa Chúa
Đức Thánh cha tố giác hai thái độ của con người đối với
Thiên Chúa gần gũi họ. Hai thái độ ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh:
Adong và Evà xa lìa Thiên Chúa, trốn tránh Ngài, vì họ đã phạm tội. Thái độ thứ
hai là thái độ của Cain giết em mình. Hai thái độ đó xóa bỏ mọi sự gần gũi. Con
người từ khước sự gần gũi của Thiên Chúa.
Nhưng Thiên Chúa tiếp tục gần gũi dân Ngài. Chúng ta thấy
thái độ ấy nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, gần con người đến độ chấp nhận
cái chết. Ngài gần gũi các môn đệ, đồng hành, giảng dạy và sửa dạy họ với tình
yêu thương.
Chúng ta hãy gần gũi nhau
Đức Thánh cha kết luận rằng: “Thiên Chúa chúng ta là vị
gần gũi và Chúa cũng yêu cầu chúng ta hãy gần gũi nhau, đừng xa lìa nhau. Trong
lúc khủng hoảng vì đại dịch hoàn cầu chúng ta đang trải qua, Chúa yêu cầu chúng
ta hãy biểu lộ nhiều hơn nữa sự gần gũi nhau. Có lẽ chúng ta không thể đến gần
nhau thể lý vì sợ lây, nhưng cần khơi lên trong chúng ta thái độ gần gũi giữa
chúng ta, qua kinh nguyện, qua sự giúp đỡ và bao nhiêu cách thức khác”.
(Vatican News 18-3-2020)