Đức
Thánh Cha Cử Hành Chúa Nhật Lễ lá
Đức
Thánh cha Phanxicô cử hành Lễ lá | Vatican Media
Vietnamese.rvasia.org - 05/04/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Lúc gần 11 giờ sáng, Chúa nhật 5/4/2020, vì đại dịch
Covid-19, lần đầu tiên Đức Thánh cha Phanxicô cử hành Lễ lá nhưng không có nghi
thức rước lá trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô, tưởng niệm biến cố Chúa
Giêsu vào thành Jerusalem, và cũng không có hàng chục ngàn giáo dân đông đảo
trực tiếp tham dự thánh lễ được cử hành mọi năm. Tuy rằng cũng có những cành lá
dừa và cây ôliu được trang trí ở khu vực mặt tiền Đền thờ.
Đại
dịch đe dọa toàn thế giới từ ba tháng nay và riêng trong tuần qua, số người
trên thế giới bị lây nhiễm virus tăng gấp gần đôi, từ 662.600 lên hơn 1 triệu
200.000 người. Số người chết tăng quá gấp đôi từ 30.840 lên hơn 64.700 người và
tình trạng này chưa có dấu hiệu sắp chấm dứt.
Nghi thức rước lá
Đầu
buổi lễ, có nghi thức làm phép lá cạnh bàn thờ chính của Đền thờ và cùng với
Đức Thánh cha, có sáu đức ông thuộc ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh cha đi
rước lá lên bàn thờ ngai tòa, gợi lại sự tích Chúa Giêsu vào thành Jerusalem để
hoàn thành mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh.
Sau khi
bài tin mừng được công bố, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Với đức tin và lòng
sùng mộ, chúng ta hãy tháp tùng Chúa Cứu Thế chúng ta khi Ngài vào thành thánh,
và cầu xin ơn được theo Chúa cho đến thập giá, để tham dự vào cuộc phục sinh
của Chúa”.
Thánh lễ
Đức
Thánh cha không cử hành thánh lễ tại bàn thờ chính, gọi là bàn thờ Tuyên xưng
đức tin, ngay trên mộ thánh Phêrô, nhưng tại bàn thờ Ngai tòa vì tại đây có tòa
bằng gỗ của thánh nhân trong tư cách là Giám mục Roma. Hai bên có bốn pho tượng
khổng lồ của bốn vị thánh tiến sĩ Hội thánh: thánh Augustino và Ambrosio của
Giáo hội Latinh, Atanasio và Gioan Kim Khẩu của Giáo hội Đông phương.
Thánh
lễ được trực tiếp truyền đi qua các phương tiện truyền thông của Vatican và đài
truyền hình TV200 của Hội đồng Giám mục Italia, đài truyền hình Kto của Công
giáo Pháp và một số đài địa phương khác.
Khu vực
bàn thờ Ngai tòa có thể chứa được một ngàn người, nhưng hiện diện tại đây chỉ
có Đức Hồng y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, một giám mục, Đức
ông Guido Marini, Trưởng ban phụng vụ và năm đức ông khác trong nghi lễ phụng
vụ của Đức Thánh cha, một phó tế, vài thầy giúp lễ, độc viên, sáu người trong
ca đoàn bé nhỏ, một vài nữ tu và các nhân viên thu hình. Tổng cộng khoảng gần
30 người, tuân giữ khoảng cách an toàn trong đại thánh đường có thể chứa được
chín ngàn người.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Bài
Thương khó theo thánh Mátthêu do ba Đức ông trong Ban Nghi lễ phụng vụ công bố.
Trong bài giảng tiếp đó, Đức Thánh cha mời gọi mọi người hãy để cho mình được
dẫn vào Tuần thánh với lời của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê:
Chúa Giêsu “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Phil 2,7).
Chính vì yêu thương chúng ta, Chúa đã chịu hy sinh, như người tôi tớ đau khổ và
chiến thắng (Is 42,1). Chúa cứu thoát chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Chúa
phục vụ chúng ta bằng cách hiến mình vì chúng ta. Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng:
“Chúa đã phục vụ chúng ta đến độ chịu đựng những tình cảnh đau thương nhất vì
người mình yêu, đó là bị phản bội và bị bỏ rơi.”
Phản bội
“Chúa
chịu sự phản bội của môn đệ bán và chối bỏ Ngài; bị dân phản bội, những người
trước đây hoan hô, nay hô lớn “Đóng đinh nó vào thập giá” (Mt 27,22), bị giới
lãnh đạo tôn giáo kết án bất công, bị giới lãnh đạo chính trị rửa tay chạy
tội.”
Từ đó,
Đức Thánh cha đưa ra lời mời gọi: “Chúng ta hãy nghĩ đến những phản bội lớn nhỏ
chúng ta đã chịu trong cuộc sống. Thật là kinh khủng khi ta khám phá thấy sự
tín nhiệm của mình bị phản bội. Tự thâm tâm lúc ấy, nảy sinh một sự thất vọng
đến độ cuộc sống dường như không còn ý nghĩa nữa. Điều này xảy ra vì chúng ta
sinh ra là để được yêu thương và để thương yêu, và điều đau khổ nhất là bị phản
bội do chính người đã hứa trung thành và gần gũi chúng ta.”
Đức
Thánh cha nói thêm rằng: “Chúng ta hãy nhìn vào nội tâm. Nếu thành thực với
chính mình, chúng ta sẽ thấy những bất trung của chúng ta. Bao nhiêu gian dối,
giả hình, cuộc sống hai mặt! Bao nhiêu ý hướng tốt nhưng không thi hành! Bao
nhiêu lần hứa mà không giữ lời! Bao nhiêu ý định tốt biến tan thành mây khói!
Chúa biết con tim chúng ta hơn cả chúng ta, Chúa biết chúng ta yếu đuối và bất
nhất dường nào, và bao nhiêu lần chúng ta sa ngã mà khó trỗi dậy... Nhưng Chúa
đã chữa lành chúng ta bằng cách mang lấy những bất trung, xóa bỏ những phản bội
của chúng ta. Vì thế, thay vì thất vọng vì sợ không vượt thắng nổi, chúng ta có
thể ngước mắt hướng nhìn thánh giá Chúa, đón nhận vòng tay ôm của Ngài và nói:
“Lạy Chúa Giêsu, con đã bất trung như thế, nhưng Chúa đã gánh lấy. Xin mở vòng
tay Chúa cho con, xin phục vụ con bằng tình yêu của Chúa, xin tiếp tục nâng đỡ
con... và con tiến bước.”
Bỏ rơi
Trên
thánh giá, - trong bài tin mừng hôm nay, - Chúa Giêsu đã nói một câu rất mạnh:
“Lạy Thiên Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?” (Mt 27,46).
Chúa Giêsu đã bị các môn đệ bỏ rơi, còn lại Chúa Cha. Giờ đây trong vực sâu cô
đơn, Chúa đã thốt lên lời than: “Tại sao Chúa bỏ con?”.
Đức
Thánh cha giải thích rằng thật ra, đó là những lời của thánh vịnh thứ 22 (v.2),
có ý nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đưa vào kinh nguyện sự cô độc tột
cùng, nhưng điều chắc chắn là Ngài đã cảm thấy một sự bỏ rơi nặng nề nhất mà
các tin mừng làm chứng qua việc ghi lại nguyên bản: “Elì, Elì, lemà sabactàni?”
“Tại
sao xảy ra tất cả những điều ấy? Thưa, một lần nữa cũng vì chúng ta, để phục vụ
chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy bị dồn vào chân tường, bị lâm vào ngõ kẹt,
không ánh sáng và lối thoát, thậm chí cả khi chúng ta có cảm tưởng Chúa không
trả lời, chúng ta hãy nhớ mình không bị lẻ loi. Chúa Giêsu đã chịu bỏ rơi hoàn
toàn, để hoàn toàn liên đới với chúng ta...”
Thảm trạng đại dịch
Và áp
dụng vào tình trạng đau thương của nhân loại hiện nay, Đức Thánh cha nói: “Ngày
nay, trong thảm trạng đại dịch, đứng trước bao nhiêu những gì chắc chắn đang bị
sụp đổ, đứng trước bao nhiêu kỳ vọng bị phản bội, ta có cảm tưởng bị bỏ rơi,
nhưng Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta: “Hãy can đảm lên, hãy mở rộng tâm
hồn con cho tình thương của Cha. Con sẽ cảm thấy niềm an ủi của Thiên Chúa,
Đấng nâng đỡ con”.
Đáp lại tình thương của Chúa
Và Đức
Thánh cha nhắn nhủ rằng:
“Anh
chị em thân mến, chúng ta có thể làm gì trước Thiên Chúa là Đấng đang phục vụ
chúng ta đến độ chịu đựng sự phản bội và bỏ rơi? Thưa, chúng ta có thể không
phản bội mục đích mà chúng ta được tạo dựng nên, không từ bỏ những gì quan
trọng. Chúng ta ở trong trần thế này là để yêu mến Chúa và tha nhân. Những thứ
khác sẽ qua đi, nhưng mục tiêu ấy còn tồn tại. Thảm trạng chúng ta đang trải
qua thúc đẩy chúng ta hãy coi trọng những gì là hệ trọng, đừng mất hút trong
những gì chẳng đáng kể; hãy tái khám phá điều này “sự sống chẳng ích gì nếu
không được sử dụng”, vì cuộc sống được đo lường theo tình thương. Vì vậy, trong
những ngày thánh này, ở nhà, chúng ta hãy đến trước Chúa chịu đóng đanh trên
thập giá, là mẫu mực tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. Trước mặt Thiên
Chúa, Đấng đã phục vụ chúng ta đến độ hiến mạng sống, chúng ta hãy cầu xin ơn
sống để phục vụ. Hãy cố gắng tiếp xúc với những người đau khổ, cô đơn và túng
thiếu. Chúng ta đừng chỉ nghĩ đến những gì chúng ta đang thiếu, nhưng nghĩ đến
điều thiện chúng ta có thể làm.”
Phục vụ
“Đây là
đầy tớ Ta nâng đỡ”. Chúa Cha, Đấng đã nâng đỡ Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn,
Ngài cũng khuyến khích chúng ta trong việc phục vụ. Nghĩa là yêu thương, cầu
nguyện, tha thứ, chăm sóc người khác, trong gia đình cũng như trong xã hội,
chắc chắn đó là những điều đòi hy vọng, như thể đó là “Đàng Thánh Giá”. Nhưng
con đường phục vụ là con đường chiến thắng, con đường đã và đang cứu chúng ta”.
Nhắn nhủ giới trẻ
Sau
cùng, Đức Thánh cha nhắn nhủ các bạn trẻ nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 35,
cử hành vào Chúa nhật Lễ lá này, rằng:
“Các
bạn thân mến,
Hãy
nhìn những anh hùng đích thực, trong những ngày này đang đi ra ánh sáng: họ
không phải những người danh tiếng, có tiền bạc và thành công, nhưng là những
người đang xả thân để phục vụ tha nhân. Các bạn hãy cảm thấy mình được kêu gọi
dấn thân liều mạng, đừng sợ hiến thân vì Thiên Chúa và tha nhân, các bạn sẽ đạt
được sự sống! Vì cuộc sống là một hồng ân chúng ta nhận lãnh bằng cách hiến
thân. Vì niềm vui lớn nhất là thưa “xin vâng” đối với tình yêu, không chút do
dự. Như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta.”
Lời nguyện tín hữu
Trong
phần lời nguyện tín hữu, hoàn toàn bằng tiếng Ý, mọi người lần lượt cầu nguyện
cho Đức Thánh cha và các giám mục được sự khôn ngoan của thập giá; cho các vị
lãnh đạo chính quyền và mọi dân tộc trên trái đất trong thời gian thử thách
hiện nay để họ cảm nghiệm sức mạnh tình yêu của Chúa; cầu cho những người tội
lỗi và cứng lòng tin; cho người trẻ; cho các tín hữu Kitô bị bách hại và xách
nhiễu.
Sau
thánh lễ, lúc 12g30, Đức Thánh cha đã chủ sự nghi thức đọc kinh Truyền tin ngay
tại bàn thờ.