Đức Thánh Cha: Như
Chúa Giêsu, Chúng Ta Được Kêu Gọi Phục Vụ Thiên Chúa Và Tha Nhân
Đức
Thánh cha Phanxicô chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu Roma tại
Quảng trường thánh Phêrô. | Vatican Media
RVA 30/08/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Trưa
Chúa nhật 30/8/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin
với hơn 500 tín hữu Roma và nhiều người hành hương từ các nước, tại Quảng
trường thánh Phêrô. Đức Thánh cha nhắc nhớ cử hành Ngày Thế giới bảo vệ môi
trường 1/9 tới đây, đồng thời bày tỏ lo âu về tình hình ở miền đông Địa Trung
Hải, với nguy cơ xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Hy lạp và các cường quốc khác, đặc biệt
là Pháp.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong
bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin
mừng Chúa nhật thứ XXII thường niên năm A, với lời Chúa Giêsu dạy: ai muốn theo
Ngài cần phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo.
Chúa báo trước cuộc khổ nạn của Ngài
Mở đầu
bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:
Anh chị
em thân mến, chào anh chị em!
Đoạn
Tin mừng hôm nay (xc. Mt 16,21-27) nối tiếp Tin mừng Chúa nhật tuần trước (xc.
Mt 16,13-20). Sau khi ông Phêrô, nhân danh các môn đệ khác, tuyên xưng niềm tin
nơi Chúa Giêsu là Đức Messia và là Con Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu bắt đầu nói
với các ông về cuộc khổ nạn của Ngài. Trên đường tiến về Jerusalem, Chúa công
khai giải thích cho những người bạn của Ngài về điều đang chờ đợi Ngài trong
chặng chót tại thành Thánh: Chúa loan báo mầu nhiệm cái chết và sự sống lại, sự
hạ nhục và vinh quang của Ngài. Chúa cho biết Ngài sẽ “phải chịu đau khổ nhiều
do các kỳ lão, trưởng tế và luật sĩ, sẽ bị giết rồi sống lại ngày thứ ba” (Mt
16,21). Nhưng những lời của Chúa không được hiểu, vì các môn đệ có một niềm tin
chưa trưởng thành và quá gắn bó với não trạng của trần thế (xc. Rm 12,2).
Phản ứng không hiểu của các môn đệ
Đứng
trước viễn tượng Chúa Giêsu có thể thất bại và chết trên thập giá, chính ông Phêrô
đã nổi loạn và nói với Chúa: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải
chuyện ấy!” (v.22). Tin nơi Chúa Giêsu, muốn theo Ngài, nhưng không chấp nhận
vinh quang của Ngài qua khổ nạn. Đối với ông Phêrô và các môn đệ khác - và cả
chúng ta nữa! - thập giá là một “chướng ngại”, một cớ vấp phạm, trong khi Chúa
Giêsu coi việc “trốn chạy khỏi thập giá là “điều vấp phạm”, là “gương mù”,
nghĩa là muốn tránh không tuân theo ý Chúa Cha, tránh sứ mạng mà Chúa Cha đã ủy
thác cho Ngài để cứu độ chúng ta. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời Phêrô: “Satan, hãy
lui ra đằng sau Thầy! Con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư
tưởng của Thiên Chúa, nhưng là của người phàm!” (v.23) Mười phút trước đó, Chúa
Giêsu đã khen Phêrô, và hứa cho ông là nền tảng Giáo hội của Ngài; mười phút
sau Chúa gọi ông là Satan. Phải hiểu điều này ra sao? Đó là điều cũng xảy ra
cho chúng ta: trong những lúc sốt sắng, đầy thiện chí, gần tha nhân, chúng ta
nhìn Chúa Giêsu và tiến bước, nhưng trong những lúc chúng ta gặp thánh giá,
chúng ta bỏ chạy. Ma quỉ, Satan, cám dỗ chúng ta, như Chúa nói với Phêrô. Đó
chính là đặc tính của ác thần, của ma quỉ, là làm cho chúng ta xa lìa thập giá,
thập giá của Chúa Giêsu.
Bỏ mình và vác thập giá theo Chúa
Rồi ngỏ
lời với các môn đệ, Chúa Giêsu tiếp: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình
đi, vác thánh giá hằng ngày mà theo Thầy” (v.24). Qua cách thức này, Chúa chỉ
rõ con đường của người môn đệ chân thực, qua hai thái độ: Thứ nhất là “từ bỏ
chính mình”, đây không có nghĩa là một sự thay đổi hời hợt, nhưng là một sự
hoán cải, một sự đảo lộn các giá trị. Thái độ thứ hai là vác thập giá của mình.
Đây không phải chỉ là kiên nhẫn chịu đựng những sầu muộn hằng ngày, nhưng là,
với tinh thần đức tin và trách nhiệm, nhận phần cơ cực và đau khổ mà cuộc chiến
đấu chống sự ác kéo theo. Cuộc sống của Kitô hữu luôn luôn là một cuộc chiến
đấu. Kinh thánh dạy rằng cuộc sống của tín hữu là chiến đấu chống ác thần,
chống lại Sự Ác.
Vác thập giá hằng ngày
Đức
Thánh cha cũng giải thích rằng: “Như thế, quyết tâm “vác thập giá” trở nên sự
tham phần với Chúa Kitô vào việc cứu độ thế giới. Khi nghĩ đến điều đó, chúng
ta hãy làm sao để thánh giá trên tường nhà, hoặc thánh giá nhỏ mà chúng ta đeo
ở cổ, trở thành dấu hiệu ước muốn của chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô trong
việc yêu thương phục vụ anh chị em, nhất là những người nhỏ bé và mong manh
nhất. Thập giá là dấu hiệu thánh của Tình yêu Thiên Chúa và Hy sinh của Chúa
Giêsu, và không được thu hẹp vào một đồ vật mê tín hay một đồ trang sức. Mỗi
lần chúng ta nhìn ngắm hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh, chúng ta hãy nghĩ
rằng Chúa, như Người Tôi Tớ đích thực của Thiên Chúa, đã thực thi sứ mạng của
Ngài bằng cách hiến mạng sống, đổ máu đào để chuộc tội. Vì thế, nếu chúng ta
muốn là môn đệ của Chúa, chúng ta được kêu gọi noi gương Ngài, hiến thân không
chút dè dặt vì yêu mến Chúa và tha nhân.”
Và Đức
Thánh cha kết luận với lời nguyện: “Xin Đức Trinh Nữ Maria cùng với Con của Mẹ,
trên đồi Canvê, giúp chúng con đừng lui bước trước những thử thách và đau khổ
vẫn đi kèm việc làm chứng cho Tin mừng”.
Nhắn nhủ và mời gọi
Sau khi
đọc kinh truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha
nói:
Anh chị
em thân mến,
Ngày
kia, 1/9, là Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên. Từ ngày đó
cho đến 4/10, chúng ta sẽ cùng với các anh chị em Kitô thuộc các Giáo hội và
truyền thống khác nhau, cử hành Ngày Kỷ niệm Trái đất, để nhớ việc thành lập
Ngày Trái đất cách đây 50 năm.
Tôi
chào mừng nhiều sáng kiến khác nhau được đề ra ở các nơi trên thế giới nhân dịp
này, trong đó có buổi hòa nhạc diễn ra hôm nay, tại nhà thờ chính tòa
Port-Louis, thủ đô nước Mauritius, mới bị một thảm họa môi trường [tàu chở dầu
của Nhật bị đắm làm dầu thô trào ra biển].
Tôi lo
lắng theo dõi những căng thẳng ở miền đông Địa Trung Hải, bị vây bủa vì nhiều ổ
bất ổn. Tôi kêu gọi hãy đối thoại xây dựng và tôn trọng công pháp quốc tế, để
giải quyết các xung đột đang đe dọa hòa bình của các dân tộc và của miền ấy.”
[Căng
thẳng gia tăng sau khi người ta khám phá thấy những mỏ dầu khí quan trọng. Thổ
Nhĩ Kỳ đã gửi các tàu đến thăm dò khu vực đó, và Hy Lạp cũng làm như vậy]
Đức
Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi thân ái chào thăm tất cả anh chị em, người Roma
từ Italia, các nơi khác đến Roma ngày hôm nay. Tôi thấy các lá cờ, tôi chào
cộng đoàn tôn giáo Đông Timor ở Italia, tôi chào các tín hữu hành hương từ
Londrina và Formosa ở Brazil, các bạn trẻ Gantorto, giáo phận Vicenza, Italia
và tôi thấy nhiều lá cờ Ba Lan. Tôi chào thăm anh chị em Ba Lan, và cả những
người Argentina với các lá cờ trên tay...”
Sau
cùng, Đức Thánh cha nói: “Tôi cầu chúc tất cả một Chúa nhật tốt đẹp. Và xin anh
chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi!”