Đức Thánh Cha Chủ Sự Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa

RVA 07/06/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Lúc 5 giờ 30 chiều, Chúa nhật 6/6/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Năm ngoái, vì đại dịch, Đức Thánh cha không thể cử hành đại lễ với các tín hữu. Năm nay, tình trạng y tế đã sáng sủa hơn, nên ngài cử hành lễ này tại Đền thờ thánh Phêrô, nơi bàn thờ Ngai Tòa, phía đầu thánh đường nhưng không có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa sau lễ như thói quen.

Đồng tế với Đức Thánh cha, có 25 hồng y, 22 giám mục và hàng chục linh mục khác thuộc kinh sĩ đoàn Đền thờ thánh Phêrô và các vị bề trên tiền Chủng viện thánh Piô X trên lãnh thổ Vatican, trước sự hiện diện của khoảng 200 tín hữu, tuân hành các biện pháp chống dịch: đeo khẩu trang và giữ sự giãn cách.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng, Đức Thánh cha đặc biệt diễn giải ý nghĩa ba hình ảnh được nhắc đến trong trình thuật Tin Mừng của thánh lễ:

Hai hình ảnh đầu tiên

Trước tiên, Chúa Giêsu sai môn đệ đi chuẩn bị nơi Ngài sẽ cử hành Bữa Tối Lễ Vượt Qua và họ gặp người cầm vò nước (Mc 14,13). Hình ảnh này chỉ nhân loại đang khát, tìm kiếm một nguồn nước để được giải khát và bồi dưỡng. Trong ý hướng đó, các Kitô hữu được mời gọi giúp nhân loại khao khát Chúa, thay vì miệt mài chạy theo những điều trần tục.

Hình ảnh thứ hai là “phòng trên nhà rộng rãi” (v.15), nơi Chúa cử hành Bữa Tiệc Ly, Lễ Vượt Qua, với các môn đệ: “một phòng lớn cho một miếng Bánh nhỏ. Thiên Chúa trở nên bé nhỏ như một miếng bánh và chính vì thế cần có một con tim rộng lớn để có thể nhận ra, thờ lạy và đón nhận Chúa. Nếu con tim chúng ta, thay vì là một phòng lớn, lại giống như một góc nhỏ trong nhà, nơi chúng ta nuối tiếc giữ những điều cũ kỹ... thì chúng ta sẽ không thể nhận ra sự hiện diện thầm lặng và khiêm tốn của Thiên Chúa. Cần một phòng lớn. Cần mở rộng con tim. Cần ra khỏi căn phòng chật hẹp cái tôi của mình để bước vào không gian lớn của sự kinh ngạc và thờ lạy”.

Và đặc biệt, Đức Thánh cha diễn giải hình ảnh Chúa Giêsu bẻ bánh trước khi rút ra những hệ luận cho đời sống của tín hữu.

Đức Thánh cha nói:

Ý nghĩa bẻ bánh

Bẻ bánh “là một cử chỉ Thánh Thể tuyệt hảo, một cử chỉ nói lên căn tính đức tin của chúng ta, là nơi gặp gỡ của chúng ta với Chúa, Đấng hiến mình để làm cho chúng ta được tái sinh vào một đời sống mới. Cả cử chỉ này cũng đảo lộn: cho đến bấy giờ người ta chỉ hiến tế các con chiên và dâng hy tế cho Thiên Chúa, nhưng nay chính Chúa Giêsu trở thành chiên và tự hiến tế để ban cho chúng ta sự sống. Trong Thánh Thể, chúng ta chiêm ngưỡng và thờ lạy Thiên Chúa Tình Thương. Chúa không bẻ gẫy một ai nhưng tự bẻ chính mình. Chính Chúa không đòi các lễ hy sinh nhưng Ngài hy sinh bản thân. Chúa không đòi hỏi gì nhưng Ngài ban mọi sự. Để cử hành và sống Thánh Thể, cả chúng ta cũng được kêu gọi sống tình yêu ấy. Vì bạn không thể bẻ Bánh Chúa nhật nếu tâm hồn bạn khép kín đối với tha nhân. Bạn không thể ăn Bánh này nếu bạn không cho người đói cơm bánh. Bạn không thể chia sẻ Bánh này nếu bạn không chia sẻ đau khổ của những người túng quẫn. Sau mọi sự, cả sau những đại lễ phụng vụ Thánh Thể của chúng ta, chỉ còn lại tình yêu. Và ngay từ bây giờ, các thánh lễ của chúng ta đang biến đổi thế giới theo mức độ chúng ta có để cho mình được biến đổi và trở thành bánh được bẻ ra cho tha nhân hay không”.

Ra đi mang Chúa cho tha nhân

Và Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Anh chị em, chúng ta “chuẩn bị bữa tối của Chúa” ngày hôm nay ở đâu? Cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, - một đặc điểm của lễ này, nhưng nay chúng ta chưa thể làm được - nhắc nhở cho chúng ta rằng chúng ta được mời gọi hãy đi ra ngoài mang Chúa Giêsu. Hăng hái ra ngoài để mang Chúa Kitô cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy trở thành một Giáo hội với một vò nước cần trong tay, thức tỉnh sự khao khát và mang nước. Chúng ta hãy mở toang tâm hồn trong tình yêu thương, để chúng ta trở thành căn phòng rộng rãi và hiếu khách, nơi mà tất cả có thể vào để gặp gỡ Chúa. Chúng ta hãy bẻ cuộc sống của mình trong sự cảm thông và liên đới, để thế giới thấy, qua chúng ta, sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa. Và khi ấy, Chúa sẽ đến, Ngài sẽ làm cho chúng ta lại ngạc nhiên, trở thành lương thực cho đời sống thế giới. Và chúng ta sẽ được no đủ mãi mãi, cho đến ngày, nơi bàn tiệc thiên quốc, chúng ta sẽ chiêm ngắm nhan thánh Chúa và hoan lạc vô tận”.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 6, 2021