Đức
Thánh Cha Tiếp Kiến Phái Đoàn Liên Hiệp Tin Lành Luther Thế Giới
Photo: Vatican News
RVA 25/06/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong
buổi tiếp kiến sáng hôm 25/6/2021 dành cho phái đoàn Liên hiệp Tin lành Luther
thế giới, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu Kitô cùng hăng say tiếp
tục hành trình từ xung đột đến hiệp thông.
Liên
hiệp Tin lành Luther qui tụ khoảng 75 triệu tín hữu trên thế giới. Phái đoàn do
Đức Tổng giám mục Chủ tịch Musa Panti Filibus, người Nigeria cùng với mục sư
Jung, Tổng thư ký, hướng dẫn.
Lên
tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha nhắc đến cuộc viếng thăm của ngài cách đây 5
năm, tại nhà thờ chính tòa Lund của Tin lành Luther, bên Thụy Điển, nhân dịp kỷ
niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther và tuyên ngôn chung, ký ngày 31/10 năm
2016 khẳng định rằng: “qua đối thoại và chứng tá chung, chúng ta không còn là
những người xa lạ nữa, nhưng là anh chị em với nhau”.
Đức
Thánh cha cũng ghi nhận vào năm 2030 tới đây là kỷ niệm 500 năm bản tuyên xưng
đức tin, tại thành phố Augsburg nam Đức, chung cho Công giáo và Tin lành
Luther, trong đó các tín hữu biểu lộ cùng một niềm tin nơi Thiên Chúa duy nhất,
cùng một phép rửa, cùng một thân mình. Về điểm này, qui luật của Cộng đoàn
Taizé bên Pháp có một lời nhắn nhủ thật đẹp: “Anh em hãy say mê sự hiệp nhất
của Thân Mình Chúa Kitô”. Đức Thánh cha nói: “Hôm nay, anh chị em đã mang tặng
tôi một đĩa thánh và một chén lễ đến từ công xưởng của Taizé. Tôi cám ơn anh
chị em vì món quà này, gợi lại sự tham gia của chúng ta vào cuộc Khổ Nạn của
Chúa. Thực vậy, cả chúng ta cũng đang sống một thứ khổ nạn và sự hăng say: một
đàng là sự đau khổ vì chưa thể họp nhau quanh cùng một bàn thánh, và đàng khác,
sự hăng say trong việc phục vụ chính nghĩa hiệp nhất là điều mà Chúa đã cầu
nguyện và hiến dâng mạng sống của Ngài cho chính nghĩa ấy. Vậy chúng ta hãy
hăng say tiếp tục hành trình của chúng ta, từ xung đột đến hiệp thông. Giai
đoạn tới đây trong tiến trình đại kết sẽ là sự hiểu biết về những liên hệ chặt
chẽ giữa Giáo hội, thừa tác vụ và Thánh Thể. Thật là điều quan trọng, với lòng
khiêm tốn về linh đạo và thần học, chúng ta cứu xét những hoàn cảnh đưa tới
chia rẽ, với niềm tín thác rằng: tuy không thể xóa bỏ những biến cố đau thương
trong quá khứ, nhưng chúng ta vẫn có thể đọc lại những biến cố ấy giữa lòng một
lịch sử được hòa giải”. (Rei 15-6-2021)