Đức
Thánh Cha Chủ Sự Đại Lễ Kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ
RVA
29/06/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.
Lúc 9
giờ 30 sáng hôm 29/6/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ kính
thánh Phêrô và Phaolô tông đồ và làm phép dây Pallium để trao cho 34 vị Tổng
giám mục chính tòa, được bổ nhiệm trong những tháng qua; trong số này có 12 vị
hiện diện trong thánh lễ và 22 vị còn lại không đến dự được vì đại dịch. Lễ
trao dây Pallium sẽ được cử hành tại các giáo phận liên hệ, thường là do vị đại
diện Đức Thánh cha chủ sự, với sự tham dự của cộng đoàn Giáo hội địa phương.
Dây
Pallium làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, vị Tổng
giám mục đứng đầu giáo tỉnh đeo ở cổ, tượng trưng vị mục tử vác chiên trên vai.
Dây này cũng biểu tượng quyền bính của vị Tổng giám mục chính tòa và sự hiệp
thông với Đấng Kế vị thánh Phêrô.
Năm
ngoái (2020), Đức Thánh cha đã làm phép 54 dây Pallium cho các vị Tổng giám mục
chính tòa, tức là nhiều hơn năm nay 20 dây. 34 dây được làm phép năm nay sẽ
được trao cho các vị thuộc 18 quốc tịch, trong đó đông nhất là 5 vị người Ý,
Brazil, Colombia và Ấn Độ mỗi nước có 3 vị. Đứng đầu danh sách, là Đức Hồng y
José Advincula, mới nhận chức vụ Tổng giám mục giáo phận Manila, thủ đô
Philippines, hôm 24/6 vừa qua. Các vị sẽ được các Đức Tổng giám mục Sứ thần
hoặc Khâm sứ Tòa Thánh tại quốc gia liên hệ trao dây Pallium trong buổi lễ
trọng thể ở địa phương.
Năm
ngoái, vì đại dịch còn lan mạnh, lần đầu tiên không có sự hiện diện của phái
đoàn Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople Thổ Nhĩ Kỳ, tại buổi lễ ở Đền
thờ thánh Phêrô. Và thánh lễ Đức Thánh cha cử hành tại bàn thờ Ngai tòa trong
Đền thờ thánh Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng 100 tín hữu.
Năm
nay, tình hình sáng sủa hơn: Đức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Bàn thờ Tuyên
xưng đức tin, bên trên mộ của thánh Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng 5.000
tín hữu trong thánh đường. Mọi người đều mang khẩu trang, trừ Đức Thánh cha.
Đặc
biệt, có đoàn đại biểu của Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople, do Đức
Tổng giám mục Emmanuel của giáo phận Calcedonia hướng dẫn. Ngoài ra, năm nay có
sự hiện diện của Đức Thượng phụ Youhanna X, người Syria, của Giáo hội Chính
thống Antiokia, có trụ sở tại Damasco, và đoàn tùy tùng.
Đồng tế
với Đức Thánh cha, có 37 hồng y và 34 giám mục, trong đó có 12 vị Tổng giám mục
chính tòa nhận dây Pallium, gồm 4 vị người Ý, các vị còn lại đến từ các nước Âu
châu khác, như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ba Lan và 1 vị người
Congo. Sau cùng có 9 vị kinh sĩ của Đền thờ thánh Phêrô cũng đồng tế. Tất cả
trong phẩm phục phụng vụ màu đỏ.
Thánh lễ
Đầu
thánh lễ, có nghi thức làm phép dây Pallium: Hai khay đựng 34 dây này được 4
phó tế mang từ mộ thánh Phêrô đến trước Đức Thánh cha. Rồi các vị Tổng giám mục
đọc lời tuyên thệ: luôn luôn trung thành và vâng phục Đức Thánh cha đương nhiệm
cũng như các đấng kế vị. Tiếp đến, Đức Thánh cha đọc lời nguyện làm phép các
dây Pallium.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong
bài giảng, dựa vào các bài đọc, Đức Thánh cha đã nhấn mạnh ý tưởng: “nơi trung
tâm cuộc sống của thánh Phêrô và Phaolô, không phải do tài năng riêng, nhưng
chính cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đã thay đổi cuộc sống của hai vị. Cả hai đã cảm
nghiệm một tình thương chữa lành và giải thoát, nên cả hai đã trở thành tông đồ
và là thừa tác viên giải thoát cho những người khác”.
Thánh Phêrô
Người
thuyền chài xứ Galilea đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi cảm thức mình bất
tài, không thích hợp, và khỏi sự thất bại cay đắng. Điều đó xảy ra được là nhờ
tình thương vô điều kiện của Chúa Giêsu. Thực vậy, tuy là một ngư phủ lành
nghề, nhưng nhiều lần Phêrô đã cảm nghiệm giữa đêm khuya sự cay đắng của thất
bại: vất vả cả đêm mà chẳng bắt được con cá nào (Xc Lc 5,5, Ga 21,5), và đứng
trước những lưới trống rỗng, Phêrô bị cám dỗ muốn rút mái chèo lên thuyền; và
tuy mạnh mẽ và nóng nảy, Phêrô thường bị sợ hãi khuất phục (Xc Mt 14,30); tuy
là một môn đệ hăng say của Chúa, nhưng Phêrô tiếp tục lý luận theo kiểu thế
gian, không hiểu nổi và đón nhận ý nghĩa thập giá của Chúa Kitô (Xc Mt 16,22);
tuy tuyên bố mình sẵn sàng hiến mạng vì Thầy, nhưng chỉ cần cảm thấy bị nghi
ngờ là môn đệ của Thầy cũng đủ làm cho Phêrô kinh hãi đến độ chối bỏ Thầy” (Xc
14,66-72).
Tuy
nhiên, Chúa Giêsu đã yêu thương Phêrô nhưng không và đã tin tưởng nơi Phêrô.
Chúa đã khuyến khích Phêrô đừng đầu hàng, nhưng hãy tiếp tục thả lưới lần nữa;
Phêrô đã đi trên mặt nước; can đảm nhìn nhận yếu đuối của mình, theo Thầy trên
con đường khổ giá, hiến mạng sống mình vì anh em, chăm sóc các chiên của Thầy.
Chúa đã giải thoát Phêrô khỏi sợ hãi, khỏi những tính toán chỉ dựa trên sự an
ninh phàm nhân, những lo toan trần tục. Ngài phú cho Phêrô lòng can đảm, dám
liều mọi sự, và được niềm vui cảm thấy mình là người “đánh cá người”. Chúa đã
chọn chính Phêrô làm người củng cố các anh em trong đức tin (Xc Lc 22,32). Chúa
đã trao cho Phêrô chìa khóa để mở cửa dẫn vào cuộc gặp gỡ với Chúa và ban cho
Phêrô quyền cầm buộc và tháo cởi: gắn liền anh chị em với Chúa Kitô và tháo gỡ
những nút thắt và xiềng xích trong cuộc sống của họ (Xc Mt 16,19).
Đức
Thánh cha nhận xét rằng: “Tất cả những điều ấy xảy ra là vì Phêrô đã được giải
thoát trước. Xiềng xích cầm tù thánh nhân bị phá vỡ, như đã xảy ra trong đêm
Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập...”
Thánh Phaolô
Sang
đến thánh Phaolô, Đức Thánh cha nhận xét rằng thánh nhân cũng cảm nghiệm sự
giải thoát của Chúa Kitô. Thánh nhân được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ đè
nén, ách nô lệ của cái tôi, và từ Saulo, tên vị vua đầu tiên của Israel, trở
thành Paolo, nghĩa là “bé nhỏ”. Phaolô đã được giải thoát khỏi thứ nhiệt thành
tôn giáo làm cho Phaolô miệt mài trong việc ủng hộ các truyền thống đã nhận
được (Xc Gl 1,14) và hung bạo trong việc bắt bớ các Kitô hữu. Sự tuân giữ tôn
giáo bề ngoài và thái độ quyết liệt bảo vệ truyền thống, thay vì làm cho Phaolô
cởi mở đối với tình yêu Thiên Chúa và anh em, thì làm làm cho Phaolô cứng nhắc.
Thiên Chúa đã giải thoát Phaolô khỏi điều ấy, và Chúa cũng chẳng giữ cho thánh
nhân khỏi bao nhiêu yếu đuối và khó khăn, là những điều làm cho sứ mạng loan
báo Tin mừng của Phaolô được phong phú...
Qua đó,
Phaolô đã hiểu rằng “Thiên Chúa đã chọn những gì là yếu đuối trong thế gian để
làm cho những kẻ hùng mạnh phải xấu hổ” (1 Cr 1,27), và chúng ta có thể làm mọi
sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta (Xc Pl 4,13), không gì có thể tách
chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Chúa (Rm 8,35-39). Vì thế vào cuối đời, Phaolô có
thể nói: “Chúa đã ở gần tôi và đã giải thoát tôi khỏi mọi sự dữ” (2 Tm
4,17.18).
Bài học cho Giáo hội
Từ tấm
gương hai vị đại thánh trên đây, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Chúa Kitô đã
không phán xét, không hạ nhục hai vị, nhưng đã yêu thương và gần gũi chia sẻ
cuộc sống của hai vị, nâng đỡ Phêrô và Phaolô bằng lời cầu nguyện, cảnh giác để
đánh động họ hãy thay đổi....
Và Đức
Thánh cha nói: “Được Chúa đánh động, cả chúng ta cũng được giải thoát. Chúng ta
luôn cần được giải thoát, vì chỉ một Giáo hội tự do mới là một Giáo hội đáng
tín nhiệm. Như thánh Phêrô, chúng ta cũng được kêu gọi trở nên tự do, được giải
thoát khỏi cảm thức thất bại, khỏi cảm thức sợ hãi làm chúng ta tê liệt và nhát
đảm, khép mình trong những an ninh của mình, và khiến chúng ta mất lòng can đảm
ngôn sứ. Như thánh Phaolô, chúng ta cũng được kêu gọi thoát khỏi những giả hình
bề ngoài, thoát khỏi cám dỗ áp đặt bằng sức mạnh của thế gian, thay vì bằng sự
yếu đuối nhưng dành chỗ cho Thiên Chúa hoạt động; thoát khỏi sự tuân giữ luật
lệ tôn giáo làm cho chúng ta cứng nhắc và thiếu uyển chuyển; thoát khỏi những
liên hệ ràng buộc mơ hồ với quyền lực và khỏi sự lo sợ bị hiểu lầm và bị tấn
công”.
Đức
Thánh cha nhận xét thêm rằng: “Phêrô và Phaolô ủy cho chúng ta hình ảnh một
Giáo hội, tuy được đặt trong tay chúng ta, nhưng được Chúa hướng dẫn, với lòng
trung tín và dịu dàng, đó là một Giáo hội yếu đuối nhưng mạnh mẽ nhờ sự hiện
diện của Thiên Chúa, một Giáo hội được giải thoát có khả năng công hiến cho thế
giới sự giải thoát mà tự mình không thể có được, đó là sự giải thoát khỏi tội
lỗi, chết chóc, cam chịu, cảm thức bất công, mất hy vọng khiến cho cuộc sống
của con người ngày nay trở nên xấu xí”.
“Chúng
ta hãy tự hỏi: trong các thành thị, các xã hội chúng ta, thế giới chúng ta,
người ta cần được giải thoát dường nào? Bao nhiêu xiềng xích cần được phá vỡ,
bao nhiêu cửa đóng then cài cần được mở ra! Chúng ta có thể cộng tác vào việc
giải thoát ấy, nhưng với điều kiện trước tiên chúng ta phải để cho mình được
giải thoát, nhờ sự mới mẻ của Chúa Giêsu và tiến bước trong tự do của Chúa
Thánh Linh”.
Cuối
thánh lễ, sau khi ban phép lành kết thúc, Đức Thánh cha và hai vị Thượng phụ
Chính thống đến trước tượng thánh Phêrô trong phẩm phục, ở bên phải hành lang
chính của Đền thờ để cầu nguyện trong thinh lặng.