17/10 Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh
Cha: Vinh Quang Của Thiên Chúa Là Tình Thương Biến Thành Phục Vụ, Chứ Không
Phải Là Quyền Lực
Photo: Vatican Media
RVA 17/10/2021 – G. Trần Đức Anh, O.P.
Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật 17/10/2021, như thường
lệ, Đức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Giáo
hoàng, ở lầu ba dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hàng ngàn
tín hữu Roma và khách hành hương, tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô.
Trời
đẹp và việc đi lại trở nên dễ dàng hơn sau thời kỳ cam go vì đại dịch, nên số
người đến tham dự các buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha ngày càng đông
hơn.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong
bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng
theo thánh Marco, đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XXIX thường niên năm B,
thuật lại chuyện hai môn đệ muốn ngồi bên hữu bên tả của Chúa trong vinh quang.
Trước phản ứng bất bình của các môn đệ khác, Chúa Giêsu đã dạy họ bài học quan
trọng.
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài học của Chúa Giêsu
Tin
mừng trong phụng vụ hôm nay (Mc 10,35-45) kể lại hai môn đệ, Giacôbê và Gioan,
xin Chúa cho được ngồi cạnh Người trong vinh quang. Nhưng các môn đệ khác nghe
thấy và nổi giận. Trước tình trạng đó, Chúa Giêsu kiên nhẫn dạy cho họ một bài
học lớn: vinh quang đích thực ta không đạt được bằng cách nâng mình lên cao hơn
những người khác, nhưng là cùng chịu phép Rửa mà Chúa sắp chịu, trong tương lai
gần kề, tại Jerusalem. Điều này có nghĩa là gì? Từ “phép rửa” có nghĩa là “dìm
mình”: với cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu dìm mình trong cái chết, dâng hiến mạng
sống của Người để cứu vớt chúng ta. Vì thế, vinh quang của Người, vinh quang
của Thiên Chúa là tình thương biến thành sự phục vụ, chứ không phải là quyền
lực ham muốn thống trị. Vì thế, Chúa Giêsu kết luận và nói với các môn đệ, cũng
như cho cả chúng ta nữa: “Ai muốn trở nên cao trọng trong các con thì hãy làm
đầy tớ cho các con” (Mc 10,43).
Xét mình theo tiêu chuẩn Chúa đề ra
Đức
Thánh cha nói: “Chúng ta đứng trước hai tiêu chuẩn khác nhau: các môn đệ muốn
trổi lên, còn Chúa Giêsu muốn dìm mình xuống. Chúng ta hãy dừng lại hai động từ
này. Động từ thứ nhất là trổi lên. Nó diễn tả não trạng trần tục mà chúng ta
luôn bị cám dỗ: đó là sống mọi sự, cả trong các quan hệ, để nuôi dưỡng tham
vọng của chúng ta, để leo lên các nấc thang thành công, để đạt tới những địa vị
quan trọng. Sự tìm kiếm danh giá bản thân có thể trở thành một thứ bệnh tinh
thần, thậm chí nó nấp đằng sau những ý hướng tốt; ví dụ, khi đàng sau điều
thiện chúng ta làm và rao giảng, trong thực tế chúng ta chỉ tìm bản thân và sự
thành đạt của mình. Vì thế, chúng ta cần luôn luôn kiểm chứng những ý hướng của
con tim, tự hỏi: “Tại sao tôi thực hiện công việc này, trách nhiệm này? Để cống
hiến một dịch vụ hay để cho tôi được để ý, ca ngợi và nhận được những lời
khen?” Đối lại với lý lẽ trần tục này, Chúa Giêsu nêu lên tiêu chuẩn của Người:
thay vì nâng mình lên cao hơn người khác, Người xuống khỏi bệ cao để phục vụ
họ; thay vì trổi lên trên những người khác, Người dìm mình trong đời sống của
những người khác.
Hạ mình xuống
Và đây
là động từ thứ hai: dìm mình xuống. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy dìm mình với
lòng cảm thương trong đời sống của những người chúng ta gặp, như Chúa đã làm
với chúng ta. Chúng ta hãy nhìn Chúa chịu đóng đanh, dìm mình cho đến tận đáy
trong lịch sử bị tổn thương của chúng ta, và chúng ta khám phá thấy cách hành
động của Thiên Chúa. Chúng ta thấy rằng Chúa không ở lại trên trời cao, nhìn
chúng ta từ trên xuống, nhưng Chúa hạ mình rửa chân cho chúng ta. Thiên Chúa là
tình thương và tình thương thì khiêm tốn, không nâng mình lên cao, nhưng hạ
mình xuống, như mưa rơi xuống trên mặt đất và mang lại sự sống. Nhưng làm sao để
đặt mình theo cùng chiều hướng của Chúa Giêsu, đi từ sự trổi lên tới sự dìm
mình xuống, từ não trạng tìm danh tiếng tới sự phục vụ? Cần sự dấn thân, nhưng
không đủ. Tự sức mình thật là khó khăn, nhưng chúng ta có trong nội tâm một sức
mạnh giúp đỡ chúng ta. Đó là sức mạnh của Phép Rửa, chính nhờ sự dìm mình trong
Chúa Giêsu mà chúng ta nhận lãnh ơn thánh và định hướng cho chúng ta, thúc đẩy
chúng ta theo Chúa, không phải để tìm lợi lộc riêng nhưng là để đặt mình phục
vụ. Đó là một ơn thánh, một ngọn lửa mà Chúa Thánh Linh đã đốt lên trong chúng
ta và cần phải được nuôi dưỡng. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh
Linh canh tân trong chúng ta ơn thánh của bí tích Rửa tội, dìm mình trong Chúa
Giêsu, trong lối sống và trong việc phục vụ của Chúa.
Và chúng
ta hãy cầu xin Đức Mẹ: mặc dù là người cao cả nhất, nhưng Mẹ không tìm cách
trổi vượt lên, trái lại Mẹ là nữ tỳ khiêm tốn của Chúa, và hoàn toàn dìm mình
phục vụ chúng ta, để giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau khi
đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha nhắc đến sáng
kiến của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, hẹn với các giáo xứ, trường học
và các gia đình trong chiến dịch “một triệu trẻ em đọc kinh Mân côi cầu nguyện
cho sự hiệp nhất và hòa bình. “Tôi khích lệ chiến dịch cầu nguyện này, năm nay
nhờ lời chuyển cầu đặc biệt của thánh Giuse. Cám ơn tất cả các trẻ em nam nữ
tham gia chiến dịch này.
Đức
Thánh cha cũng nhắc đến lễ phong chân phước hôm qua, 16/10, cho cha Juan Elías
Medina và 126 vị tử đạo, tại Cordova bên Tây Ban Nha trong thời nội chiến, bị
giết vì người ta oán ghét đức tin.
Đức
Thánh cha cũng lên án những vụ khủng bố trong tuần qua, như tại Na Uy,
Afghanistan, Anh quốc làm cho nhiều người chết và bị thương. Đức Thánh cha bày
tỏ sự gần gũi với gia đình các nạn nhân, đồng thời kêu gọi từ bỏ con đường bạo
lực, luôn luôn là một sự thất bại đối với mọi người.
Sau
cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương. Ngài
cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho
ngài.