20/10 Tiếp Kiến
Chung Của Đức Thánh Cha: Tự Do Nảy Sinh Từ Tình Thương Của Thiên Chúa Và Tăng
Trưởng Trong Bác Ái
RVA 20/10/2021 – G. Trần Đức Anh, O.P.
Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư
20/10/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung 6.000 tín hữu hành hương
ngồi đầy Đại thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican.
https://www.youtube.com/watch?v=qJjWWTTUSa0
(8phut vie)
Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 32 tính từ đầu năm nay.
Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, tám linh mục lần lượt đọc bằng
tám ngôn ngữ khác nhau đoạn 5 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát (5,13-14):
Lắng nghe Lời Chúa
“Anh em là những người được kêu gọi sống tự do.
Nhưng ước gì tự do này không trở thành một cớ để sống theo xác thịt; trái lại,
nhờ tình yêu, anh em hãy phục vụ lẫn nhau. Thực vậy, toàn thể Lề Luật được viên
mãn trong một giới luật duy nhất: Hãy yêu thương tha nhân như chính mình”.
Trong lúc mọi người nghe đọc lời Chúa, thì có một em bé,
8, 9 tuổi, có lẽ bị bệnh tâm thần, tiến lên trước Đức Thánh cha. Ngài xin Đức
ông Leonardo Sapienza, Phó Chủ tịch Phủ Giáo hoàng đang ngồi cạnh, hãy nhường
chỗ cho em bé. Em bé này còn đứng trước Đức Thánh cha và chỉ tay vào mũ sọ
trắng của ngài...
Trước khi bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh cha ứng khẩu nói:
“Trong những ngày này chúng ta đang nói về tự do của đức tin, lắng nghe thư
thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Tôi nghĩ đến điều Chúa Giêsu đã nói về sự tự
nhiên và tự do của các trẻ em, khi em bé này tự do tiến lại gần đây và đi lại
như thể ở nhà em. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Cả các con cũng hãy làm như
các trẻ em và các con sẽ được vào Nước Trời” ... Tôi cám ơn em bé vì bài học
của em cho tất cả chúng ta. Xin Chúa giúp đỡ em trong giới hạn của em được tăng
trưởng. Các trẻ em không có một thông dịch tự động từ con tim đến cuộc sống,
các trẻ em cứ tiến bước!”.
Bài huấn giáo
Tiếp đó, Đức Thánh cha trình bày bài thứ 12 trong loạt bài
giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: “Tự do
được thực hiện trong bác ái”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Đời sống mới trong tự do
Thánh Phaolô tông đồ, qua thư gửi tín hữu Galát, dần dần
dẫn chúng ta vào trong sự mới mẻ lớn của đức tin. Đây quả là một điều mới mẻ
lớn, vì không phải chỉ đổi mới vài khía cạnh của cuộc sống, nhưng đưa chúng ta
vào trong “đời sống mới” chúng ta đã nhận lãnh với phép Rửa tội. Tại đó, một
hồng ân lớn nhất được ban cho chúng ta, đó là hồng ân được làm con cái Thiên
Chúa. Được tái sinh trong Chúa Kitô, chúng ta tiến từ một thứ đạo đức bằng
những giới luật đến một đức tin sinh động, với trung tâm ở trong sự hiệp thông
với Thiên Chúa và anh chị em. Chúng ta đã tiến từ sự nô lệ cho sợ hãi và tội
lỗi đến tự do của các con cái Thiên Chúa.
Trọng tâm của tự do theo thánh Phaolô
Hôm nay, chúng ta tìm hiểu rõ hơn đâu là trọng tâm của tự
do này theo Thánh Tông Đồ. Thánh Phaolô quả quyết rằng tự do hoàn toàn khác với
“một cái cớ để sống theo xác thịnh” (Gl 5,13): nghĩa là tự do không phải là
sống tháo thứ, theo xác thịt hoặc theo bản năng, theo những ước muốn cá nhân và
những động lực ích kỷ của mình; trái lại, tự do của Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến
chỗ “phục vụ lẫn nhau” (ibid.). Nói khác đi, tự do chân thực được biểu lộ hoàn
toàn trong bác ái. Một lần nữa chúng ta đứng trước một nghịch lý của Tin mừng:
chúng ta tự do trong phục vụ; chúng ta hoàn toàn tự do theo mức độ chúng ta
hiến thân; chúng ta được sự sống nếu chúng ta hy sinh nó (Xc Mc 8,35).
Giải thích nghịch lý
Nhưng làm sao ta giải thích sự nghịch lý này? Câu trả lời
của thánh Tông đồ vừa rất đơn sơ và vừa nhiều đòi hỏi, thưa “Nhờ tình thương”
(Gl 5,13). Chính tình thương của Chúa Kitô làm cho chúng ta được tự do và cũng
tình thương giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ tệ hại hơn, đó là nô lệ cái tôi;
vì thế tự do tăng trưởng với tình thương. Nhưng nên chú ý: không phải bằng tình
thương duy nội tâm, thứ tình thương trong các phim truyện, không phải bằng đam
mê chỉ tìm điều hợp với chúng ta và làm cho chúng ta hài lòng, nhưng là với
tình thương, nhờ đó chúng ta thấy bác ái trong Chúa Kitô: đó là tình thương
thực sự tự do và giải tỏa chúng ta. Đó là tình thương chiếu tỏa rạng ngời trong
việc phục vụ nhưng không, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng đã rửa chân cho
các môn đệ và nói: “Thầy làm gương cho chúng con để các con cũng làm như Thầy
đã làm cho các con” (Ga 13,15).
Tránh thứ tự do gây ra sự trống rỗng nội tâm
Vì thế, đối với thánh Phaolô, tự do không phải là “làm
điều thích hay không thích”. Thứ tự do này không có một mục tiêu và không có
những tham chiếu, sẽ là một tự do trống rỗng. Và thực vậy nó để lại sự trống
rỗng bên trong: bao nhiêu lần, sau khi chỉ theo bản năng, chúng ta nhận thấy
mình càng trống rỗng nội tâm hơn và sự sử dụng không tốt kho tàng tự do của
chúng ta, không dùng đúng sự đẹp đẽ có thể chọn lựa điều tốt lành thực sự cho
chúng ta và cho người khác. Chỉ có tự do này được viên mãn, cụ thể, và đưa
chúng ta vào đời sống thực sự mỗi ngày.
Ý nghĩa của tự do đích thực
Trong một thư khác, thư thứ I gửi tín hữu Corinto, thánh
Tông đồ trả lời cho người chủ trương một ý tưởng sai lầm về tự do, họ nói: “Tất
cả đều được phép!” Thánh Phaolô trả lời: “Đúng vậy, nhưng không phải tất cả đều
hữu ích”. “Tất cả đều được phép!”, “Đúng vậy, nhưng không phải tất cả đều xây
dựng”, thánh Tông đồ vặn lại. Rồi ngài nói thêm: “Đừng ai tìm kiếm tư lợi,
nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (1 Cr 10,23-24). Với người bị cám dỗ thu
hẹp tự do vào những sở thích riêng, thánh Phaolô đặt trước yêu sách của tình
yêu. Tự do được tình yêu hướng dẫn là tự do duy nhất làm cho người khác và
chúng ta được tự do, tự do ấy biết lắng nghe mà không áp đặt, biết mong muốn
điều thiện mà không cưỡng bách, biết xây dựng mà không phá hủy, không lợi dụng
người khác theo ý mình và làm điều thiện cho họ mà không tìm tư lợi cho mình.
Nói tóm lại, nếu tự do không nhắm phục vụ điều thiện thì có nguy cơ trở nên vô
bổ và không mang lại hoa trái. Trái lại, tự do được tình yêu linh hoạt thì dẫn
tới những người nghèo, nhận ra qua những khuôn mặt của họ khuôn mặt của Chúa
Kitô. Vì thế, việc phục vụ lẫn nhau khiến cho thánh Phaolô, khi viết cho các
tín hữu Galát, nhấn mạnh một điều quan trọng: khi nói về tự do mà các tông đồ
khác cho ngài được loan báo Tin mừng, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng các tông đồ
chỉ nhắn nhủ họ một điều: đó là hãy nhớ đến những người nghèo (Xc Gl 2,10).
Chống tự do theo quan niệm chủ nghĩa cá nhân
Trái lại, chúng ta biết một trong những quan niệm rất
thịnh hành thời nay về tự do là: “Tự do của tôi chấm dứt tại nơi tự do của bạn bắt
đầu”. Nhưng ở đây thiếu tương quan! Đó là một quan niệm duy cá nhân chủ nghĩa.
Trái lại, ai đã được ơn giải thoát do Chúa Giêsu thực hiện thì không thể nghĩ
rằng tự do hệ tại tránh xa những người khác, cảm thấy họ là những người gây
phiền toái, không thể quan niệm một con người chỉ qui vào mình, nhưng luôn được
tháp nhập trong một cộng đoàn. Chiều kích xã hội là cơ bản đối với các tín hữu
Kitô, và giúp họ nhìn đến công ích và không phải chỉ để ý đến tư lợi.
Nhất là trong thời điểm lịch sử này, chúng ta cần tái khám
phá chiều kích cộng đoàn, chứ không phải chiều kích cá nhân chủ nghĩa của tự
do: đại dịch đã dạy chúng ta rằng chúng ta cần lẫn nhau, nhưng biết như vậy thì
không đủ, còn cần chọn nó mỗi ngày một cách cụ thể. Chúng ta hãy nói và tin
rằng những người khác không phải là một chướng ngại cản trở tự do của tôi,
nhưng là cơ hội để thực thi tự do hoàn toàn. Vì tự do của chúng ta nảy sinh từ
tình thương của Thiên Chúa và tăng trưởng trong bác ái.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông
dịch viên lần lượt chuyển ý tóm lược bài giáo lý của Đức Thánh cha, kèm theo
lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.
Đặc biệt, khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc
nhở rằng “ngày kia, 22/10, là lễ kính nhớ thánh Gioan Phaolô II. Tôi phó thác
anh chị em, gia đình anh chị em và toàn thể nhân dân Ba Lan, cho sự bảo vệ của
thánh nhân. Anh chị em hãy luôn nhớ điều thánh nhân đã nói với anh chị em: “Ai
sẽ tách biệt chúng ta khỏi tình thương của Chúa Kitô?” [...] Anh chị em hãy
tỉnh thức, để không gì tách biệt anh chị em khỏi tình thương ấy: đừng để một
khẩu hiệu tuyên truyền giả dối nào, một ý thức hệ sai lầm nào, cám dỗ thỏa hiệp
với những gì không đến từ Thiên Chúa. Hãy loại bỏ tất cả những gì phá hủy và
làm suy yếu sự hiệp thông với Chúa Kitô” (2.06.1997).
Khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến các thành
viên Tổng tu nghị Dòng Nữ Tỳ Đức Maria phục vụ bệnh nhân và nói: “Tôi cầu chúc
cho toàn dòng tái dấn thân trong sự quảng đại làm chứng tá Tin mừng”.
Đức Thánh cha cũng chào các tín hữu thuộc các giáo xứ và
cầu chúc họ những ngày ở Roma này được tăng trưởng trong tâm hồn lòng yêu mến
và trung thành với Chúa Kitô.
“Sau cùng –Đức Thánh cha nói– như thường lệ, tôi nghĩ đến
những người cao niên, người trẻ, các bệnh nhân và đông đảo các đôi tân hôn.
Trong tháng Mười này, Giáo hội nhắn nhủ hãy cầu nguyện cho các xứ truyền giáo
và đón nhận lời mời gọi của Chúa Kitô trở nên những cộng tác viên tích cực của
Chúa. Anh chị em hãy quảng đại sẵn sàng đối với Chúa và dâng những đau khổ anh chị
em chịu để kế hoạch cứu độ của Chúa Cha trên trời được viên mãn.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của
Đức Thánh cha.