ĐTC
Thăm Đức Thượng Phụ Jeronymos II Và Đoàn Tuỳ Tùng
Vào lúc
15 giờ 45, từ Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Toà Giám mục
Chính thống Hy Lạp ở Athen, cách đó gần 7 km, để thăm hữu nghị Đức Thượng phụ
Jeronymos II, Tổng Giám mục Athen và toàn Hy Lạp.
https://www.youtube.com/watch?v=5XsqAhIsr94
(9phut vie)
https://www.youtube.com/watch?v=mt3KAzaRIYs&t=1s
(44phut KTO)
Ngọc
Yến – Vatican News 04 tháng mười hai 2021
Tòa
Tổng Giám mục Chính thống Hy Lạp
Tòa
Tổng Giám mục Chính thống Hy Lạp được đặt trong một tòa nhà cách Nhà thờ Chính
tòa Truyền tin, khoảng 200 mét. Toà nhà được bắt đầu xây dựng vào năm 1843 và
kéo dài trong 20 năm, do thiếu kinh phí. Cuối cùng vào năm 1862, tòa nhà được
hoàn thành dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư người Pháp Francois Boulanger,
người đã ký tên vào mái vòm và hai tháp chuông. Được xây dựng theo phong cách
Byzantine hiện đại với ba gian giữa, nhà thờ lưu giữ hai mộ đá quan trọng: một
của Đức Thượng phụ Gregory V, bị giết dưới thời Ottoman năm 1821; và đối diện
là mộ thánh nữ Filotea, tử đạo của Giáo hội Chính thống Hy Lạp, và từ năm 1589
là thánh bảo trợ thành Athen. Giáo phận Chính thống Athen được nâng lên hàng
Tổng Giáo phận vào năm 1923 và vị Tổng Giám mục được gọi là Tổng Giám mục của
Athen và toàn Hy Lạp.
Khi đến
nơi, Đức Thánh Cha được Đức Thượng phụ Jeronymos II đón tại lối vào chính của
Toà Tổng Giám mục. Trước khi lên lầu trên để gặp gỡ riêng, cả hai dừng lại
trước tượng Đức Mẹ để cầu nguyện.
Đức
Thượng phụ Jeronymos II
Đức
Thượng phụ Jeronymos II, Tổng Giám mục Athen và toàn Hy Lạp và là Tổng Giám mục
của Giáo hội Chính thống Autocephalous của Hy Lạp, sinh năm 1938 tại Oinofyta,
Boeotia, trong một gia đình dân tộc Albania. Sau khi tốt nghiệp triết học và
thần học ở đại học Athen, ngài nghiên cứu thêm khảo cổ học, nghiên cứu
Byzantine và Thần học.
Ngài
được phong chức linh mục vào năm 1967. Năm 1981, ngài được bầu chọn làm Giám
mục của Thebes và Levadeia, và vào năm 2008, là Tổng Giám mục của Athen và toàn
Hy Lạp.
Đức
Thượng phụ đã đưa ra nhiều sáng kiến trong lĩnh vực xã hội, như thành lập các
trường nội trú, trung tâm mồ côi, mái ấm cho người già, trung tâm phòng chống
ma túy, trung tâm nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, duy trì mối quan hệ bền chặt
với cộng đồng giảng dạy của Boeotia. Ngoài ra, Đức Thượng phụ còn giúp thành
lập Trung tâm nâng cao nhận thức về các vấn đề của người nhập cư. Vào năm 2016,
ngài đã đến thăm trại Mòrias trên đảo Lesbos cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và
Thượng phụ Đại kết Bartholomeo để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề
người tị nạn. Ba nhà lãnh đạo Kitô đã ký một tuyên bố chung.
ĐTC gặp
Đức Thượng phụ Jeronymos II và đoàn tuỳ tùng
Sau
cuộc gặp gỡ riêng với Đức Thượng phụ Jeronymos II, Đức Thánh Cha tiến ra “Sảnh
Ngai Toà” của Toà Giám mục để gặp gỡ đoàn tuỳ tùng của hai Giáo hội.
“Xin
Thiên Chúa ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1, 7), Đức Thánh Cha mở đầu
diễn văn trước Đức Thượng phụ và các thành viên trong các đoàn tuỳ tùng bằng
lời của Thánh Phaolô, và nói ngài muốn cuộc gặp gỡ hôm nay canh tân ân sủng và
bình an đó.
Đức
Thánh Cha nhắc lại cuộc gặp gỡ của ngài và Đức Thượng phụ cách đây 5 năm ở
Lesvos, trong thảm trạng của những người di cư. Và cuộc gặp gỡ hôm nay, với mục
đích để chia sẻ niềm vui huynh đệ và để nhìn Địa Trung Hải bao quanh không chỉ
là nơi làm mọi người lo lắng và chia rẽ, nhưng còn là vùng biển gắn kết các dân
tộc với nhau.
Công
giáo và Chính thống có chung nền móng là các Tông đồ
Đức
Thánh Cha dùng hình ảnh cây ô liu và đặc biệt gốc rễ của nó để nói đến sự gắn
kết giữa Công giáo và Chính thống giáo. Ngài nói: “Cách đây không lâu, tôi đã
đề cập đến những cây ô liu hàng thế kỷ có liên quan đến những vùng đất này.
Nhắc lại những cây gắn kết chúng ta, tôi nghĩ đến những cội rễ mà chúng ta chia
sẻ. Chúng nằm bên dưới, bị che khuất và thường bị phớt lờ, nhưng vẫn ở đó và
nâng đỡ mọi sự. Cội rễ chung của chúng ta đã tồn tại qua nhiều thế kỷ là gì? Đó
là các Tông đồ. Thánh Phaolô nói điều này khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc
‘được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ’ (Ep 2, 20). Những nền móng này
phát triển từ hạt giống Tin Mừng, đã bắt đầu sinh hoa kết trái dồi dào, trong
nền văn hóa Hy Lạp: Tôi nghĩ đến các Giáo phụ tiên khởi của Giáo hội và các
Công đồng đại kết đầu tiên”.
Đức
Thánh Cha nói tiếp: “Nhưng thật không may, chúng ta ngày càng xa cách. Chúng ta
đã bị chất độc thế gian làm ô nhiễm, cỏ dại nghi ngờ đã gia tăng khoảng cách và
chúng ta không còn vun trồng sự hiệp thông”. Theo Đức Thánh Cha chia rẽ xảy đến
do những hành động và lựa chọn không tương thích với Chúa Giêsu và với Tin
Mừng, nhưng ghi dấu bằng nỗi thèm khát lợi nhuận và quyền lực, đã làm suy yếu
sự hiệp thông. Vì vậy, hôm nay, một lần nữa ngài cầu xin sự tha thứ của Thiên
Chúa và của anh chị em đối với những lỗi lầm của nhiều người Công giáo.
Trở lại
hình ảnh cây ô liu, một loại cây phổ biến ở vùng đất này và đối người Kitô hữu,
dầu ô liu liên tưởng đến Thánh Thần, Đức Thánh Cha diễn giải vai trò của Thánh
Thần trong việc dẫn đưa các Kitô hữu đến sự hiệp nhất.
Thánh
Thần: Dầu hiệp thông
Trước
hết, Chúa Thánh Thần là dầu của sự hiệp thông. Kinh Thánh nói dầu
làm cho gương mặt sáng tươi (Tv 104,15). Ngày nay, chúng ta cần phải nhận ra
giá trị độc nhất toả sáng nơi mỗi người. Nhận ra điều này là điểm khởi đầu để
xây dựng sự hiệp thông. Nhưng, thật không may, như một thần học gia vĩ đại đã
viết “sự hiệp thông dường như chạm vào một mối dây nhạy cảm”, không chỉ trong
xã hội, nhưng còn thường xảy ra giữa các môn đệ Chúa Giêsu “trong một thế giới
Kitô giáo được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa cá nhân và sự cứng rắn của thể chế”.
Trái
lại, sự hiệp thông huynh đệ mang lại phúc lành của Chúa. Trong Thánh Vịnh, nó
được so sánh với “dầu quý đổ trên đầu, chảy xuống râu” (Tv 133,2). Thật vậy,
Thánh Thần đổ vào tâm trí thúc giục chúng ta đạt đến tình huynh đệ ngày càng
mạnh mẽ hơn, để đặt để chúng ta trong sự hiệp thông. Vì vậy, chúng
ta không lo sợ, nhưng giúp nhau thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ người thân
cận, không chiêu dụ, trong khi hoàn toàn tôn trọng tự do của người khác, vì như
Thánh Phaolô đã viết: “Ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3,
17).
Mặt
khác, làm sao chúng ta có thể làm chứng trước thế giới về sự hài hòa của Tin
Mừng, nếu các Kitô hữu vẫn còn chia rẽ? Làm sao chúng ta có thể loan báo tình
yêu Chúa Kitô, Đấng quy tụ các dân nước, nếu giữa chúng ta không hiệp nhất?
Nhiều bước đã được thực hiện để đưa chúng ta lại với nhau. Chúng ta hãy cầu xin
Thánh Thần hiệp thông thúc đẩy chúng ta đi theo sự dẫn dắt của Người và giúp
chúng ta không xây dựng hiệp thông dựa trên những tính toán, chiến lược và tiện
lợi, nhưng dựa trên một mẫu gương duy nhất mà chúng ta phải noi theo: Ba Ngôi
Cực Thánh.
Thánh
Thần: Dầu khôn ngoan
Thứ
hai, Thánh Thần cũng là dầu khôn ngoan. Thánh Thần đã xức dầu cho
Chúa Kitô và Người mong muốn truyền cảm hứng cho các Kitô hữu. Ngoan nguỳ trước
sự khôn ngoan dịu dàng của Người, chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết Thiên
Chúa và mở lòng ra với người khác. Theo nghĩa này, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá
cao của tôi đối với tầm quan trọng của Giáo hội Chính thống này, thừa kế sự
tiếp thu văn hóa vĩ đại đầu tiên của đức tin, với nền văn hóa Hy Lạp, dành cho
việc đào tạo và chuẩn bị thần học.
Đức
Thánh Cha nhắc đến sự hợp tác của hai Giáo hội trong lĩnh vực nghiên cứu thần
học qua việc tổ chức các hội nghị chuyên đề. Những dịp này đã giúp hai bên có
thể thiết lập các mối quan hệ thân ái và bắt đầu các cuộc trao đổi hữu ích giữa
các học giả .
Thánh
Thần: Dầu an ủi
Đức
Thánh Cha nói đến điểm cuối cùng: Thánh Thần là dầu an ủi, Đấng Phù
trợ luôn ở bên chúng ta, xoa dịu tâm hồn và chữa lành vết thương. Thánh Thần đã
thánh hiến Chúa Kitô bằng việc xức dầu, để Chúa Kitô loan báo Tin Mừng cho kẻ
nghèo hèn, mang sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, sự tự do cho người bị áp bức
(x. Lc 4,18). Và Thánh Thần vẫn thúc giục chúng ta quan tâm đến những người yếu
đuối và nghèo khó.
Theo
Đức Thánh Cha, ở đây, cũng như những nơi khác, sự hỗ trợ dành cho những người
nghèo khổ trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế là
rất cần thiết. Vì vậy, ngài mời gọi cùng nhau phát triển các hình thức hợp tác
trong đức ái, mở lòng và hợp tác trong các vấn đề đạo đức và xã hội, để phục vụ
mọi người trong thời đại và mang lại cho họ niềm an ủi Tin Mừng. Thật vậy, hơn
bao giờ hết, ngày nay Thánh Thần đang kêu gọi chúng ta, để chữa lành vết thương
của nhân loại bằng dầu bác ái.
Đức
Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta cần cầu nguyện cho nhau để mang đến cho thế giới
sự an ủi của Chúa và chữa lành các tương quan bị tổn thương. Xin Thánh Thần của
Đấng Bị Đóng Đinh và Phục sinh đến trên chúng ta và ban cho chúng ta một cái
nhìn bình tĩnh, trong suốt của sự thật, được sống động bởi lòng thương xót
Chúa, có khả năng giải phóng tâm trí và khơi dậy trong mọi người một sự sẵn
lòng đổi mới. Xin Người giúp chúng ta không bị tê liệt bởi những kinh nghiệm và
định kiến tiêu cực của quá khứ, nhưng nhìn thực tế bằng con mắt mới. Bằng cách
này, những đau khổ trong quá khứ sẽ nhường chỗ cho niềm an ủi hiện tạ”.
Đức
Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với lời mời gọi cầu nguyện: “Xin các thánh,
thuộc các hệ phái Kitô khác nhau trên mặt đất, nhưng đang ở cùng một Thiên
đàng. Xin các thánh cầu bầu cho chúng ta, để Thánh Thần, dầu thánh của Thiên
Chúa, đổ tràn trên chúng ta, trong một Lễ Ngũ Tuần được đổi mới, như trên các
Tông đồ, mà chúng ta là hậu duệ. Xin Người khơi dậy trong lòng chúng ta ước
muốn hiệp thông, soi sáng chúng ta bằng sự khôn ngoan của Người và xức dầu an
ủi của Người cho chúng ta”.
Sau bài
diễn văn, Đức Thánh Cha chào một số đại diện và trao quà tặng cho Đức Jeronymos
II gồm 1 bản sao của Codex Pauli được lưu giữ tại Đan viện Phaolô Ngoại thành,
và hai vương miện cho icon hình Đức mẹ bồng Chúa Giêsu.
Sau khi
ký vào sổ lưu niệm, Đức Thánh Cha được Đức Jeronymos II tiễn ra xe để đi đến
Nhà thờ Chính toà thánh Dionigi để gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ,
chủng sinh và giáo lý viên.
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-12/dtc-tham-duc-thuong-phu-jeronymos-ii.html