Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Hãy Tự Hỏi, Chúng Ta Phải Làm Gì Cho Chúa Giêsu Và Tha Nhân Để Mừng Lễ Giáng sinh

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 12/12/2021

https://www.youtube.com/watch?v=89ZIu-1uK4c (7phut)

Trưa Chúa nhật ngày 12 tháng Mười Hai, dưới bầu trời nắng đẹp đã có khoảng hơn 6.000 người đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô, trong số này có hàng trăm gia đình ở Roma, với các em bé mang tượng Chúa Hài Đồng, xin Đức Thánh cha làm phép để đặt trong hang đá máng cỏ của gia đình các em. Đặc biệt, cũng có đông đảo các tín hữu Nam Mỹ, mang cờ quốc gia của họ đến quảng trường, để đọc kinh Mân côi, nhân lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mỹ châu, vào ngày 12 tháng Mười Hai.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ III Mùa Vọng năm C, thuật lại cuộc đối thoại giữa những người hỏi thánh Gioan Tẩy Giả xem họ phải làm gì.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng phụng vụ hôm nay, Chúa nhật thứ III Mùa Vọng trình bày cho chúng ta những nhóm người khác nhau, - đám đông, những người thu thuế và các binh sĩ - được thánh Gioan Tẩy Giả đánh động qua lời giảng thống hối và họ hỏi thánh nhân: “Vậy, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Chúng ta hãy dừng lại nơi câu hỏi này: “Chúng tôi phải làm gì?”

Chuẩn bị đón Chúa đến

Câu hỏi này không xuất phát từ một cảm thức nghĩa vụ. Đúng hơn, đó là một tâm hồn được Chúa đánh động, đó là lòng nhiệt thành vì việc Chúa đến khiến họ nói: vậy chúng tôi phải làm gì?

Chúng ta lấy một ví dụ: chúng ta hãy nghĩ đến một người thân yêu đang đến gặp chúng ta. Chúng ta vui mừng chờ đợi họ và nóng lòng gặp mặt. Để đón tiếp người ấy, ta lau dọn nhà, chuẩn bị bữa ăn ngon bao nhiêu có thể, và chuẩn bị cả một món quà... Tóm lại, chúng ta phải làm một cái gì đó. Cũng vậy, đối với Chúa, niềm vui vì Ngài đến làm cho chúng ta nói: chúng tôi phải làm gì? Nhưng Thiên Chúa nâng câu hỏi này lên cấp độ cao nhất: tôi phải làm gì với cuộc sống của tôi? Tôi được kêu gọi làm gì? Tôi thực hiện điều gì?

Hãy hỏi Chúa: Con phải làm gì?

Khi gợi ý cho chúng ta câu hỏi này, Tin mừng nhắc nhớ chúng ta một điều quan trọng: cuộc sống có một nghĩa vụ cho chúng ta. Cuộc sống không phải là không có ý nghĩa, không được ủy thác tình cờ. Không phải vậy! Đời sống là một món quà Chúa giao cho chúng ta và nói rằng: hãy khám phá xem con là ai, và hãy cố gắng làm việc để thực hiện giấc mơ đời con! Không nên quên rằng mỗi người trong chúng ta là một sứ mạng cần thực hiện. Vậy thì chúng ta đừng sợ hỏi Chúa: Con phải làm gì? Chúng ta hãy năng lập lại câu hỏi ấy. Nó cũng được nhắc đến trong Kinh thánh: trong Tông đồ Công vụ, một số người, khi nghe thánh Phêrô loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu, “họ cảm thấy hối hận và nói với thánh nhân và các tông đồ khác: “Thưa anh em, chúng tôi phải làm gì?” (2,37). Chúng ta cũng hãy tự hỏi: điều gì tôi làm cho bản thân và các anh chị em? Làm sao tôi có thể góp phần vào thiện ích của Giáo hội, của xã hội? Mùa Vọng có mục đích này: dừng lại và tự hỏi làm thế nào để chuẩn bị Lễ Giáng sinh. Chúng ta bận rộn trong bao nhiêu việc chuẩn bị, quà cáp và những điều rồi qua đi, nhưng chúng ta hãy tự hỏi cần phải làm gì cho Chúa Giêsu và tha nhân!

Câu trả lời của thánh Gioan

Trước câu hỏi “Chúng tôi phải làm gì?”, trong Tin mừng có câu trả lời của thánh Gioan Tẩy Giả, khác nhau tùy theo mỗi nhóm. Thực vậy, thánh Gioan khuyên ai có hai áo thì hãy chia sẻ với người không có; với những người thu thuế, thánh nhân nói: “Đừng đòi hỏi điều gì quá mức ấn định” (Lc 3,13); và với các binh sĩ, thánh nhân nói: “Đừng ngược đãi và bóc lột điều gì của ai (v.14). Mỗi người được một câu trả lời riêng, liên quan đến tình trạng thực tế trong đời sống của họ. Điều này mang lại cho chúng ta một bài học quí giá: đức tin được hội nhập vào đời sống cụ thể. Không phải là một lý thuyết và tổng quát, nhưng đánh động thân thể và biến đổi cuộc sống của mỗi người.

Hãy tự hỏi, cụ thể ta cần làm gì

Tóm lại, chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi có thể làm gì cụ thể trong thực tế? Về phần tôi, tôi có thể làm gì? Chúng ta hãy đưa ra một quyết tâm cụ thể, cả những điều bé nhỏ, thích hợp với hoàn cảnh sống của chúng ta, và thi hành nó để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh này. Ví dụ: tôi có thể điện thoại cho một người cô độc, cô đơn, viếng thăm một người cao niên, hoặc một bệnh nhân, làm một cái gì đó để giúp một người tuổi già, một người túng thiếu. Và có lẽ, tôi có một lời xin lỗi cần làm, một tình trạng cần làm sáng tỏ, một món nợ phải trả. Có thể là tôi đã chểnh mảng việc cầu nguyện và từ bao lâu rồi tôi không đến xin ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta hãy tìm một cái gì cụ thể và thi hành điều ấy! Xin Đức Mẹ giúp chúng con, nơi cung lòng của Mẹ Thiên Chúa đã nhập thể làm người?

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha đoan chắc cầu nguyện cho dân nước Ucraina đang sống trong lo âu, vì Nga dồn quân tại biên giới, sẵn sàng tấn công nếu Ucraina gia nhập khối NATO. Ngài kêu gọi đối thoại và đừng sử dụng võ khí để giải quyết tranh chấp, hãy đối thoại như phương thức để thương thuyết.

Đức Thánh cha cũng bày tỏ lo âu vì nạn buôn bán võ khí tiếp tục gia tăng trên thế giới, kể cả trong thời đại dịch hiện nay.

Đức Thánh cha chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân lốc xoáy tại Mỹ, làm cho ít nhất 83 người chết, theo thống kê sơ khởi và thiệt hại vật chất rất lớn.

Đức Thánh cha nói bằng tiếng Tây Ban Nha để chào thăm đông đảo các tín hữu Nam Mỹ, nhân lễ kính Đức Mẹ Guadalupe.

Ngài cũng không quên nhắc nhớ kỷ niệm 70 năm thành lập Caritas Quốc tế, đúng vào ngày 12 tháng Mười Hai năm 1951 và gọi đây là một tổ chức quan trọng của Giáo hội.

Sau cùng, Đức Thánh cha cám ơn và chúc lành cho các em bé đã mang các tượng Chúa Hài Đồng đến dự buổi đọc kinh này để ngài làm phép, trước khi đặt vào hang đá máng cỏ trong gia đình.

Đức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2021