ĐTC Phanxicô Tiếp Kiến Giáo Triều Roma - Chúc Mừng Giáng Sinh Và Năm Mới

Sáng ngày 23/12/2021, như truyền thống hàng năm trước Giáng Sinh, Đức Thánh Cha tiếp các Hồng y, Giám mục và các chức sắc cấp cao của Toà Thánh, đến chúc mừng Giáng sinh và năm mới Đức Thánh Cha. Trong bài diễn văn đáp từ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự khiêm nhường của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng sinh. Ngài mời gọi Giáo triều sống tinh thần này trong tiến trình Thượng Hội Đồng.

https://www.youtube.com/watch?v=72v57nB-OTE (47phut KTO)

Ngọc Yến – Vatican News 23 tháng mười hai 2021

Mầu nhiệm Giáng sinh: Thiên Chúa đến thế gian qua con đường khiêm nhường

Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn văn, nhắc lại buổi gặp gỡ là cơ hội để bày tỏ tình huynh đệ, qua việc trao cho nhau những lời chúc Giáng sinh, nhưng cũng là dịp để suy tư và nhìn lại chính mình, để ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể chỉ cho chúng ta thấy chúng ta là ai và sứ vụ của chúng ta.

Với chủ đích trên, Đức Thánh Cha nói rằng để diễn tả một cách hay và đẹp nhất mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta phải sử dụng cụm từ “khiêm nhường”. Các sách Tin Mừng đã nói về một cảnh nghèo khó, giản dị, không thích đáng cho một phụ nữ sắp sinh con. Vua các vua đến thế gian không gây chú ý, nhưng khơi gợi một sự lôi cuốn cách mầu nhiệm trong tâm hồn những ai cảm nhận một sự hiện diện hoàn toàn mới, một điều gì đó đang chuẩn bị thay đổi lịch sử. Khiêm nhường là cánh cửa của những điều này và mời gọi chúng ta bước vào.

Khiêm nhường của tướng Naaman

Theo Đức Thánh Cha, không dễ để hiểu khiêm nhường là gì. Vì đó là kết quả của một sự thay đổi mà chính Thánh Thần hoạt động trong chúng ta qua lịch sử chúng ta đang sống như trường hợp của ông Naaman trong thời ngôn sứ Êlisa (2 V 5). Ông Naaman là một vị tướng thế giá và uy tín của quân đội vua Aram, nhưng lại bị bệnh phong. Bộ áo giáp đem lại cho ông sự nổi tiếng nhưng cũng là thứ che đậy thân phận mỏng manh, bị thương, và bệnh của ông. Chúng ta thường chứng kiến sự mâu thuẫn này trong cuộc sống chúng ta.

Ông Naaman hiểu một chân lý nền tảng: người ta không thể ẩn trốn cả cuộc đời sau bộ áo giáp, một phận vụ, một sự công nhận xã hội. Rồi sẽ đến lúc, mỗi người không còn muốn sống đàng sau lớp vỏ hào quang của thế gian, nhưng sống một cuộc đời chân thật, không cần áo giáp, mặt nạ. Mong muốn này thúc đẩy tướng chỉ huy Naaman lên đường tìm kiếm một ai đó có thể giúp ông.

Khi ngôn sứ Êlisa yêu cầu ông thực hiện một việc đơn giản là tắm trong sông Giođan như điều kiện duy nhất để được chữa lành, ông đã từ chối, vì đối với ông điều này quá tầm thường, quá đơn giản, dễ làm. Dường như sức mạnh của sự đơn giản không có trong trí tưởng tượng của ông. Nhưng rồi ông đã nghe lời tôi tớ và đi tắm bảy lần trong sông và đã được sạch, da thịt trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Bài học thật tuyệt vời! sự khiêm nhường bộc lộ nhân tính của ông, theo Lời Chúa, đã giúp Naaman được chữa lành.

Giáng sinh mời gọi mỗi người cởi bỏ bộ áo giáp: phận vụ, ảnh hưởng xã hội

Từ câu chuyện của tướng Naaman, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Giáo triều nhớ rằng Giáng sinh là thời điểm mà mỗi người phải can đảm cởi bỏ bộ áo giáp của mình, bước ra khỏi phận vụ, ảnh hưởng, sự công nhận xã hội, của ánh hào quang thế gian, và đảm nhận chính sự khiêm nhường của mình. Chính mẫu gương vĩ đại của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể làm người trong thân phận hài nhi bé nhỏ giúp mỗi người thực hiện điều này.

Đức Thánh Cha giải thích tiếp về sự khiêm nhường: “Khiêm nhường là khả năng biết sống thân phận con người của chúng ta, một cách thực tế với niềm vui và hy vọng. Khiêm nhường là hiểu rằng chúng ta không phải xấu hổ về sự yếu đuối của chúng ta. Nếu Naaman chỉ tiếp tục lo tích luỹ huân chương để gắn lên bộ áo giáp, thì cuối cùng ông sẽ bị bệnh phong nuốt chửng, sống nhưng khép kín trong ốc đảo của căn bệnh”.

Đối lập với khiêm nhường là kiêu ngạo

Đức Thánh Cha trích lời ngôn sứ Malakhi để nói kẻ thù của sự khiêm nhường: “Đối lập với khiêm nhường là kiêu ngạo. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng – Đức Chúa các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào” (Ml 3, 19). Ngài nhấn mạnh: “Những ai kiêu ngạo, cuối cùng sẽ bị mất tất cả những gì quan trọng nhất, đó là cội nguồn, gốc rễ. Rễ cho chúng ta biết mối liên hệ của chúng ta với quá khứ, nơi chúng ta lấy nhựa sống cho hiện tại. Mầm sống là hiện tại, không chết, nhưng trở thành tương lai. Vì thế, nếu ở trong hiện tại không có gốc rễ, không có mầm sống có nghĩa là người ta đang ở giờ sau cùng. Người kiêu ngạo sống khép kín trong thế giới nhỏ bé của mình, không có hiện tại và tương lai. Trái lại, người khiêm nhường luôn được hướng dẫn bởi hai động từ: ghi nhớ và sinh sôi, hoa trái trổ sinh từ gốc rễ và chồi xanh, như thế sống trong niềm vui mở ra của sự phong nhiêu.

Người khiêm nhường luôn ghi nhớ và sinh sôi

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng, ghi nhớ có nghĩa là “trở lại tâm hồn”. Ký ức quan trọng mà chúng ta có về truyền thống, cội nguồn, không phải là sự sùng bái quá khứ, nhưng là cử chỉ nội tâm, những gì đưa chúng ta đến đây. Nhưng để việc ghi nhớ không trở thành nhà tù của quá khứ, chúng ta cần sinh sôi. Người khiêm nhường cũng quan tâm đến tương lai, không chỉ quá khứ, bởi vì họ biết nhìn về phía trước, nhìn những chồi non, với một ký ức đầy biết ơn. Người kiêu ngạo trái lại, lặp đi lặp lại, khép mình trong sự lặp lại của mình, cảm thấy chắc chắn về những gì đã biết và sợ hãi cái mới vì không thể kiểm soát nó, cảm thấy bất ổn... bởi vì họ đã mất ký ức.

Khiêm nhường để sống tiến hình Thượng Hội Đồng

Sau khi nói về giá trị của sự khiêm nhường, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đem áp dụng vào thực tế, đó là Thượng Hội đồng Giám mục được khai mạc hôm 17/10. Ngài nói: “Chỉ có sự khiêm nhường mới có thể đưa chúng ta vào điều kiện thích hợp để có thể gặp gỡ và lắng nghe, đối thoại và phân định. Nếu mọi người vẫn khép kín trong những xác tín của mình, trong cái vỏ của cảm giác và suy nghĩ duy nhất của mình, thì khó có chỗ cho kinh nghiệm về Thần Khí, như thánh Tông đồ Phaolô nói, được liên kết với xác tín rằng tất cả chúng ta đều là con của ‘một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người’” (Ep 4, 6).

Đức Thánh Cha lưu ý phải hiểu cụm từ “Mọi người” cho đúng. Vì nếu không, thái độ giáo sĩ trị như một cám dỗ diễn ra hàng ngày khiến chúng ta suy nghĩ một Thiên Chúa chỉ nói với một số ít, trong lúc những người khác phải lắng nghe và thực hiện.

Thượng Hội Đồng là kinh nghiệm để cảm nhận rằng tất cả chúng ta đều là thành viên của một Dân Thánh trung thành của Chúa. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Thượng Hội Đồng là một sự kiện dành riêng cho Giáo hội như một thực thể trừu tượng. Chính trong việc phục vụ Giáo hội hoàn vũ, Giáo triều phải làm chứng về điều này trước tiên. Vì thế, nếu Lời Chúa nhắc nhở toàn thế giới về giá trị của sự nghèo khó, thì chúng ta, những thành viên của Giáo triều, phải là những người đầu tiên dấn thân vào việc hoán cải sống tiết kiệm. Nếu Tin Mừng loan báo công lý, trước hết chúng ta phải cố gắng sống minh bạch, không thiên vị và bè phái. Nếu Giáo Hội đi theo con đường hiệp hành, chúng ta phải là người đầu tiên hoán cải để có một phong cách làm việc khác, cộng tác và hiệp thông. Và điều này chỉ có thể thực hiện được qua con đường khiêm nhường.

Tham gia, hiệp thông và sứ vụ: chìa khoá sống khiêm nhường

Theo Đức Thánh Cha, ba từ khoá của Thượng Hội Đồng chính là phong cách để sống khiêm nhường.

Trước hết tham gia: Điều này phải được thể hiện qua tinh thần đồng trách nhiệm. Đức Thánh Cha nói ngài luôn ấn tượng khi thấy trong Giáo triều có sự sáng tạo, và khuyến khích mọi người tiếp tục thi hành sứ vụ cộng tác. Bởi vì quyền bính trở thành phục vụ khi chia sẻ, tham gia và giúp phát triển.

Thứ hai là hiệp thông: Hiệp thông được sinh ra từ tương quan với Chúa, đặt Chúa ở trung tâm. Cùng nhau làm việc nhưng phải cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Nếu không có điều này, chúng ta trở thành những người xa lạ, những đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba là sứ vụ: Sứ vụ tập trung vào Chúa Giêsu, dấn thân cho người nghèo, mọi hình thức của nghèo đói. Sứ vụ giúp chúng ta nhớ thân phận môn đệ của chúng ta và cho phép chúng ta tái khám phá niềm vui Tin Mừng.

Tham gia, sứ vụ và hiệp thông là những đặc điểm của một Giáo hội khiêm tốn, lắng nghe Thánh Thần và không đặt mình là trung tâm.

Bài học khiêm nhường của ba nhà chiêm tinh

Đức Thánh Cha kết thúc với lời mời gọi các thành viên của Giáo triều noi gương ba nhà chiêm tinh, những người có địa vị xã hội cao hơn Đức Mẹ và Thánh Giuse, hay các mục đồng, nhưng cũng đã sấp mình thờ lạy Hài Nhi. Nhưng để làm được như thế, ba nhà chiêm tinh phải khiêm nhường. Ngài cũng cầu chúc mọi người lưu ý đến căn bệnh phong của chính mình, và tránh suy nghĩ theo kiểu thế gian, đánh mất cội nguồn và mầm sống. Bài học của Giáng sinh là khiêm nhường. Khiêm nhường là điều kiện tuyệt vời cho đức tin, đời sống thiêng liêng và sự thánh thiện.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2021