Đức
Thánh Cha Công Bố Sứ Điệp Giáng Sinh Và Ban Phép Lành Toàn Xá
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 25/12/2021
Đức
Thánh cha Phanxicô tố giác các xung đột và xin Chúa ban ơn đối thoại cho mọi
người, cũng như cầu cho những đất nước và dân tộc còn chịu đau khổ.
Đức
Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi công bố Sứ điệp Giáng sinh và
ban phép lành với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, trưa ngày lễ Giáng sinh
25 tháng Mười Hai năm 2021.
Khác
với năm ngoái bị phong tỏa vì đại dịch, buổi công bố sứ điệp diễn ra tại Hội
trường Phép lành, trước sự hiện diện của khoảng 50 giáo dân và nữ tu.
Năm
nay, buổi công bố này diễn ra lúc 12 giờ, từ bao lơn chính của Đền thờ thánh
Phêrô nhìn xuống Quảng trường, trước sự hiện diện của gần 30.000 tín hữu Roma
và khách hành hương, dưới bầu trời mưa nhẹ, và có sự tham dự của ban nhạc cùng
với đội quân danh dự của Vệ binh Thụy Sĩ, Hiến binh Vatican và liên quân
Italia.
Buổi lễ
được các cơ quan truyền thông Vatican và nhiều nước trực tiếp truyền hình và
truyền thanh.
Sứ điệp của Đức Thánh cha
Trong
Sứ điệp Giáng sinh, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Giáng
sinh!
Ý nghĩa Chúa Giáng sinh: đối thoại với con người
Lời
Chúa, sáng tạo thế giới và mang lại ý nghĩa cho lịch sử và hành trình của con
người, đã nhập thể và đến ở giữa chúng ta. Lời Chúa xuất hiện như một tiếng thì
thầm, như tiếng rì rào của một cơn gió nhẹ, để làm cho tâm hồn mỗi người nam nữ
cởi mở đối với mầu nhiệm được tràn đầy kinh ngạc.
Ngôi
Lời đã làm người để đối thoại với chúng ta. Thiên Chúa không muốn độc thoại,
nhưng đối thoại. Vì chính Thiên Chúa, Cha và Con và Thánh Thần, là đối thoại,
là sự hiệp thông yêu thương và sức sống vĩnh cửu và vô biên.
Khi đến
trần thế, nơi nhân vị của Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta con
đường gặp gỡ và đối thoại. Đúng hơn, chính Ngài đã thể hiện nơi mình con Đường
này, để chúng ta có thể nhận ra và tiến bước trên con đường đó trong tín thác
và hy vọng.
Xu hướng thiếu đối thoại
Anh chị
em thân mến, “thế giới sẽ ra sao nếu không có sự kiên nhẫn đối thoại của bao
nhiêu người quảng đại giữ cho các gia đình và cộng đoàn được hiệp nhất” (Ft
198). Trong thời đại dịch này chúng ta càng thấy rõ điều đó. Khả năng tương
quan xã hội của chúng ta bị thử thách nặng nề; có sự củng cố xu hướng khép kín
vào mình, tự làm một mình, từ khước ra ngoài, gặp gỡ nhau, cộng tác với nhau.
Và cả trên bình diện quốc tế có nguy cơ không muốn đối thoại, nguy cơ cuộc
khủng hoảng phức tạp đưa tới sự chọn lựa những con đường tắt thay vì những con
đường đối thoại dài hơn; nhưng trong thực tế, chỉ có những con đường đối thoại
mới dẫn đến giải pháp cho những cuộc xung đột và mưu ích chung lâu dài.
Thế giới quen thuộc với xung đột
Thực
vậy, trong khi lời loan báo Chúa Cứu Thế giáng sinh, nguồn mạch của hòa bình
chân thực, tái vang dội quanh chúng ta, chúng ta thấy còn bao nhiêu xung đột,
khủng hoảng và mâu thuẫn. Chúng dường như không bao giờ hết và hầu như chúng ta
không còn nhận thấy điều đó nữa. Chúng ta trở nên quen thuộc với chúng đến độ
những thảm trạng vô biên xảy ra từ nay không còn được nói đến nữa; chúng ta có
nguy cơ không còn nghe thấy tiếng kêu đau khổ và tuyệt vọng của bao nhiêu anh
chị em chúng ta nữa.
Nhân dân Syria, Irak, Yemen
Chúng
ta hãy nghĩ đến nhân dân Syria, từ hơn 10 năm nay sống một cuộc chiến tranh làm
cho bao nhiêu người chết và vô số người tị nạn. Chúng ta hãy nhìn đến Irak vẫn
còn vất vả trong việc trỗi dậy sau một cuộc xung đột dài. Chúng ta hãy lắng
nghe tiếng kêu của các trẻ em vọng lên từ Yemen, nơi mà một thảm trạng vĩ đại
bị mọi người quên lãng, từ nhều năm đang diễn ra trong thinh lặng, tạo nên chết
chóc mỗi ngày.
Israel và Palestine, Liban
Chúng
ta hãy nhớ đến những căng thẳng liên tục giữa người Israel và Palestine, kéo
dài mà không có giải pháp, với những hậu quả ngày càng tệ hại hơn về xã hội và
chính trị. Chúng ta đừng quên Bethlehem, nơi Chúa Giêsu đã chào đời, đang sống
những những thời kỳ khó khăn cả về mặt kinh tế vì đại dịch, cản trở các khách
hành hương đến Thánh địa, với những hậu quả tiêu cực đối với đời sống của dân
chúng. Chúng ta hãy nghĩ đến Liban, đang đau khổ vì một cuộc khủng hoảng chưa
từng có với những hoàn cảnh kinh tế và xã hội rất đáng lo âu.
Dấu chỉ hy vọng
Nhưng
này đây, giữa đêm đen, có một dấu chỉ hy vọng! Ngày hôm nay, “tình yêu chuyển
động mặt trời và các tinh tú khác” (Par. Giáo Hội XIII, 145), như thi hào Dante
nói, đã nhập thể làm người. Ngài đến trong hình dạng con người, đã chia sẻ
những thảm kịch của chúng ta, và đã phá đổ bức tường dửng dưng lãnh đạm của
chúng ta. Trong đêm khuya giá lạnh, đôi cánh tay bé nhỏ của Ngài hướng về chúng
ta: Ngài cần mọi sự nhưng đang đến để ban cho chúng ta tất cả. Chúng ta hãy cầu
xin Ngài sức mạnh để cởi mở đối với đối thoại. Trong ngày lễ này, chúng ta hãy
khẩn xin Chúa khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta tất cả những khao khát hòa giải và
huynh đệ. Chúng ta hãy dâng lên Ngài lời khẩn nguyện của chúng ta.
Cầu cho Trung Đông, Afghanistan
Lạy
Chúa Hài Đồng, xin ban an bình và hòa hợp cho Trung Đông và toàn thế giới. Xin
nâng đỡ những người đang dấn thân trợ giúp nhân đạo cho các dân tộc buộc lòng
phải trốn chạy khỏi quê hương của họ; xin củng cố nhân dân Afghanistan, từ hơn
40 năm nay bị thử thách nặng nề vì những cuộc xung đột đã thúc đẩy nhiều người
phải bỏ nước ra đi.
Myanmar
Lạy Vua
muôn dân, xin giúp các chính quyền bình định các xã hội bị đảo lộn vì những
căng thẳng và xung khắc. Xin nâng đỡ nhân dân Myanmar, nơi mà sự bất bao dung
và bạo lực nhiều khi giáng xuống cho cả cộng đoàn Kitô và các nơi thờ phượng,
và che mất khuôn mặt hòa bình của nhân dân nước này.
Ucraina
Xin
Chúa là ánh sáng và đỡ nâng cho người đang tin tưởng và hoạt động, dù phải đi
ngược dòng, để bênh vực gặp gỡ và đối thoại, cũng như không để cho những di căn
của một cuộc xung đột ung thư tại Ucraina lan rộng.
Etiopia, Sahel, Bắc Phi, Sudan và Nam Sudan
Lạy Vua
Hòa Bình, xin Chúa giúp đỡ Etiopia tìm lại con đường hòa giải và hòa bình qua
một đối thoại chân thành, đặt lên hàng đầu những nhu cầu của dân chúng. Xin
Chúa lắng nghe tiếng kêu của nhân dân vùng Sahel đang chịu bạo lực vì nạn khủng
bố quốc tế. Xin đoái nhìn các dân tộc ở các nước Bắc Phi đang buồn sầu vì những
chia rẽ, thất nghiệp và chênh lệch kinh tế; xin thoa dịu những anh chị em đang
đau khổ vì các cuộc nội chiến tại Sudan và Nam Sudan.
Mỹ châu
Xin làm
cho các giá trị liên đới, hòa giải và sống chung hòa bình được trổi vượt trong
tâm hồn các dân tộc ở Mỹ châu, nhờ đối thoại, tôn trọng nhau và nhìn nhận các
quyền cũng như các giá trị văn hóa của mọi người.
Phụ nữ và trẻ em
Lạy Con
Thiên Chúa, xin an ủi các nạn nhân bạo lực chống phụ nữ đang lan tràn trong thời
đại dịch này. Xin Chúa ban hy vọng cho các trẻ em và thiếu niên bị nạn bắt nạt
và lạm dụng. Xin ban ơn an ủi và lòng quí mến cho những người già, nhất là
những người bị cô độc hơn. Xin ban sự thanh thản và hiệp nhất cho các gia đình,
là nơi giáo dục đầu tiên và là nền tảng của xã hội.
Khủng hoảng y tế
Lạy
Thiên Chúa-ở-cùng chúng con, xin ban sức khỏe cho các bệnh nhân và soi sáng cho
tất cả những người thiện chí tìm được những giải pháp thích hợp nhất để vượt
thắng cuộc khủng hoảng y tế và những hậu quả của nó. Xin làm cho các tâm hồn
trở nên quảng đại, để đưa những săn sóc chữa trị cần thiết, nhất là các vắc xin
cho các dân tộc túng thiếu nhất. Xin thưởng công cho tất cả những người quan
tâm và tận tụy trong việc chăm sóc các thân nhân, bệnh nhân và những người yếu
nhất.
Nạn nhân chiến tranh, di dân và tị nạn
Lạy
Chúa Hài Đồng Bethlehem, xin sớm cho bao nhiêu tù nhân của chiến tranh, các
thường dân và quân nhân, của những cuộc xung đột gần đây, và cho những người
đang bị cầm tù vì những lý do chính trị. Xin Chúa đừng để chúng con dửng dưng
trước thảm kịch của những người di dân, tị nạn và những người phải trốn chạy.
Đôi mắt của họ đang xin chúng con đừng ngoảnh mặt đi nơi khác, đừng chối bỏ
nhân tính liên kết chúng ta với nhau, nhưng coi thân phận của họ cũng là của
chúng con và đừng quên thảm kịch của họ.
Trái đất
Lạy
Ngôi Lời vĩnh cửu đã làm người vì chúng con, xin làm cho chúng con ân cần đối
với căn nhà chung của chúng con, cả căn nhà này cũng đang đau khổ vì sự cẩu thả
khi chúng con đối xử với nó, và xin thúc đẩy các chính quyền tim ra những hiệp
định hữu hiệu để các thế hệ tới đây có thể sống trong một môi trường tôn trọng
sự sống.
Anh chị
em thân mến,
Bao
nhiêu là khó khăn trong thời đại chúng ta, nhưng niềm hy vọng vẫn mạnh mẽ hơn,
vì “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta” (IS 9,5). Ngài là Lời Thiên Chúa và đã
trở nên hài nhi, chỉ có thể kêu khóc và cần mọi sự. Ngài đã muốn học nói, như
mọi hài nhi, để chúng con học cách lắng nghe Thiên Chúa, là Cha chúng ta, học
lắng nghe nhau và đối thoại như những anh chị em. Lạy Chúa Kitô, đã sinh ra cho
chúng con, xin dạy chúng con cùng tiến bước với Chúa trên những nẻo đường hòa
bình.
Xin
chúc tất cả anh lễ Giáng sinh tốt đẹp!
Sau sứ
điệp, Đức Thánh cha và mọi người đã đọc kinh Truyền tin, rồi Đức Hồng y Renato
Raffaele Martino, Trưởng Đẳng Phó tế, đã thông báo cho mọi người chủ ý của Đức
Thánh cha ban phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, với
điều kiện thường lệ là xưng tội và cầu nguyện theo ý Đức Thánh cha.
Rồi Đức
Thánh cha long trọng đọc công thức ban ơn toàn xá cho các tín hữu:
“Nhờ
lời cầu nguyện và công phúc của Đức Trinh Nữ Maria, Tổng lãnh thiên thần Micae,
thánh Gioan Tẩy Giả và các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, xin Thiên Chúa toàn
năng thương xót và, sau khi mọi tội lỗi của anh chị em được tha thứ, xin Chúa
Kitô dẫn đưa anh chị em đến sự sống đời đời”.
“Xin
Chúa toàn năng và thương xót ban cho anh chị em ân xá, sự xá giải và tha thứ
mọi tội lỗi của anh chị em, cơ hội thống hối chân thực và phong phú, một con
tim luôn thống hối và một đời sống hoán cải, ơn phúc và an ủi của Chúa Thánh
Linh, và sự kiên trì đến cùng trong các công việc lành”.
“Và xin
phúc lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần xuống trên anh
chị em và ở cùng anh chị em luôn mãi. Amen”.
Trước
khi kết thúc, Đức Thánh cha chào thăm mọi người và đặc biệt nhắc đến những
người đang đau khổ vì đại dịch, và xin mọi người cũng đừng quên cầu nguyện cho
ngài. (Rei 25-12-2021)