Kinh
Truyền Tin Với Đức Thánh cha: Sử Dụng Của Cải Là Điều Tốt Nhưng Không Nô Lệ Cho
Của Cải
Đức
Thánh cha Phanxicô | Vatican Media
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 01/08/2022
Sau một
Chúa nhật vắng mặt vì bận tông du tại Canada, trưa Chúa nhật 31 tháng Bảy năm
2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với hàng ngàn tín hữu,
tại Quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời ngày càng nắng hơn.
Đức
Thánh cha tái kêu gọi hòa bình cho Ucraina, và cám ơn chính quyền, các vị lãnh
đạo chính quyền Canada, các thủ lãnh thổ dân, các giám mục cũng như những người
đã góp phần vào chuyến hành hương thống hối của ngài tại Canada trong tuần vừa
qua.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong
bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã giải thích ý nghĩa bài
Tin mừng theo thánh Luca, đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XVIII thường niên
năm C, về vụ hai anh em tranh biện với nhau về vấn đề gia tài. Đức Thánh cha
nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong
bài Tin mừng phụng vụ Chúa nhật hôm nay, một người kia thỉnh cầu Chúa Giêsu:
“Xin Thầy nói với anh con chia gia tài cho con” (Lc 12,13). Đó là một trường
hợp rất thông thường. Những vấn đề như thế vẫn còn xảy ra thường nhật: đáng
tiếc là bao nhiêu anh chị em, bao nhiêu thành phần trong cùng một gia đình cãi
nhau, và nhiều khi không nói với nhau nữa, vì vấn đề gia tài!
Lòng tham
“Chúa
Giêsu trả lời cho người ấy. Ngài không đi vào chi tiết, nhưng đi thẳng vào cội
rễ những chia rẽ vì vấn đề sở hữu tài sản. Chúa nói: “Các con hãy tránh xa mọi
tham lam” (v.15). Lòng tham là gì? Đó là sự ham muốn của cải vô độ, ước muốn
ngày càng làm giàu. Đó là một căn bệnh hủy hoại con người, vì sự đói khát sở
hữu tạo nên sự lệ thuộc. Nhất là ai đã có nhiều thì chẳng bao giờ hài lòng:
ngày càng muốn có thêm nữa, và chỉ dành cho mình. Nhưng như thế, người ta sẽ
không còn tự do nữa: đó là sự quyến luyến, nô lệ những gì mà lẽ ra họ phải dùng
để sống tự do và thanh thản. Thay vì sử dụng tiền bạc, thì lại trở thành nô lệ
tiền bạc. Nhưng lòng tham cũng là một bệnh nguy hiểm cho xã hội: vì nó, ngày
nay ta đi tới những tình trạng nghịch lý khác, tới một bất công chưa từng có
trong lịch sử, trong đó một thiểu số sở hữu bao nhiêu của cải, trong khi bao
nhiêu người khác chỉ có một chút.
“Chúng
ta cũng hãy nghĩ đến chiến tranh và xung đột: hầu như luôn luôn có sự ham muốn
tài nguyên và của cải trong đó. Bao nhiêu lợi lộc đằng sau một cuộc chiến tranh!
Một điều chắc chắn trong số này, chính là sự buôn bán võ khí.
Đức
Thánh cha nêu nhận xét: “Ngày hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng nơi trọng
tâm của tình trạng đó, có lòng tham lam ở nơi tâm hồn mỗi người. Vậy chúng ta
hãy thử tự hỏi: tôi có dính bén, quyến luyến của cải, giàu sang hay không? Tôi
có than vãn vì điều tôi thiếu hoặc tôi có biết hài lòng với điều tôi có hay
không? Tôi có bị cám dỗ, vì tiền bạc và cơ may, để rồi hy sinh những tương quan
và thời giờ cho tha nhân hay không? Và tôi có bao giờ hy sinh sự tôn trọng luật
pháp và sự lương thiện trên bàn thờ của sự tham lam hay không? Tôi nói “bàn
thờ” ở đây vì những của cải vật chất, tiền bạc, giàu sang có thể trở thành một
sự phụng tự, một sự tôn thờ thần tượng thực sự. Vì thế, Chúa Giêsu cảnh giác
chúng ta với những lời mạnh mẽ. Ngài nói: không thể làm tôi hai chủ - chúng ta
chú ý - Ngài không nói ‘Thiên Chúa và ma quỉ’, hoặc thiện và ác, nhưng là
‘Thiên Chúa và tiền bạc’ (Xc Lc 16,13). Sử dụng của cải là điều tốt; nô lệ cho
của cải thì không: đó là thờ thần tượng, xúc phạm đến Thiên Chúa.
Giàu theo Thiên Chúa
“Chúng
ta có thể nghĩ: vậy chúng ta không được mong ước trở nên giàu có sao? Chắc chắn
là có thể, điều đúng là ước muốn như thế, trở nên giàu có là điều tốt đẹp,
nhưng là giàu có theo Thiên Chúa! Thiên Chúa giàu hơn tất cả mọi người: Ngài
giàu lòng cảm thương, thương xót. Sự giàu sang của Ngài không làm cho ai trở
nên nghèo. Đó là một sự giàu sang muốn cho đi, phân phát, chia sẻ.
“Anh
chị em, tích trữ của cải vật chất không đủ để sống tốt, vì Chúa Giêsu dạy, đời
sống không lệ thuộc điều mà ta sở hữu (Xc Lc 12,15). Trái lại, nó lệ thuộc
những tương quan tốt: với Thiên Chúa, với tha nhân và với cả những người có ít
hơn. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: phần tôi, tôi có muốn trở nên giàu hay không?
Giàu theo Thiên Chúa hay theo lòng tham của tôi? Và trở lại đề tài gia tài, gia
tài nào tôi muốn để lại? Tiền bạc trong ngân hàng, những của cải vật chất, hay
là người những người hài lòng quanh tôi, những việc tốt lành không bị quên,
những người mà tôi giúp đỡ để tăng trưởng và trưởng thành?
Và Đức
Thánh cha kết luận: “Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hiểu đâu là những thiện ích đích
thực của cuộc sống, những thiện ích trường tồn mãi mãi.”
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi
đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha cho biết ngài mới về
Roma sáng thứ Bảy 30 tháng Bảy vừa qua, sau cuộc hành hương thống hối ở Canada,
đồng thời thông báo sẽ nói nhiều về cuộc tông du này trong buổi tiếp kiến chung
sáng thứ Tư tới đây. Trong khi chờ đợi, ngài cám ơn tất cả mọi người tại
Canada, chính quyền, các thủ lãnh thổ dân, các giám mục, những người đã cầu
nguyện cho cuộc viếng thăm và góp phần tổ chức cuộc viếng thăm này.
Đức
Thánh cha cũng nói thêm rằng trong những ngày thăm Canada, ngài không ngừng cầu
nguyện mỗi ngày cho nhân dân Ucraina, bị tấn công và chịu đau khổ vì cuộc chiến
tranh từ hơn năm tháng nay, một vết thương lớn mở toang giữa lòng Âu châu. Đức
Thánh cha nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất cho cuộc chiến này là thương thuyết
với nhau để tìm giải pháp hòa bình.
Đức
Thánh cha chào thăm các nhóm hành hương, các phái đoàn từ nhiều nơi ở Ý. Sau
cùng, ngài chào mừng các tu sĩ cùng dòng Tên với ngài, nhân lễ thánh tổ phụ
Ignatio Loyola, cầu chúc họ tiếp tục tiến bước trong vui tươi. Đức Thánh cha
chúc mọi người một Chúa nhật an lành và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho
ngài.