Tiếp Kiến Chung Ngày 30/11 Của Đức Thánh Cha: Sự An Ủi Chân Thực Khẳng Định Việc Chúng Ta Đang Thi Hành Điều Chúa Muốn

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 01/12/2022

Sáng thứ Tư, 30 tháng Mười Một năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, theo thói quen hằng tuần.

Từ 8 giờ 45, Đức Thánh cha dành 15 phút, đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm khoảng 15.000 tín hữu tụ tập tại đây. Kế đó, Đức Thánh cha lên lễ đài ở thềm đền thờ, bắt đầu buổi tiếp kiến với lời chào phụng vụ và phần tôn vinh Lời Chúa.

Mọi người đã nghe đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Philipphê (Pl 1,9-11), được tám độc viên xướng lên bằng tám thứ tiếng.

“Anh em, điều tôi khẩn nguyện là xin cho lòng yêu mến nơi anh em luôn tăng trưởng thâm sâu, trong sự nhận thức và trong sự phân định viên mãn, để anh em có thể phân biệt điều gì là tốt hơn và được toàn vẹn, không có gì đáng trách, chờ ngày của Chúa Kitô, và được dư đầy hoa trái công chính, nhờ Chúa Giêsu Kitô, để vinh danh Thiên Chúa và ngợi khen Người!”

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục đề tài về sự phân định và bài thứ mười này có tựa đề: “Sự an ủi chân thực”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục suy tư của chúng ta về sự phân định, và đặc biệt về kinh nghiệm thiêng liêng gọi là “sự an ủi”, chúng ta tự hỏi: làm sao nhận ra sự an ủi chân chính? Đó là một câu hỏi rất quan trọng để thực hiện một sự phân định tốt, để không bị lừa trong việc tìm kiếm thiện ích đích thực của chúng ta.

Tiêu chuẩn để phân định sự an ủi

“Chúng ta có thể tìm một vài tiêu chuẩn trong một đoạn sách “Linh Thao” của thánh Ignatio Loyola. Đó là: Nếu trong tư tưởng của con, mọi sự là tốt lành, nguyên lý, phương tiện và mục đích, và nếu tất cả đều hướng về điều thiện, thì đó là một dấu chỉ thiên thần lành. Trái lại, có thể là trong dòng tư tưởng của con có vài điều xấu hoặc lơ đãng hay ít tốt lành hơn điều mà linh hồn trước đó muốn thực hiện, hoặc có vài điều làm suy yếu linh hồn, làm cho nó bất an, bị giao động và tước mất an bình, yên hàn và bình tâm đã có trước đó: thì đó là một dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ những tư tưởng ấy đến từ ác thần” (n.333).

Giải thích

Đó là những dấu chỉ quý giá, đáng được bình luận một chút. Nguyên lý hướng về điều thiện có nghĩa là gì? Ví dụ, tôi có ý tưởng cầu nguyện, và nhận thấy rằng kèm theo đó là lòng mến Chúa và yêu người, mời gọi thực hiện những cử chỉ quảng đại, bác ái: đó là một nguyên lý tốt. Trái lại, có thể xảy ra là tư tưởng ấy nảy sinh để tránh một công việc hoặc một trách vụ đã được ủy thác cho tôi: mỗi khi tôi phải rửa chén bắt hoặc lau nhà, thì tôi cảm thấy rất muốn cầu nguyện! Nhưng cầu nguyện không phải là một sự trốn tránh các nghĩa vụ của mình, trái lại đó là một trợ lực thực hiện điều thiện mà chúng ta được kêu gọi thực hiện, ở đây và lúc này. Đó là điều liên hệ tới nguyên lý.

Rồi đến phương tiện, nghĩa là điều đến sau, điều đi sau tư tưởng. Chúng ta tiếp tục ví dụ vừa nói, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, như người biệt phái trong dụ ngôn (Xc Lc 18,9-14), tôi cảm thấy thỏa mãn về chính mình và coi rẻ những người khác, thậm chí với một tâm hồn oán hận và chua cay, thì đó là những dấu chỉ chứng tỏ thần dữ đã dùng tư tưởng ấy như một chìa khóa để đi vào trong tâm hồn tôi và truyền cho tôi những tâm tình của hắn.

Rồi sau cùng là mục đích. Mục đích là một khía cạnh chúng ta đã gặp, nghĩa là: tư tưởng dẫn tôi tới đâu? Ví dụ có thể xảy ra là tôi tận tình dấn thân cho một công việc tốt lành và đáng công phúc, nhưng điều này thúc đẩy tôi không cầu nguyện nữa. Tôi thấy mình ngày càng hung dữ và xấu xa, tôi cho rằng mọi sự tùy thuộc tôi, đến độ không còn tín thác nơi Thiên Chúa nữa. Hiển nhiên ở đây có hành động của thần dữ.

Chúng ta biết, lối hành động của kẻ thù là xuất hiện một cách gian xảo, mang mặt nạ: nó bắt đầu từ điều chúng ta đặc biệt quan tâm để dần dần lôi kéo chúng ta về với hắn: sự ác lẻn vào một cách lén lút, mà không ai nhận thấy. Và với thời gian, sự dịu dàng trở thành cứng cỏi: tư tưởng tỏ lộ chân tướng của nó.

Vì thế, thực là điều quan trọng, không thể thiếu thái độ kiên nhẫn trong việc cứu xét nguồn gốc và sự thật về những tư tưởng của mình đó là một lời mời gọi hãy học từ kinh nghiệm, từ điều xảy ra cho chúng ta, để không tiếp tục lập lại cùng những sai lầm. Hễ chúng ta càng biết mình, thì chúng ta càng nhận thấy thần dữ đến từ đâu, những “mật khẩu” của nó, những cổng vào trong tâm hồn chúng ta, là những điểm chúng ta nhạy cảm nhất, để quan tâm đến chúng trong tương lai.

Những ví dụ

Những thí dụ có thể nêu lên rất nhiều, suy tư về những ngày của chúng ta, Vì thế, điều rất quan trọng là xét mình hằng ngày: đó là sự vất vả quý giá khi đọc lại những gì đã trải qua dưới một cái nhìn đặc biệt. Nhận thấy điều xảy ra thực là quan trọng, đó là dấu chỉ ơn thánh của Chúa đang tác động trong chúng ta, giúp chúng ta tăng trưởng trong tự do và ý thức.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “An ủi chân chính là một thứ khẳng định sự kiện chúng ta đang thi hành điều Chúa muốn chúng ta, tiến bước trên những con đường của Chúa, nghĩa là con đường sự sống, an vui. Thực vậy, sự phân định không chỉ hướng về điều thiện hoặc thiện ích tối đa có thể, nhưng về thiện ích đối với tôi ở đây và trong lúc này: tôi được kêu gọi tăng trưởng về điều đó, đặt những giới hạn cho những điều dự định khác, tuy hay và tốt nhưng không thực sự, để khỏi bị lường gạt trong việc tìm kiếm thiện ích chân thực”.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.

Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chào các tín hữu hành hương đến từ Anh quốc, Australia, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc cho họ và thân quyến một hành trình Mùa Vọng phong phú để trong dịp lễ Giáng sinh, đón tiếp Chúa Hài Đồng Giêsu là Con Thiên Chúa và là vị Vua Hòa Bình.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các đại diện của Đại học về các khoa học sự sống ở thủ đô Varsava, và quận Biala Podlaska, đang tham dự hội nghị về đề tài: “Các quyền con người trong giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II”. Đức Thánh cha nói: “Xin Đức Mẹ, Đấng đang đồng hành với chúng ta trong hành trình Mùa Vọng, đạt được cho anh chị em và mọi người hiện diện ơn được một con tim rộng mở đối với Thiên Chúa và tha nhân.”

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm nhiều nhóm khác nhau, trong đó có đoàn xiếc “Black Blues Brothers”, Các Anh Em xanh đen”, gồm năm anh em da đen, có trụ sở ở Nairobi, Kenya, đang lưu diễn ở các nơi trên thế giới và có ghé Roma. Họ đã trình bày một tiết mục nhào lộn trước Đức Thánh cha và mọi người.

Và sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nhắc đến những người cao niên, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn hiện diện tại buổi tiếp kiến, đồng thời nhắc nhở về ý nghĩa Mùa Vọng mới bắt đầu: Mùa phụng vụ này mời gọi chúng ta đi gặp Chúa đang đến, qua kinh nguyện, thống hối và việc bác ái. Ngài nói: “Anh chị em hãy chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh, qua việc chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và quảng đại đáp lại ơn thánh của Chúa.”

Lễ thánh Anrê tông đồ

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Anrê tông đồ, anh của ông Simon Phêrô, Bổn mạng Giáo hội ở Constantinople, nơi có phái đoàn Tòa Thánh đến viếng thăm, như thói quen. Tôi muốn bày tỏ lòng quý mến đặc biệt đối với người anh em yêu quý, là Đức Thượng phụ Bartolomeo I, cùng toàn thể Giáo hội Constantinople. Ước gì sự chuyển cầu của hai thánh anh em Phêrô và Anrê sớm ban cho Giáo hội được hoàn toàn hiệp nhất và an bình trên toàn thế giới, đặc biệt cho Ucraina yêu quý đang chịu đau thương, vốn luôn ở trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện của tôi”.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2022