26/01 – Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Thánh Giuse, ‘Người Mơ’ Có Khả Năng Phân Định Thánh Ý Chúa

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 26/01/2022

Lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư ngày 26 tháng Giêng năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ tư trong năm nay.

Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, đến phần tôn vinh Lời Chúa với đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (Mt 2, 19-23) được công bố bằng tám thứ tiếng:

Một thiên thần Chúa hiện ra trong giấc mơ với Giuse tại Ai Cập và nói: “Hãy trỗi dậy, mang Hài Nhi và Mẹ Người và trở về đất Israel; vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết”. Thánh Giuse trỗi dậy, mang Hài Nhi và Mẹ Người và vào đất Israel. [...].

“Rồi được báo mộng, Giuse lui về miền Galilea và đến ở một thành gọi là Nazareth”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ chín này mang tựa đề: “Thánh Giuse, người ‘mơ’.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bốn giấc mơ của thánh Giuse

Hôm nay, tôi muốn dừng lại về thánh Giuse như người mơ. Trong Kinh thánh, cũng như trong các nền văn hóa của các dân tộc cổ xưa, các giấc mơ được coi như một phương thế, qua đó Thiên Chúa mạc khải chính Ngài. Giấc mơ tượng trưng đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta, một không gian nội tâm mà mỗi người được kêu gọi vun trồng và gìn giữ, là nơi Thiên Chúa tự biểu lộ và thường nói với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải nói rằng trong mỗi người chúng ta không phải chỉ có tiếng nói của Thiên Chúa: cũng có bao nhiêu thứ tiếng khác. Ví dụ, những tiếng nói của sợ hãi, những kinh nghiệm quá khứ, hy vọng; và cũng có tiếng nói của ma quỷ muốn đánh lừa và làm cho chúng ta hoang mang. Vì thế, điều quan trọng là nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa bao nhiêu tiếng nói khác. Thánh Giuse chứng tỏ biết vun trồng sự thinh lặng cần thiết và nhất là đưa ra những quyết định đúng đắn trước Lời mà Chúa nói với thánh nhân trong nội tâm. Hôm nay, chúng ta nên lấy lại bốn giấc mơ được thuật lại trong Tin mừng với thánh Giuse, là nhân vật chính để hiểu cách đặt mình chúng ta trước mạc khải của Thiên Chúa.

1. Trong giấc mơ thứ nhất (Xc Mt 1, 18-25), thiên thần giúp thánh Giuse giải quyết thảm trạng vây bủa thánh nhân, khi được biệt Đức Maria có thai: “Đừng sợ nhận Maria hôn thê của ông. Thực vậy, hài nhi ở trong lòng Maria đến từ Thánh Linh; Maria sẽ sinh hạ một con trai và ông sẽ gọi Ngài là Giêsu: thực vậy, Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi” (vv. 20-21). Câu trả lời của thánh nhân thật là tức khắc: “Khi tỉnh dậy, Giuse đã làm như sứ thần truyền” (v.24).

Nhiều lần cuộc sống cũng đặt chúng ta trước những tình trạng mà chúng ta không hiểu và dường như không có giải pháp. Trong những lúc đó, cầu nguyện có nghĩa là để Chúa chỉ cho chúng ta điều đúng đắn phải làm. Thực vậy, nhiều khi kinh nguyện làm nảy sinh nơi chúng ta trực giác về lối thoát. Anh chị em thân mến, Chúa không bao giờ cho phép một vấn đề mà không ban cho chúng ta sự giúp đỡ cần thiết để đương đầu với vấn đề ấy”.

2. Giấc mơ mạc khải thứ hai của thánh Giuse xảy ra khi sinh mạng Chúa Hài Đồng Giêsu bị lâm nguy. Sứ điệp thật là rõ ràng: “Hãy trỗi dậy, mang Hài Nhi và Mẹ Người, và hãy trốn sang Ai Cập, ở đó cho đến khi tôi báo lại cho ông: Thực vậy, Hêrôđê muốn tìm Hài Nhi để giết” (Mt 2,13). Không chút do dự, thánh Giuse vâng lời: “Giữa đêm, thánh nhân trỗi dậy, mang Hài Nhi và Mẹ Người tị nạn sang Ai Cập, và ở lại đó cho đến khi Hêrôđê qua đời” (vv.14-15). Trong cuộc sống, chúng ta cảm nghiệm những nguy hiểm đe dọa cuộc sống của chúng ta và của những người chúng ta yêu thương. Trong những tình cảnh như thế, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe tiếng nói có thể làm nảy sinh trong chúng ta can đảm giống như thánh Giuse để đương đầu với những khó khăn mà không ngã quị.

3. Tại Ai cập, thánh Giuse đợi chờ nơi Thiên Chúa dấu hiệu để có thể trở về nhà; và đó cũng là nội dung giấc mơ thứ ba. Thiên thần tỏ lộ cho thánh nhân rằng những kẻ muốn giết Hài Nhi đã chết rồi và truyền cho thánh Giuse khởi hành với Mẹ Maria và Chúa Giêsu, trở về quê hương (Xc Mt 2,19-20). Thánh Giuse “trỗi dậy, mang Hài Nhi và Mẹ Người và trở về Israel” (v.21). Nhưng chính trong chuyến đi trở về, “khi được biết rằng tại miền Giudea, Archelao đang lên trị vì thay cha là Hêrôđê, thánh Giuse sợ không dám đến đó” (v.22), và thế là xảy ra mạc khải thứ tư:

4. “Được báo trong giấc mộng, thánh Giuse rút lui về miền Galilea và đến cư ngụ tại thành tên là Nazareth” (vv. 22-23). Cả sự sợ hãi cũng thuộc về cuộc sống và nó cũng cần kinh nguyện của chúng ta. Thiên Chúa không hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi, nhưng Chúa hứa sẽ giúp đỡ, và sợ hãi sẽ không phải là tiêu chuẩn để chúng ta quyết định. Thánh Giuse cảm thấy sợ hãi, nhưng Thiên Chúa hướng dẫn thánh nhân qua cả sự sợ hãi ấy. Sức mạnh của kinh nguyện làm cho ánh sáng được chiếu vào những tình trạng đen tối.

Trong lúc này, tôi nghĩ đến bao nhiêu người bị gánh nặng cuộc sống đè nặng và không thể hy vọng hay cầu nguyện được. Ước gì thánh Giuse có thể giúp đỡ họ cởi mở đối thoại với Thiên Chúa, để tìm lại ánh sáng, sức mạnh và sự phù trợ.

Nhưng kinh nguyện không bao giờ là một cử chỉ trừu tượng hoặc duy nội tâm, nhưng luôn luôn gắn liền không thể tách rời với đức bác ái. Chỉ khi nào chúng ta liên kết tình yêu tha nhân với kinh nguyện, chúng ta mới hiểu được các sứ điệp của Chúa. Thánh Giuse cầu nguyện và yêu mến, và vì thế, Ngài luôn nhận được những gì cần thiết để đương đầu với những thử thách của cuộc sống. Chúng ta hãy phó thác cho thánh nhân và sự chuyển cầu của ngài.

Cầu nguyện với thánh Giuse

Lạy thánh Giuse, người mơ, xin dạy chúng con phục hồi đời sống thiêng liêng như một nơi nội tâm, trong đó Thiên Chúa mạc khải và cứu vớt chúng con.

Xin cất khỏi chúng con ý nghĩ cho rằng cầu nguyện là vô ích; xin giúp mỗi người chúng con đáp ứng điều Chúa chỉ cho chúng con.

Ước gì những lý luận của chúng con được soi sáng nhờ ánh sáng của Thánh Linh, con tim chúng con được khích lệ nhờ sức mạnh của Thánh Linh và những sợ hãi của chúng con được lòng Thương Xót của Chúa cứu độ. Amen.

Chào thăm và nhắn nhủ

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha, như thường lệ, được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Trong các lời chào này, Đức Thánh cha đặc biệt nhắn nhủ mọi người cầu nguyện cho Ucraina đang ở trong hiểm họa chiến tranh.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân Shoah, cuộc diệt chủng Do thái và mời gọi tất cả mọi người cầu nguyện để những kinh hoàng như thế không tái diễn nữa. Đức Thánh cha nói: “Ngày mai, 27 tháng Giêng, là ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân Shoah. Cần nhớ đến hàng triệu người Do thái và những người thuộc các quốc tịch và tín ngưỡng khác. Không được tái diễn sự tàn ác khôn tả như thế. Tôi kêu gọi tất cả mọi người, nhất là các nhà giáo dục và các gia đình hãy giúp các thế hệ trẻ ý thức về sự kinh hoàng của trang sử đen này trong lịch sử. Trang sử đó không thể bị quên lãng, để có thể kiến tạo một tương lai trong đó phẩm giá con người không còn bị chà đạp nữa”.

Đức Thánh cha cũng đặc biệt chào các lính cứu hỏa ở thành Potenza, nam Ý và các đại diện của Liên hiệp toàn quốc Ý bóng đá hạng B.

Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm những người cao niên, bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở họ về lễ thánh Timôthê và Titô, môn đệ của thánh Phaolô tông đồ, hai vị đã loan báo Tin mừng hăng say không biết mệt mỏi. Đức Thánh cha nói: “Ước gì gương của các ngài khích lệ anh chị em sống hợp với ơn gọi Kitô, tìm được nơi Chúa sức mạnh để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.”

Và trước khi cùng mọi người đọc kinh Lạy Cha, Đức Thánh cha cũng mời gọi cầu cho hòa bình tại Ucraina như đã nói bằng bằng các thứ tiếng trước đó.

Đức Thánh cha cho các tín hữu biết vì ngài đau ở chân phải, bị viêm, nên không thể tiến qua các hàng để chào thăm họ như mọi khi. Ngài cũng nói rằng: “Người ta bảo bệnh này xảy ra cho những người già, vì thế tôi không biết tại sao nó xảy ra cho tôi!” Vì thế, tôi sẽ ngồi tại một ghế giữa và các đôi tân hôn những như những người được sắp xếp để chào tôi, tiến qua trước mặt để tôi chào thăm họ”.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2022