Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Sự Hiệp Thông Các Thánh Giữ Cho Cộng Đoàn Các Tín Hữu Ở Với Nhau Trên Trái Đất Cũng Như Ở Trên Trời

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 02/02/2022

https://www.youtube.com/watch?v=1xltd3iyy6k (11phut vie)

Lúc quá 9 giờ sáng, thứ Tư ngày 02 tháng Hai năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 500 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ năm trong năm nay (2022).

Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, đến phần tôn vinh Lời Chúa với bài đọc đoạn thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Corinto (1 Cr 12,12-13):

[Anh em], như thân thể chỉ có một nhưng có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể của thân mình, tuy nhiều, nhưng là một thân thể, cũng vậy đối với Chúa Kitô. Thực vậy, tất cả chúng ta đã được chịu phép rửa nhờ một Thần Trí duy nhất trong cùng một thân mình, dù là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do; và tất cả chúng ta được giải thoát ngờ cùng một Thần Trí duy nhất”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ mười này mang tựa đề: “Thánh Giuse và cộng đồng hiệp thông các thánh”, hay là “Các thánh Thông công”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những tuần lễ này, chúng ta đã có thể đào sâu chân dung thánh Giuse, để cho mình được hướng dẫn nhờ một vài thông tin, tuy ít nhưng quan trọng, được các sách Tin mừng trình bày, và nhờ những khía cạnh trong nhân cách của Chúa mà Giáo hội, qua các thế kỷ, đã có thể nêu bật qua kinh nguyện và lòng sùng mộ. Chính nhờ khởi hành từ “cảm thức chung” này mà trong lịch sử Giáo hội, có sự đồng hành của chân dung thánh Giuse. Hôm nay, tôi muốn dừng lại nơi một tín điều quan trọng có thể làm cho cuộc sống Kitô của chúng ta trở nên phong phú và cũng có thể xác định một cách tốt đẹp hơn tương quan của chúng ta với các thánh, cũng như với những người thân yêu qua đời: tôi nói về sự hiệp thông của các thánh.

Tất cả phải qui hướng về Chúa Kitô

Đôi khi cả Kitô giáo cũng có thể rơi vào những hình thức sùng mộ dường như phản ánh não trạng ngoại giáo hơn là Kitô giáo. Sự khác biệt cơ bản hệ tại điều này, là kinh nguyện và lòng sùng mộ của các tín hữu không dựa trên lòng tín thác nơi một người, nhưng hoặc trên một hình ảnh hoặc một đồ vật, cả khi chúng ta biết rằng những vật ấy là thánh thiêng. Ngôn sứ Giêrêmia nhắc nhở chúng ta rằng: “Khốn cho người tín thác nơi con người, [...] phúc cho người tín thác nơi Chúa” (17,5-7). Thậm chí, khi chúng ta tín thác hoàn toàn nơi sự chuyển cầu của một vị thánh, hoặc cả Đức Mẹ Maria, lòng tín thác của chúng ta chỉ có giá trị trong tương quan với Chúa Kitô. Và tương quan liên kết chúng ta với Chúa và giữa chúng ta có một tên đặc thù là “Cộng đồng hiệp thông của các thánh”. Không phải các thánh làm những phép lạ, nhưng chỉ là ơn thánh của Chúa tác động qua các vị.

Ý nghĩa Cộng đồng hiệp thông của các thánh

Vậy, “Cộng đồng hiệp thông của các thánh” có nghĩa là gì? Sách giáo lý của Hội thánh Công giáo khẳng định rằng: “Cộng đồng hiệp thông của các thánh chính là Giáo hội” (n. 946). Điều này có nghĩa là gì? Phải chăng là Giáo hội được dành cho những người hoàn hảo? Không phải vậy. Nó có nghĩa là cộng đoàn “những người có tội được cứu thoát”. Sự thánh thiện của chúng ta là kết quả tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ trong Chúa Kitô. Ngài thánh hóa chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta trong sự lầm than của chúng ta và cứu chúng ta khỏi sự lầm than ấy. Chính nhờ Chúa mà chúng ta họp thành một thân thể duy nhất, như thánh Phaolô dạy, trong thân xác ấy Chúa Giêsu là Đầu và chúng ta là các chi thể (Xc 1 Cr 12,12). Hình ảnh này của thân xác giúp chúng ta hiểu ngay được liên kết với nhau trong tình hiệp thông có nghĩa là gì: “Nếu một chi thể đau -như thánh Phaolô đã viết - thì tất cả các chi thể đều cùng đau; và nếu một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể khác cũng vui mừng với chi thế ấy. Giờ đây, anh chị em là thân mình của Chúa Kitô, và mỗi người theo phần của mình, là chi thể của Chúa” (1 Cr 12,26-27).

Các tín hữu có liên hệ với nhau

Anh chị em thân mến, niềm vui và đau khổ động chạm đến cuộc sống của tôi cũng liên hệ tới tất cả mọi người. Cũng vậy, niềm vui và đau khổ nơi cuộc sống của người anh em, chị em ở cạnh chúng ta cũng liên hệ tới chúng ta. Theo nghĩa đó, cả tội lỗi của một người cũng luôn liên hệ tới tất cả mọi người, và tình thương của mỗi người liên quan tới tất cả. Nhân danh sự hiệp thông của các thánh, mỗi chi thể của Giáo hội gắn liền với tôi một cách sâu xa, và sự liên hệ này mạnh đến độ không thể bị cắt đứt kể cả bằng cái chết. Thực vậy, sự hiệp thông của các thánh không phải chỉ liên hệ tới các anh chị em ở cạnh tôi, trong lúc này, nhưng có liên quan tới cả những người đã kết thúc cuộc lữ hành trên trần thế này và bước qua ngưỡng cửa sự chết. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy suy nghĩ: trong Chúa Kitô, không ai có thể thực sự tách rời chúng ta khỏi những người chúng ta yêu mến; chỉ thay đổi cách thức ở với họ, nhưng không điều gì và không ai có thể cắt đứt mối liên hệ ấy. Sự hiệp thông các thánh giữ cho cộng đoàn các tín hữu ở với nhau trên trái đất cũng như ở trên trời.

Hiệp thông với các thánh trên trời

Theo nghĩa đó, tương quan thân hữu mà tôi có thể xây dựng với một người anh chị em ở cạnh tôi, tôi có thể thiết lập với một anh chị em ở trên trời. Các thánh là những bạn hữu mà nhiều khi chúng ta liên kết những mối liên hệ thân hữu. Điều mà chúng ta gọi là lòng sùng mộ, trong thực tế là cách thức biểu lộ tình thương từ chính mối liên hệ chúng ta với nhau. Và tất cả chúng ta biết rằng chúng ta luôn có thể ngỏ lời với một người bạn, nhất là khi khi chúng ta gặp khó khăn và chúng ta cần được giúp đỡ. Tất cả chúng ta đều cần bạn hữu; tất cả chúng ta đều cần những tương quan ý nghĩa giúp chúng ta đương đầu với cuộc sống. Cả Chúa Giêsu cũng có các bạn hữu của Ngài và Ngài ngỏ lời với họ trong những lúc quyết định nhất kinh nghiệm nhân trần của Ngài.

Trong lịch sử Giáo hội cũng có những yếu tố thường hằng đồng hành với cộng đoàn tín hữu: trước tiên là lòng quí mến và mối liên hệ rất mạnh mẽ Giáo hội luôn có đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Nhưng cả vinh dự đặc biệt và lòng kính mến đối với thánh Giuse. Xét cho cùng, Thiên Chúa đã ủy thác cho thánh Giuse những gì quí giá nhất Người có, đó là Chúa Giêsu, Con của Người và Đức Trinh Nữ Maria. Chính luôn nhờ sự hiệp thông của các thánh mà chúng ta cảm thấy gần gũi với các thánh nam nữ, là những vị bổn mạng của chúng ta, qua tên mà chúng ta mang, nhờ Giáo hội mà chúng ta thuộc về, và vì nơi chúng ta cư ngụ, v.v. Và chính lòng tín thác này phải luôn linh hoạt chúng ta, khi tìm đến các ngài trong những lúc quyết định của đời sống chúng ta.

Cầu nguyện với thánh Giuse

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Chính vì thế, tôi muốn kết thúc nơi đây bài giáo lý này với một kinh nguyện dâng lên thánh Giuse mà tôi cảm thấy đặc biệt gắn bó và tôi đọc mỗi ngày từ mấy chục năm nay. Đây là kinh tôi tìm thấy trong một cuốn sách kinh của các nữ tu dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, hồi cuối thế kỷ XVIII. Đó là một kinh rất đẹp:

“Lạy thánh Cả Giuse vinh hiển, quyền bính của ngài làm cho những điều không thể trở thành điều có thể, xin đến giúp con trong lúc lo âu và khó khăn này. Xin đón nhận, dưới sự bảo vệ của ngài, những tình cảnh rất trầm trọng và khó khăn mà con phó thác cho thánh nhân để chúng được giải quyết tốt đẹp. Lạy cha yêu thương của con, con hoàn tín thác nơi cha. Ước gì không ai nói được con đã cầu khẩn ngài mà không được gì, vì cha có thể làm mọi sự nơi Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin tỏ cho con lòng từ nhân của ngài lớn lao cũng như quyền năng của ngài. Amen”.

Chào thăm và nhắn nhủ

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha, như thường lệ, được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở họ rằng ngày 02 tháng Hai là lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, theo truyền thống chúng ta cử hành Ngày Đời sống thánh hiến. Đức Thánh cha nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả các anh chị em tu sĩ nam nữ của chúng ta đã tận hiện cuộc đời cho Chúa Kitô và Giáo hội, dấn thân trong việc loan báo Tin mừng, trong việc giáo dục, bác ái và trong bao nhiêu lãnh vực mục vụ. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để cho thêm những ơn gọi mới sống đời thánh hiến.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các linh mục đang tham gia khóa học do Đại học Thánh Giá của Giám hạt tòng nhân Opus Dei, tổ chức, ca đoàn “Tau” của các nữ tu Phan Sinh thừa sai người nghèo.

Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm những người cao niên, các bạn trẻ và các đôi tân hôn. Ngài cũng nhắc đến lễ Dâng Chúa vào Đền thờ Jerusalem. Từ mầu nhiệm này nảy sinh một sứ điệp cho tất cả mọi người: Chúa Kitô tự đề nghị như mẫu gương về sự dâng hiến cho Chúa Cha, qua sự quảng đại đó, Chúa chỉ cho thấy rõ cần phải gắn bó với thánh ý Thiên Chúa và phục vụ anh chị em.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 2, 2022