Kinh
Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Người Môn Đệ Chúa Giêsu Tìm Niềm Vui Trong Những
Hồng Ân Họ Lãnh Nhận Mỗi Ngày
Photo:
Vatican Media
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 13/02/2022
Trưa Chúa nhật, ngày 13 tháng Hai năm 2022, Đức
Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 5.000 tín hữu,
tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài tái lên tiếng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện
cho hòa bình tại Ucraina.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong
bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin
mừng theo thánh Luca (Lc 6,20-23), đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ VI mùa
thường niên năm C, nói về các Mối Phúc thật.
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Nơi
trung tâm bài Tin mừng phụng vụ hôm nay có các Mối Phúc (Xc Lc 6,20-23). Một
điều hay cần ghi nhận là Chúa Giêsu, tuy có đám đông ở quanh, nhưng Ngài công
bố các Mối Phúc đó “hướng về các môn đệ” (v.20). Thực vậy, các Mối Phúc xác
định căn tính người môn đệ của Chúa Giêsu. Những Mối Phúc ấy có thể có vẻ lạ,
hầu như không thể hiểu nổi đối với người không phải là môn đệ; trong khi đó nếu
chúng ta tự hỏi môn đệ của Chúa Giêsu là thế nào, câu trả lời chính là các Mối
Phúc. Chúng ta hãy xem Mối Phúc thứ nhất, là căn bản của các mối khác: “Phúc
cho các con là những người nghèo, vì Nước Trời là của các con” (v.20). “Phúc
cho các con, những người nghèo”. Hai điều Chúa Giêsu nói về các môn đệ của
Ngài: họ là những người có phúc và là người nghèo; họ có phúc vì là những người
nghèo.
Ý nghĩa Mối Phúc
Theo
nghĩa nào? Theo nghĩa, người môn đệ Chúa Giêsu không tìm niềm vui của mình
trong tiền bạc hoặc trong những của cải vật chất khác, nhưng trong những hồng
ân họ lãnh nhận mỗi ngày từ Thiên Chúa: sự sống, thiên nhiên, các anh chị em,
v.v. Cả các của cải họ có, họ cũng vui lòng chia sẻ chúng, vì họ sống theo tiêu
chuẩn của Thiên Chúa là sự nhưng không. Sự nghèo khó ấy cũng là một thái độ đối
với ý nghĩa cuộc sống: người môn đệ Chúa Giêsu không nghĩ đến việc sở hữu nó,
không nghĩ mình đã biết mọi sự rồi, nhưng biết mình phải học hỏi mỗi ngày. Vì
thế, họ là một người khiêm tốn, cởi mở, xa lạ đối với những thành kiến và sự
cứng nhắc.
Gương của thánh Phêrô
Có một
ví dụ thật đẹp trong Tin mừng Chúa nhật tuần trước: Simon Phêrô, một ngư phủ
lành nghề, nhưng đã đón nhận lời mời của Chúa Giêsu và thả lưới vào một giờ bất
thường; và rồi, đầy kinh ngạc vì mẻ cá lạ lùng. Phêrô bỏ thuyền và mọi sự để
theo Chúa. Trái lại, ai quá quyến luyến với những ý tưởng riêng và những chắc
chắn của mình, thì khó lòng theo Chúa Giêsu. Có thể là họ nghe Ngài, nhưng
không theo Ngài. Và thế là họ lâm vào tình trạng buồn sầu. Họ buồn vì không
thành công, vì thực tại vuột khỏi những khuôn khổ tâm trí của họ và họ cảm thấy
không được mãn nguyện. Trái lại, người môn đệ biết đặt mình ở trong tình trạng
bị đặt vấn đề, biết khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa mỗi ngày, và khi điều này
giúp họ được tập luyện trong thực tại, đón nhận sự phong phú và sự phức tạp của
nó.
Chấp nhận sự nghịch lý của các Mối Phúc
Nói
khác đi, người môn đệ chấp nhận cái nghịch lý của các Mối Phúc: các Mối Phúc
này tuyên bố rằng người hạnh phúc, nghĩa là người sung sướng, chính là người
nghèo, người thiếu thốn bao nhiêu sự và nhìn nhận điều đó. Xét về mặt con
người, chúng ta có xu hướng nghĩ một cách khác: hạnh phúc cho ai giàu sang, đầy
dư của cải, người được hoan hô và được mọi người ghen tương. Trái lại, Chúa
Giêsu tuyên bố sự thành công thế tục là thất bại, xét vì nó dựa trên một sự ích
kỷ thổi phồng và để cho tâm hồn trống rỗng. Đứng trước nghịch lý của các Mối Phúc,
người môn đệ để cho mình bị “khủng hoảng”, với ý thức rằng Thiên Chúa không
phải là vị phải theo những lôgíc của chúng ta nhưng chính chúng ta phải theo
các lôgíc của Ngài. Điều này đòi phải có một hành trình nhiều khi vất vả, nhưng
luôn có niềm vui đi kèm. Vì chúng ta hãy nhớ rằng lời đầu tiên của Chúa Giêsu
là “Phúc”. Điều này đồng nghĩa với bản chất môn đệ Chúa Giêsu. Khi giải thoát
chúng ta khỏi sự nô lệ thái độ ích kỷ coi mình là trung tâm, Chúa tháo gỡ những
đóng kín của chúng ta, giải tỏa sự cứng cỏi của chúng ta, mở ra cho chúng ta
hạnh phúc chân thực, nhiều khi nó ở trong chúng ta mà chúng ta không nghĩ tới.
Để cho các Mối Phúc gọi hỏi chúng ta
Vậy
chúng ta có thể tự hỏi: tôi có sẵn sàng như một môn đệ hay không? Hoặc tôi cư
xử một cách cứng nhắc của người cảm thấy mình ở đúng chỗ rồi, tốt đẹp, thành
đạt rồi? Tôi có để mình bị cảm thấy “xôn xao trong nội tâm”, vì sự nghịch lý
của các Mối Phúc hay tôi tiếp tục ở trong khuôn khổ các ý tưởng của tôi? Và
rồi, đi xa hơn những vất vả và những khó khăn, tôi có cảm thấy niềm vui theo
Chúa Giêsu hay không? Nét nổi bật của người môn đệ là: niềm vui trong tâm hồn.
Rồi Đức
Thánh cha kết luận: Xin Đức Mẹ, là môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống
như những môn đệ cởi mở và vui tươi.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau khi
đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha nhắc đến những
tin tức đang gây lo âu về tình hình căng thẳng tại Ucraina và ngài mời gọi các
tín hữu, trong thinh lặng, cầu nguyện cho các vị hữu trách tìm ra giải pháp ôn
hòa cho tình trạng này.
Liên
bang Nga dồn hơn một trăm ngàn quân tập trận ở vùng biên giới. Mỹ cũng đưa quân
tới Ucraina và các nước đồng minh láng giềng. Mỹ báo động rằng Nga có thể tấn
công Ucraina bất cứ lúc nào, trong khi Nga bảo Mỹ hốt hoảng và nói mình không
muốn chiến tranh.
Sau
cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma, Ý và từ nhiều
nước khác, đặc biệt là một đoàn từ Bồ Đào Nha. Ngài chúc mọi người một Chúa
nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.