Tôn
Giáo Trong Chiến Cuộc Tại Ucraina
Trong
số những lý do Tổng thống Vladimir Putin viện dẫn, qua diễn văn dài trên đài
truyền hình Nga chiều tối ngày 21/2 để chuẩn bị và biện minh cho cuộc tấn công
vào Ucraina từ ngày 24/2 vừa qua, ngoài những lý do chính trị và quân sự, còn
có lý do tôn giáo, gọi là để “bênh vực Giáo Hội Chính Thống Nga tại Ucraina bị
chế độ của tổng thống Zelenskyy áp bức”. Thực tế như thế nào?
Caritas Balan giúp những người di tản
Ucraina (24/01/2022)
G. Trần Đức Anh O.P – Vatican News 26 tháng hai 2022
Tôn
giáo tại Ucraina
Trong
số 41 triệu dân tại Ucraina hiện nay có khoảng 60% là tín hữu Chính Thống.
Trước đây phần lớn các tín hữu này là Chính Thống Nga và thuộc quyền tọa Thượng
Phụ Mascơva, nhưng sau khi Liên xô tan rã và Ucraina độc lập từ năm 1991, Đức
TGM Filaret ở Kiev đã cổ võ thành lập Chính Thống Ucraina độc lập, tuyên bố
tách rời khỏi tòa Thượng Phụ Mascơva từ năm 1992, và vì thế bị Tòa Thượng Phụ
phạt vạ tuyệt thông.
Đức
Thượng Phụ Bartolomaios, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, là vị đứng đầu
các Thượng Phụ Chính Thống giáo, trong nhiều năm trời, đã tìm cách đưa 3 cộng
đoàn Chính Thống tại Ucraina hiệp nhất với nhau nhưng không thành công. Tổng
thống Petro Peroshenko tìm cách đẩy mạnh việc nâng Giáo Hội Chính Thống Ucraina
thành một Giáo Hội độc lập giống như 14 Giáo Hội Chính Thống khác trên thế
giới. Năm 2018, ông đích thân đến Istanbul để thỉnh cầu Đức Thượng Phụ
Bartolomaios nhìn nhận sự độc lập của Chính Thống Ucraina mặc dù có sự chống
đối mạnh mẽ của tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva, vì Giáo Hội này vẫn coi
Ucraina là lãnh thổ của mình theo giáo luật. Đức Thượng Phụ đã đáp ứng yêu cầu
này và ngày 6/1/2019 đã trao sắc lệnh (Tomos) cho các vị lãnh đạo Chính Thống
Ucraina nhìn nhận sự độc lập (autocephalia). Chính Thống Nga coi việc làm của
Đức Thượng Phụ Bartolomaios là trái với giáo luật Chính Thống và cắt đứt sự
hiệp thông với Chính Thống Constantinople và coi là “ly giáo”.
Ngoài
Chính Thống giáo, tại Ucraina còn có Giáo Hội Công Giáo Ucraina nghi lễ Đông
phương. Giáo Hội này tách rời khỏi Chính Thống Nga năm 1595, hiệp nhất với Tòa
Thánh và vẫn giữ nguyên phụng vụ và truyền thống Bizantine. Cộng đoàn này hiện
có khoảng 5 triệu tín hữu trên thế giới. Thêm vào đó có khoảng 800 ngàn tín hữu
Công Giáo Latinh gồm 6 giáo phận, đa số là người gốc Ba Lan.
“Chính
Thống Nga ở Ucraina bị bách hại”
Trong
diễn văn truyền hình ngày 21/2 vừa qua, Tổng thống Putin nói rằng: “Tại thủ đô
Kiev, họ (chính quyền Ucraina) đang chuẩn bị những hành động bạo lực chống Giáo
Hội Chính Thống Ucraina thuộc tòa Thượng Phụ Mascơva” và nhà cầm quyền Ucraina
đang biến thảm trạng chia rẽ của Giáo Hội thành một công cụ phục vụ cho chính
sách của Nhà Nước. Có những dự luật nhắm vào hàng giáo sĩ và hàng triệu tín hữu
thuộc tòa Thượng Phụ Mascơva đã được đệ trình quốc hội ở thủ đô Kiev. Kiev
không đáp lại những lời kêu gọi loại bỏ những luật vi phạm quyền của các tín
hữu.”
Những
lập trường khác nhau
Trong
những tuần lễ căng thẳng trước khi xảy ra cuộc tấn công của quân đội Nga vào
Ucraina, người ta thấy những lập trường khác nhau của các vị lãnh đạo tôn giáo:
Chính
Thống Mascơva dĩ nhiên ủng hộ lập trường của Tổng thống Putin, Giáo Hội Chính
Thống Ucraina độc lập ủng hộ lập trường của tổng thống Zelenskyy, cũng như Giáo
Hội Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương. Còn Giáo Hội Chính Thống Nga tại
Ucraina ban đầu im lặng, và chỉ sau khi chiến tranh bùng nổ ngày 24/2 mới mạnh
mẽ lên án chiến tranh. Giáo Hội Công Giáo Latinh, một thiểu số bé nhỏ thì cũng
lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình.
Tòa
Thượng Phụ Chính Thống Mascơva
Khi
chiến tranh bùng nổ, Đức Thượng Phụ Kirill, Giáo Chủ Chính Thống Nga, cũng bày
tỏ lo âu vì chiến tranh của Nga tại Ucraina, và tuyên bố rằng:
“Trong
tư cách là thượng phụ và giáo chủ của toàn Giáo Hội tại Nga, với các đoàn chiên
tại Nga, Ucraina và các nước khác, tôi cảm thương sâu xa đối với những người bị
thương tổn vì bất hạnh này”.
Đức
Thượng Phụ Kirill cũng kêu gọi các phe lâm chiến “hãy làm mọi sự để tránh tạo
nên những nạn nhân nơi các thường dân. Tất cả các giáo sĩ và giáo dân hãy giúp
đỡ những người bị thương tổn, trong đó có những người tị nạn, vô gia cư, những
người không có kinh kế”. Ngài cũng nhắc lại rằng dân tộc Nga và dân tộc Ucraina
liên kết với nhau qua lịch sử bao thế kỷ, bắt đầu từ biến cố nước Nga chịu phép
rửa qua Thánh Đại Quận công thành Kiev (cách đây hơn 10 thế kỷ) Đức Thượng Phụ
Kirill hy vọng sự hiệp thông đó, do Chúa ban, sẽ giúp vượt thắng những căng
thẳng và xung khắc đã đưa tới cuộc xung đột hiện nay”.
Trước
đó, các vị lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Nga giữ im lặng trước tình trạng leo
thang trong cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina. Hôm thứ tư 23/2, Đức Thượng Phụ
Kirill đã nhiệt liệt chúc mừng tổng thống Vladimir Putin nhân ngày “Các chiến
binh bảo vệ tổ quốc”, nhưng không nhắc gì đến Ucraina, và đồng thời nồng nhiệt
ca ngợi những người đang thi hành trách nhiệm quân sự, canh chừng biên giới của
tổ quốc và quan tâm tăng cường khả năng bảo vệ và an ninh của đất nước”.
Chính
thống Ucraina độc lập
Về phần
Đức TGM Epifaniy của tổng giáo phận Kiev, Thủ lãnh Giáo Hội Chính Thống Ucraina
độc lập, đã phổ biến một sứ điệp sáng ngày 24/2 cho các tín hữu sau khi quân
đội Nga xâm chiếm nước này.
Ngài
gọi đây là một tấn công vô cớ gây ra, có tính chất “ma quái” và bất chấp mọi
sự, do Nga và Belarus chống lại Ucraina, đồng thời kêu gọi dân chúng đừng hốt
hoảng. Đức TGM bày tỏ tin tưởng nơi quân đội Ucraina, kêu gọi những chiến sĩ ở
tiền tuyến hãy cầu nguyện với thánh ca “Akathistos” xin sự chuyển cầu của Đức
Mẹ Maria.
Công
Giáo Ucraina nghi lễ Đông phương
Về phần
Đức TGM Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ đông
phương, ngài bày tỏ sự sát cánh của Giáo Hội Công Giáo Ucraina với dân tộc của
mình và mời gọi mọi người hiệp với ngài và toàn dân Ucraina cầu nguyện để
Ucraina được gìn giữ chống lại cuộc gây hấn bất công.
Trước
đó, sau khi Tổng thống Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của hai cộng hòa tự
xưng Donetsk và Luhansk ở miền đông Nga, Đức TGM trưởng Shevchuk đã công bố
tuyên ngôn nói rằng “việc nhìn nhận này là một thách đố nghiêm trọng và là một
đe dọa cho toàn thể cộng đồng quốc tế cũng như cho công pháp quốc tế. Và vì
thế, nay là lúc liên kết toàn thể nỗ lực của chúng ta để bảo vệ nền độc lập, sự
toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia Ucraina. Nghĩa vụ và trách nhiệm của
toàn thể nhân loại là ngày hôm nay phải dấn thân để phòng ngừa chiến tranh và
bảo vệ hòa bình công chính... Chúng ta sẵn sàng bảo vệ và chiến đấu trung thành
cho hòa bình”.
Lập
trường của Tòa Thánh
Giữ
thái độ đứng giữa các phe, Tòa Thánh có một lập trường bao quát và trung dung
hơn. Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 23/2. ĐTC bày tỏ đau
buồn và nói: “Mặc dù có những cố gắng ngoại giao trong những tuần lễ gần đây,
nhưng hiện nay đang mở ra những cảnh tượng ngày càng đáng báo động hơn. Cũng
như tôi, bao nhiêu người trên toàn thế giới, đang cảm thấy âu lo. Một lần nữa
hòa bình của tất cả mọi người lại bị đe dọa vì những lợi lộc phe phái. Tôi muốn
kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm chính trị, hãy nghiêm túc xét mình
trước mặt Chúa, là Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của chiến tranh; là
Cha của tất cả mọi người, chứ không phải của riêng người nào, Chúa muốn chúng
ta là anh chị em của nhau, chứ không phải là kẻ thù...”
Rồi ĐTC
mời gọi tất cả mọi người hãy cử hành Ngày ăn chay cho hòa bình vào 2/3 thứ Tư
lễ tro.
Khi
chiến tranh bùng nổ sáng ngày 24/2, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa
Thánh, kêu gọi những ai đang nắm giữ vận mệnh thế giới giúp tránh những kinh
hoàng của chíến tranh. Thông cáo nhắc lại một số điểm trong lời kêu gọi của
ĐTC, không nêu đích danh Nga và nhận xét rằng: “Những cảnh tượng thê thảm mà
tất cả chúng ta đều e sợ rất tiếc là nay đang trở thành sự thực. Nhưng vẫn còn
thời giờ cho thiện chí, còn chỗ cho việc thương thuyết, vẫn còn chỗ để thực thi
khôn ngoan ngăn cản sự lấn át của những lợi lộc phe phái, bảo vệ những khát
vọng hợp pháp của mỗi người và tránh cho thế giới khỏi sự điên rồ và khủng
khiếp của chiến tranh. Các tín hữu chúng ta không mất hy vọng về một tia sáng
lương tâm của những người đang nắm giữ vận mệnh của thế giới”.
Hai
thông cáo trên đây cho thấy Tòa Thánh ngầm trách cứ cả phía Nga lẫn Mỹ và các
đồng minh Nato đều theo đuổi lợi lộc riêng của phe mình: Nga lo sợ cho an ninh
trước sự “bành trướng” của khối Nato bao vây Nga, trong khi Mỹ và các đồng minh
muốn kiếm thêm “đồng minh” mới như Ucraina để bành trướng thế lực.