Giáo
Hội Công Giáo Malta Trước Ngưỡng Cửa Cuộc Viếng Thăm Của Đức Thánh Cha
Cuối
tuần này Đức Thánh Cha sẽ lên đường viếng thăm Cộng hoà Malta trong hai ngày 2
và 3/4/2022. Với 85% dân số là Công giáo, Giáo hội Công giáo Malta là một Giáo
hội mạnh mẽ trong đời sống đạo và xã hội. Tuy nhiên, Giáo hội cũng phải đối mặt
với nhiều thách đố khác nhau như truyền giáo bằng đời sống đức tin, khủng hoảng
đời sống hôn nhân gia đình, vấn đề sinh học, tình trạng nghèo khổ và vấn đề
người nhập cư.
Hồng Thủy –
Vatican News 29 tháng ba 2022
Chuyến
viếng thăm Malta của Đức Thánh Cha đã được lên kế hoạch từ 2 năm trước, vào
cuối tháng 5/2020, nhưng do đại dịch Covid-19 bùng phát nên đến bây giờ Đức
Thánh Cha mới có thể thực hiện chuyến viếng thăm.
Khẩu
hiệu và logo của chuyến viếng thăm
Khẩu
hiệu của chuyến viếng thăm là câu Kinh Thánh trích từ sách Công vụ Tông đồ: “Họ đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo
hiếm có” (Cv 28,29).
Logo có
hình những bàn tay chắp lại hướng về Thánh giá, trên một con tàu trôi nổi giữa
các ngọn sóng. Những bàn tay diễn tả sự đón tiếp của Kitô hữu dành cho tha nhân
và sự trợ giúp đối với những người gặp khốn khó, bị bỏ rơi cho số phận. Con tàu
nhắc lại sự kiện đắm tàu của thánh Phaolô trên đảo Malta (x. Cv 27,27-44) và sự
đón tiếp của người dân Malta dành cho thánh tông đồ và những người bị đắm tàu
(x. Cv 28,1-10).
Đức
Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng thứ ba thăm Malta trong 30 năm nay.
Thánh Gioan Phaolô II đã thăm Malta hai lần vào các năm 1990 và
2001, chặng cuối cùng trong “Cuộc hành hương Năm Thánh theo bước thánh
Tông đồ Phaolô”, và ngài đã tuyên phong chân phước cho cha Dun
George Preca, sơ Adeodata Pisani và chân phước Nazju Falzon. Đức Biển Đức
thăm Malta một lần vào tháng 4/2010, nhân kỷ niệm 1950 năm thánh Phaolô đắm tàu
ở Malta.
Nước
Malta
Cộng
hoà Malta là một quần đảo nằm ở miền Trung-Nam Địa Trung Hải, giữa bờ biển
Sicilia của Ý và bờ biển Tunisia, gồm các đảo Malta, Gozo, Comino và các đảo
nhỏ khác, có thủ đô là La Valletta. Malta có diện tích 316 km2 với 478
ngàn dân thuộc các nhóm sắc tộc chính như Malta (96%), người Anh (2%) và các
sắc tộc khác (2%). Các ngôn ngữ chính thức của Malta là tiếng Malta và tiếng
Anh. Số tín hữu Công giáo tại Malta chiếm 85%.
Mặc dù
là một quốc gia có diện tích nhỏ bé nhưng Malta lại luôn có tầm quan trọng nổi
bật, trên hết là vì vị trí chiến lược quan trọng của nó ở trung tâm Địa Trung
Hải. Là thuộc địa của Anh từ năm 1800, đến ngày 21/9/1964 Malta trở thành quốc
gia độc lập trong Khối thịnh vượng chung, và từ ngày 13/12/1974, nó trở thành
một nước cộng hòa nghị viện. Kể từ khi độc lập, hai đảng chính đã luân phiên
nắm quyền: Đảng Lao động (MPL) và Quốc dân Đảng (PN).
Malta
gia nhập Liên minh Châu Âu vào năm 2004 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Chủ tịch
Nghị viện Châu Âu hiện nay là người Malta, bà Roberta Metsola. Là một quốc gia
có truyền thống Công giáo lâu đời, Malta là quốc gia châu Âu duy nhất không hợp
pháp hoá việc phá thai, trong khi ly hôn đã được hợp pháp hóa vào năm 2011.
Trong
một thời gian dài kinh tế của Malta có thu nhập đáng kể từ sự hiện diện của căn
cứ quân sự Anh. Sau khi căn cứ này bị đóng cửa hoàn toàn vào năm 1979, kinh tế
của Malta chủ yếu dựa vào các hoạt động liên quan đến cảng của thủ đô Valletta,
cũng như du lịch phát triển mạnh và các dịch vụ tài chính.
Với vị
trí địa lý nằm giữa tuyến đường giữa Libya và Ý, trong những năm gần đây Malta
đã phải đối mặt với áp lực di cư ngày càng lớn và họ đã xử lý tốt vấn đề dù gặp
khó khăn, do lãnh thổ nhỏ.
Giáo
hội Công giáo Malta
Giáo hội
Công giáo Malta có nguồn gốc từ hoạt động loan báo Tin Mừng của thánh Phaolô
tông đồ. Theo sách Công vụ Tông đồ (các chương 27-28), thánh nhân đã bị đắm tàu
ở Malta vào mùa đông năm 60 khi trên đường đến Roma. Giám mục đầu tiên của
Malta là thánh Publio; ngài đã lãnh đạo Giáo hội Malta trong 3 thập niên cho
đến khi chịu tử đạo tại Athens vào năm 112.
Sự hiện
diện của Kitô giáo tại Malta được ghi dấu qua khoa khảo cổ học và các tài liệu.
Như các phần khác của đế quốc Roma cổ, Kitô giáo đã xuất hiện công khai sau
chiếu chỉ Milano của hoàng đế Constantino vào năm 313. Vào nửa đầu thế kỷ VIII,
các đảo của Malta cùng với các đảo Sicilia, Calabria và Illyricum của Ý được
hợp nhất vào Giáo hội Byzantine. Trong khoảng một thế kỷ, các nhà thờ ở những
đảo này thuộc Giáo hội Hy Lạp. Ảnh hưởng của Hy Lạp tiếp tục trong suốt thời
gian Hồi giáo thống trị Malta.
Năm
1530 hoàng đế Carlo V đã nhượng lại quần đảo Malta cho các Hiệp sĩ của Dòng
Thánh Gioan (được gọi là Hội Hiệp sĩ Malta). Các hiệp sĩ rời bỏ Malta vào năm
1798, khi Napoléon Bonaparte chiếm đóng quần đảo. Năm 1817, giáo phận Malta trở
thành một phần của giáo tỉnh Palermo và vào năm 1844, nó được tuyên bố là thuộc
quyền của Tòa thánh. Malta được Đức Giáo hoàng Pio XII nâng lên hàng tổng giáo
phận chính toà vào năm 1944.
Ngày
15/12/1965, sau khi độc lập, Cộng hòa Malta thiết lập quan hệ ngoại giao với
Tòa Thánh.
Một
Giáo hội sống động
Hiện
nay Giáo hội Malta có tổng giáo phận Malta và giáo phận Gozo, với 6 giám mục,
716 linh mục, gồm 411 linh mục triều và 305 linh mục dòng, 33 tu sĩ nam và 716
nữ tu. Giáo hội điều hành 74 trường học và 81 trung tâm bác ái và xã hội.
Tín hữu
Công giáo Malta sống đạo sống động, phần lớn trong số 85% tín hữu tham dự Thánh
lễ Chúa Nhật đều đặn. Đời sống giáo xứ rất tích cực và 85 giáo xứ hiện có đã
hòa nhập hoàn toàn vào đời sống và kết cấu của thành phố. Về tổng thể, tình cảm
tôn giáo vẫn còn mạnh mẽ và sự hiện diện của Giáo hội đã ăn sâu vào cơ cấu xã
hội, ngay cả qua nhiều tổ chức của Giáo hội.
Hoạt
động giáo dục
Về lĩnh
vực giáo dục, Giáo hội Malta điều hành hơn 70 trường Công giáo. Theo Hiến pháp
Malta, đạo Công giáo được giảng dạy trong các trường công lập. Một nguyên tắc
được tái khẳng định trong thỏa thuận giữa Tòa thánh và Malta ký ngày
16/11/1989, và trong “Các phương thức của quy định về giáo dục và giảng dạy đạo
Công giáo trong các trường công lập”. Một thỏa thuận khác giữa Tòa thánh và
Malta, được ký vào ngày 28/11/1991, đảm bảo sự tồn tại của các trường học do
Giáo hội điều hành trên đảo.
Hoạt
động bác ái xã hội
Về hoạt
động bác ái xã hội, Giáo hội có rất nhiều cơ sở trợ giúp dành cho người già,
người khuyết tật về thể lý và tâm trí, trong đó lâu đời nhất là “Nhà Chúa Quan
phòng”, được Đức ông Mikiel Azzopardi, linh hướng của phong trào Công giáo Tiến
hành Malta, thành lập vào năm 1965. Giáo hội còn điều hành những trung tâm dành
cho những người nghiện ma túy. Giáo hội là tổ chức đầu tiên mở một cơ sở cho
những người có vấn đề về ma túy; và cuối cùng là các cơ sở trợ giúp những nhóm
xã hội nghèo nhất.
Hoạt
động truyền giáo
Cộng
đồng Công giáo Malta cũng rất tích cực về truyền giáo, một công việc ngày nay
không chỉ liên quan đến các linh mục, tu sĩ nam nữ, mà còn cả giáo dân và các
gia đình.
Những
thách đố
Sống
đức tin trong bối cảnh đa nguyên
Nhưng
Giáo hội Malta cũng phải đối mặt với những thách thức do sự phát triển của xã
hội đặt ra: trước hết là vấn đề rao truyền đức tin trong bối cảnh đa nguyên.
Một đức tin không chỉ là tôn giáo bên ngoài hoặc một thực tế xã hội học, nghĩa
là, được thừa hưởng từ gia đình, như trong quá khứ, nhưng sống động, nhận thức
và được đào tạo tốt, được chia sẻ và làm chứng trong mọi môi trường. Ví dụ,
trong Thư Mùa Vọng năm 2012, Giáo hội Malta kêu gọi các tín hữu “đừng sợ thử
thách của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng”, nhưng hãy “ứng phó với những
khó khăn.”
Khủng
hoảng đời sống hôn nhân gia đình
Một
thách đố lớn khác là cuộc khủng hoảng gia đình hiện đã ảnh hưởng đến xã hội
Malta; bằng chứng của điều này là chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về ly
hôn, được tổ chức vào năm 2011. Thực tế, cho đến thời điểm đó, Malta là quốc
gia châu Âu duy nhất không cho phép tháo gỡ pháp lý về hôn nhân.
Cuộc
thảo luận về thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 2012 cũng rất sôi nổi, sau đó đã
được Quốc hội thông qua. Trong nhiều tuyên bố khác nhau, các giám mục địa phương
đã xác định thực hành này là “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức”, và đưa
ra lời kêu gọi bảo vệ sự sống và bảo vệ sự liên kết và tình yêu hôn nhân.
Năm
2017, Malta đã hợp pháp hóa các kết hợp đồng giới. Cũng trong trường hợp này,
các giám mục đã bày tỏ sự tiếc nuối và nhắc lại rằng “hôn nhân sẽ luôn là sự
kết hợp duy nhất giữa một người nam và một người nữ, và nhắm đến việc sinh sản
con cái”. Tuy nhiên, tại Malta, phá thai vẫn là điều bất hợp pháp.
Về mặt
tự do tôn giáo, cần lưu ý rằng vào tháng 7 năm 2016, Luật 133 đã sửa đổi một
đạo luật năm 1933 trừng phạt việc bôi nhọ tôn giáo Công giáo.
Vấn đề
người nhập cư
Cuối
cùng là thách đố chống lại tình trạng nghèo khổ cũ và mới và vấn đề nhập cư. Về
vấn đề nhập cư, Giáo hội Malta dấn thân cả trong việc nâng cao nhận thức và
thúc đẩy văn hóa chào đón và hội nhập, cũng như hỗ trợ vật chất cho người nhập
cư và người tị nạn thông qua Ủy ban Di cư, và trong việc vận động để bảo vệ
quyền của những người này. Các giám mục Malta cũng mạnh mẽ dấn thân trong việc
bảo vệ thụ tạo, đặc biệt là bảo vệ lãnh thổ khỏi các vụ lạm dụng xây dựng ven
biển. Trong một số trường hợp, Ủy ban Môi trường liên giáo phận đã kêu gọi sự
cần thiết phải đảm bảo sự phát triển bền vững và hệ sinh thái.
Tiếng
nói của các giám mục Malta
Các
giám mục Malta cũng đã lên tiếng về một số sự kiện chính trị ảnh hưởng đến đất
nước trong những năm gần đây. Vào năm 2019, các ngài đã đưa ra lời kêu gọi mạnh
mẽ cho sự đoàn kết dân tộc và không làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sau những
tiết lộ về vụ sát hại nhà báo Daphne Caruana Galicia, khiến các nhà lãnh đạo
của chính phủ Muscat bị thẩm vấn. Trong một thông tư được công bố vào những
ngày đó, các giám mục đã mời tất cả các bên liên quan “làm việc vì lợi ích
chung của xã hội Malta nói chung”, thúc đẩy “công lý, sự thật và trung thực”,
tôn trọng lẫn nhau và “mạnh mẽ từ chối mọi hình thức bạo lực.”
Hội
Hiệp sĩ Malta
Tại Malta có một tổ chức Giáo
hội nhưng cũng có tính quốc tế, đó là Hội Hiệp sĩ Malta. Được thành lập vào năm
1113, Hội Hiệp sĩ Malta ngày nay hoạt động tại 120 quốc gia, với 13.500 thành
viên nam nữ, chủ yếu trong lĩnh vực hỗ trợ y tế và nhân đạo với tư cách là cơ
quan luật pháp quốc tế và một dòng tu giáo dân Công giáo.