Đức
Thánh Cha Cử Hành Thánh Lễ Duy Nhất Tại Malta
Photo:
Vatican Media
G. Trần Đức
Anh, O.P. | RVA 03/04/2022
Sáng
Chúa nhật, mùng 03 tháng Tư, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ duy
nhất, trong chuyến viếng thăm tại Malta và ngài mời gọi các tín hữu vượt thắng
mọi thái độ giả hình.
Nơi Đức
Thánh cha cử hành thánh lễ gọi là Quảng trường “Vựa Lúa” vì xưa kia tại đây có
76 hầm chứa lúa lớn, nằm dưới lòng đất do các Hiệp sĩ thánh Gioan kiến thiết.
Đây là quảng trường lớn nhất đảo Malta, có thể chứa được 200.000 người.
Tại
đây, sáng ngày 09 tháng Năm năm 2001, thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng đã chủ
sự thánh lễ tôn phong ba chân phước người Malta, trước sự tham dự của 150.000
tín hữu. Và Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng dâng thánh lễ tại đây, sáng Chúa
nhật 18 tháng Tư năm 2010, trước sự tham dự của 50.000 tín hữu.
Đến nơi
vào lúc gần 10 giờ, Đức Thánh cha dùng xe Papamobile tiến qua các lối đi ở địa
điểm hành lễ để chào thăm khoảng 20.000 tín hữu, đoàn đại diện các Giáo hội
Kitô và tôn giáo bạn, trước khi bắt đầu cử hành thánh lễ lúc quá 10 giờ. Vì
tình trạng đại dịch, dân chúng tại Malta vẫn còn phải chịu nhiều hạn chế, kể cả
trong các buổi lễ tôn giáo.
Đồng tế
với Đức Thánh cha có khoảng hơn mười hồng y, giám mục, kể cả các vị thuộc đoàn
tùy tùng của Đức Thánh cha và hàng trăm linh mục.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong
bài giảng, Đức Thánh cha diễn giải bài Tin mừng Chúa nhật thứ V Mùa chay năm C,
kể lại người đàn bà ngoại tình bị những người biệt phái và luật sĩ dẫn đến
trước mặt Chúa Giêsu với hy vọng để ngài kết án ném đá người đàn bà tội lỗi ấy.
Đức Thánh cha phân tích thái độ của những người tố cáo và người phụ nữ tội lỗi
để rút ra những bài học cho các tín hữu.
Đức
Thánh cha nói:
“Trước
tiên, về những kẻ cáo buộc người đàn bà. Nơi họ, chúng ta nhìn thấy hình ảnh
của những người tự phụ là công chính, tuân giữ luật Chúa, những người tử tế,
tốt lành. Họ chẳng để ý đến những khuyết điểm của bản thân, nhưng lại rất chú ý
để vạch ra những lỗi của người khác. Và vì thế, họ đến gặp Chúa Giêsu, không
phải với tâm hồn cởi mở lắng nghe Chúa, nhưng “để thử thách và để có lý do để
cáo buộc Người” (v.6)”.
Đức
Thánh cha nhận xét rằng: “Đó là những người có học thức và mộ đạo, biết Kinh
thánh, lui tới đền thờ, nhưng lại đặt tất cả những việc ấy để phục vụ cho tư
lợi, chứ không bài trừ những tư tưởng ác ý trong tâm hồn họ. Trước mắt người
đời, họ có vẻ là những chuyên gia về Thiên Chúa, nhưng chính họ lại không biết
Chúa Giêsu, hay đúng hơn họ coi Người như một kẻ thù từ bên ngoài đến. Để làm
điều đó, họ đặt người phụ nữ trước mặt Chúa, như thể đó là một đồ vật và gọi bà
ta với giọng khinh bỉ “bà này” và công khai tố cáo bà ngoại tình. Họ thúc giục
để phụ nữ ấy bị ném đá, đổ trên bà sự oán ghét của họ đối với lòng cảm thương của
Chúa Giêsu. Họ làm tất cả những điều đó dưới danh nghĩa họ là những người đạo
đức.”
Áp dụng vào bản thân
Đức
Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, những nhân vật đó nói với chúng ta rằng cả
trong lối sống đạo của chúng ta cũng có thể bị vết tích giả hình và thích chỉ
tay chống người khác. Trong mọi thời, mọi cộng đoàn, luôn có nguy cơ hiểu lầm
Chúa Giêsu, miệng kêu tên Chúa, nhưng lại phủ nhận Chúa trong việc làm. Người
ta cũng có thể làm như thế, khi dương cao lá cờ thánh giá. Vậy, làm sao kiểm
chứng xem chúng ta có phải là các môn đệ tại trường của Thầy hay không? Thưa,
qua cái nhìn, qua cách thức chúng ta nhìn tha nhân và nhìn bản thân mình như
thế nào.”
“Qua
cách thức chúng ta nhìn tha nhân: nếu chúng ta làm như Chúa Giêsu chỉ cho chúng
ta hôm nay, nghĩa là hoặc với cái nhìn từ bi, hoặc cái nhìn xét đoán, thậm chí
nhiều khi khinh rẻ, như những người cáo buộc trong bài Tin mừng, người ta coi
mình là chiến sĩ của Thiên Chúa, nhưng lại không nhận thấy mình chà đạp anh chị
em. Trong thực tế, ai tưởng mình bảo vệ đức tin nhưng lại chỉ tay chống lại tha
nhân, thì tuy có một tôn giáo, nhưng lại không tuân giữ tinh thần Tin mừng, vì
họ quên lòng thương xót là con tim của Thiên Chúa.
“Để
kiểm chứng xem chúng ta có thực là các môn đệ của Thầy Chí Thánh hay không, cũng
cần kiểm điểm xem chúng ta nhìn chính mình như thế nào. Những kẻ cáo buộc người
phụ nữ xác tín mình chẳng có gì để học hỏi. Thực vậy, bộ máy bên ngoài của họ
rất hoàn hảo, nhưng lại thiếu sự thật của con tim. Họ là hình ảnh những tín
hữu, trong mọi thời đại, biến đức tin thành một yếu tố bên ngoài, qua đó, điều
nổi bật là cái vẻ bề ngoài long trọng, nhưng lại thiếu sự thanh bần nội tâm, là
kho tàng quí giá nhất của con người (...). Vì thế, khi cầu nguyện hoặc tham dự
các buổi lễ tôn giáo, chúng ta nên tự hỏi xem mình có hòa hợp với Chúa hay
không... Và khi chúng ta cởi mở tâm hồn với Chúa trong sự thật, Ngài có thể làm
những điều kỳ diệu nơi chúng ta.
Thái độ người phụ nữ ngoại tình
Đức
Thánh cha nói tiếp: “Bây giờ chúng ta hãy xem người đàn bà ngoại tình. Tình
trạng bà ta có vẻ bị tổn hại, nhưng dưới mắt bà, có mở ra một chân trời, không
thể tưởng. Bị lăng mạ, sẵn sàng chịu những lời quyết đoán và những hình phạt
nghiêm khắc, bà ta ngạc nhiên khi thấy mình được Thiên Chúa tha bổng, mở ra cho
bà trước một tương lai bất ngờ: “Không ai lên án bà sao?” - Chúa Giêsu nói -
Tôi cũng không lên án bà; hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (vv.10.11). Thật
là sự khác biệt dường nào giữa Thầy và những kẻ cáo buộc! Những kẻ ấy trích dẫn
Kinh thánh để kết án; Chúa Giêsu, là hiện thân Lời của Thiên Chúa, phục hồi
hoàn toàn cho người phụ nữ ấy, trả lại hy vọng cho bà. Từ sự việc này chúng ta
học thấy rằng mỗi nhận xét, nếu không do đức bác ái thúc đẩy và không chứa đựng
bác ái thì chôn vùi thêm người nhận những quan sát đó. Trái lại, Thiên Chúa
luôn mở ngỏ một khả thể và mỗi lần đều biết tìm thấy những con đường giải thoát
và cứu độ.
Cuộc
sống của người phụ nữ ấy thay đổi nhờ tha thứ. Thậm chí có thể nghĩ rằng nhờ
được Chúa Giêsu tha thứ, bà cũng học biết tha thứ. Có thể là bà không nhìn thấy
nơi những kẻ cáo buộc mình là những người cứng nhắc và gian ác, nhưng như những
người đã giúp bà gặp được Chúa Giêsu. Chúa muốn rằng chúng ta, những môn đệ của
Người, trong tư cách là Giáo hội, được Chúa tha thứ, trở thành những chứng nhân
không biết mệt mỏi về sự tha thứ: chứng nhân của một Thiên Chúa, đối với Người,
không có từ “không thể phục hồi được”; một Thiên Chúa luôn tha thứ, tiếp tục
tin nơi chúng ta và ban mọi cơ hội để bắt đầu lại.
Và Đức
Thánh cha kết luận rằng: Nếu chúng ta noi gương Chúa, chúng ta sẽ không đi đến
chỗ tập trung vào việc tố cáo tội lỗi, nhưng yêu thương tìm kiếm những tội
nhân. Chúng ta sẽ không quan tâm đến những người hiện diện, nhưng đi tìm những
người vắng mặt. Chúng ta sẽ không tái chỉ tay lên án, nhưng bắt đầu lắng nghe.
Không gạt bỏ những người bị khinh rẻ, nhưng coi như thứ nhất những người bị coi
là rốt cùng.
Cuối
thánh lễ, Đức Tổng giám mục giáo phận Malta sở tại, Scicluna, đã đại diện mọi
người cám ơn Đức Thánh cha. Nhân dịp này, Đức Thánh cha cũng ngỏ lời cám ơn Đức
Tổng giám mục và mọi người. Đặc biệt ngài cám ơn Tổng thống và chính quyền, các
anh em giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và mọi công dân, tín hữu ở Malta vì sự
đón tiếp và lòng quí mến. Ngài tái kêu gọi cầu nguyện cho nhân dân Ucraina tiếp
tục phải chịu những cuộc pháo kích và dội bom.
Sau đó,
Đức Thánh cha và mọi người đọc kinh Truyền tin kính Đức Mẹ, trước khi ban phép
lành kết thúc, vào lúc 11 giờ 45 giờ địa phương. Liền đó, Đức Thánh cha về Tòa
Sứ thần để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.