06-4 Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Trong Chiến Tranh Tại Ucraina Hiện Nay, Chúng Ta Chứng Kiến Sự Bất Lực Của Các Tổ Chức Quốc Tế

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 06/04/2022

https://www.youtube.com/watch?v=ISKt83LRUCo (10phut)

Sáng thứ Tư, mùng 06 tháng Tư năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 6.000 tín hữu hành hương, ngồi đầy Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đoạn đoạn sách Tông đồ Công vụ thuật lại sự tích thánh Phaolô và các bạn đồng hành bị đắm tàu và trôi dạt vào đảo Malta và được dân chúng tại đây đón tiếp, giúp đỡ (Cv 28,1-2):

“Sau khi được cứu thoát, chúng tôi được biết rằng đảo nào tên là Malta. Những người dân tại đây đã đối xử chúng tôi với lòng nhân đạo hiếm có; tất cả chúng tôi tụ tập quanh đống lửa, mà họ đã đốt lên vì mưa xảy đến và trời lạnh”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tạm gác lại loạt bài giáo lý về tuổi già để thuật lại chuyến tông du ngài mới thực hiện hồi cuối tuần qua tại Malta.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vị trí quan trọng của Malta

Thứ Bảy và Chúa nhật vừa qua, tôi đã đến Malta: một cuộc tông du đã được lên chương trình từ lâu, nhưng bị dời lại vì đại dịch. Có nhiều người không biết rằng Malta, tuy là một đảo ở giữa Địa Trung Hải, nhưng đã đón nhận Tin mừng rất sớm, vì thánh Phaolô tông đồ bị đắm tàu gần bờ biển đảo này và đã được thoát nạn lạ lùng cùng với tất cả những người ở trên tàu, hơn 270 người. Sách Tông đồ Công vụ kể lại rằng người Malta đã đón tiếp tất cả “với lòng nhân đạo hiếm có” (28,2). Tôi đã chọn những lời này “với lòng nhân đạo hiếm có”, như khẩu hiệu cuộc viếng thăm của tôi, vì nó chỉ đường cần theo, không những để đương đầu với hiện tượng di dân, nhưng nói rộng rãi hơn nữa để thế giới trở nên huynh đệ hơn, dễ sống hơn, và được cứu thoát khỏi một “cuộc đắm tàu” đang đe dọa tất cả chúng ta, là những người ở trên cùng một con tàu - như chúng ta đã học. Trong viễn tượng đó, Malta là một nơi chủ yếu.

Malta nơi gặp gỡ các nền văn hóa

Malta có đặc tính như thế về phương diện địa lý, do vị trí của đảo ở trung tâm biển giữa Âu châu và Phi châu, nhưng có liên hệ với cả Á châu. Malta là một thứ “hoa hồng gió”, nơi các dân tộc và các nền văn hóa gặp gỡ nhau; đó là một điểm ưu tiên để quan sát 360 độ vùng Địa Trung Hải. Ngày nay người ta nói nhiều về “chính trị địa lý”, nhưng rất tiếc tiêu chuẩn chính yếu là chiến lược của các nước hùng cường hơn để phục vụ lợi ích của họ bằng cách mở rộng vùng ảnh hưởng kinh tế, ý thức hê và quân sự. Trong khuôn khổ đó, Malta đại diện cho quyền và sức mạnh của “những người bé nhỏ”, của các tiểu quốc nhưng phong phú về lịch sử và văn minh, lẽ ra các nước này phải thi hành một tiêu chuẩn khác: đó là tôn trọng và tự do, sống chung những khác biệt, đối nghịch với sự thực dân hóa của các nước hùng mạnh hơn”. Sau Thế chiến thứ hai, người ta đã cố gắng đặt nền tảng cho một lịch sử mới về hòa bình, nhưng rất tiếc là lịch sử cũ của các đại cường quốc cạnh tranh nhau lại tiếp diễn. Và trong chiến tranh tại Ucraina hiện nay, chúng ta chứng kiến sự bất lực của các tổ chức quốc tế.

Vai trò Malta về phương diện các cuộc di cư

Khía cạnh thứ hai: Malta là một nơi chủ yếu về hiện tượng di cư. Tại Trung tâm tiếp cư Gioan XXIII, tôi đã gặp nhiều người di dân. Họ tới đảo Malta này sau những chuyến đi kinh khủng. Đừng nên mệt mỏi lắng nghe những chứng từ của họ, vì chỉ như thế chúng ta mới ra khỏi những cái nhìn xuyên tạc thường được phổ biến trên các phương tiện truyền thông và chúng ta có thể nhận ra những khuôn mặt, những chuyện đời, những vết thương, những giấc mơ và hy vọng. Mỗi người di cư là độc nhất vô nhị, là một người với phẩm giá của họ, những căn cội, văn hóa của họ. Mỗi người trong họ đều mang một sự phong phú lớn hơn những vấn đề mà sự đón tiếp họ có thể kèm theo.

Chắc chắn, việc đón tiếp di dân cần được tổ chức, điều hành và trước tiên, cần cùng được đề ra dự án, trên bình diện quốc tế. Vì hiện tượng di cư không thể bị thu hẹp vào một tình trạng khẩn cấp, nó là một dấu chỉ thời đại chúng ta. Cần phải đọc và giải thích như thế. Nó có thể trở thành một dấu chỉ xung đột, hoặc một dấu chỉ hòa bình. Điều này tùy thuộc chúng ta. Người ở Malta đã thành lập Trung tâm Gioan XXIII, đã thực hiện một chọn lựa theo tinh thần Kitô và vì thế đã gọi trung tâm này là “Phòng thí nghiệm hòa bình”. Nhưng tôi muốn nói rằng Malta nói chung là một phòng thí nghiệm hòa bình! Và có thể thực hiện sứ mạng này nếu, từ căn cội của mình Malta kín múc nhựa sống tình huynh đệ, cảm thương, liên đới. Nhân dân Malta đã lãnh nhận các giá trị này cùng với Tin mừng và nhờ Tin mừng, Malta có thể giữ cho các giá trị ấy được sinh động.

Đức Thánh cha củng cố đức tin của dân Chúa ở Malta

Vì thế, trong tư cách là Giám mục Roma, tôi đã đến để củng cố dân tộc Malta trong đức tin và tình hiệp thông. Thực vậy, khía cạnh thứ ba: Malta cũng là nơi chủ yếu về phương diện loan báo Tin mừng. Từ Malta và Gozo, hai giáo phận tại đất nước này, bao nhiêu linh mục, tu sĩ và cả giáo dân, đã mang chứng tá Kitô trên toàn thế giới. Như thể việc thánh Phaolô đi qua nước này đã để lại sứ mạng truyền giáo trong hệ DNA của người Malta! Vì thế cuộc viếng thăm của tôi trước tiên là một cử chỉ biết ơn, cám ơn Thiên Chúa và dân thánh của Người ở Malta và Gozo.

Tuy nhiên, tại nơi đó luồng gió tục hóa và ngụy văn hóa toàn cầu hóa dựa trên căn bản tiêu thụ, tân tư bản và duy tương đối cũng đang thổi qua. Vì thế, tại Malta hiện nay cũng là thời kỳ tái truyền giảng Tin mừng. Cuộc viếng thăm mà, cũng như các vị tiền nhiệm của tôi, tôi đã thực hiện tại hang đá thánh Phaolô, như thể một sự kín múc từ nguồn mạch, để Tin mừng có thể chảy ra cho Malta với một sự tươi mát nguyên thủy và hồi sinh đại gia sản lòng đạo đức bình dân. Điều này được tượng trưng bằng Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Ta’Pinu, ở đảo Gozo, nơi mà chúng tôi đã cử hành một cuộc gặp gỡ cầu nguyện nồng nhiệt. Tại đó, tôi cảm thấy nhịp tim đập của dân tộc Malta, rất có lòng tín thác nơi Mẹ Thánh của mình. Mẹ Maria luôn đưa chúng ta tới điều thiết yếu, tới Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại vì chúng ta, tới tình yêu thương xót của Chúa. Mẹ Maria giúp chúng ta hồi sinh ngọn lửa đức tin bằng cách kín múc từ ngọn lửa của Chúa Thánh Linh, Đấng linh hoạt từ thế hệ này sang thế hệ khác việc hân hoan loan báo Tin mừng, vì niềm vui của Giáo hội là rao giảng Tin mừng!

Lời cám ơn

Đức Thánh cha nói: “Nhân dịp này, tôi tái cám ơn Tổng thống Cộng hòa Malta và các vị lãnh đạo khác của chính quyền dân sự, đã đón tiếp tôi rất tử tế; tôi cũng cám ơn các giám mục và mọi thành phần của cộng đoàn Giáo hội, những người thiện nguyện và bao nhiêu người đã đồng hành với tôi trong kinh nguyện. Thực vậy, chúng ta gieo vãi, nhưng chính Chúa làm cho hạt giống tăng trưởng. Ước gì lòng từ nhân vô biên của Chúa ban dồi dào hoa trái hòa bình và mọi điều thiện hảo khác cho nhân dân Malta yêu quí!

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha cám ơn các tín hữu, qua kinh nguyện, đã đồng hành với ngài trong cuộc hành hương ở Malta. Đức Thánh cha nói: “Trong Mùa chay này, dọn lòng chúng ta cử hành lễ Chúa Phục Sinh, anh chị em đã chứng tỏ lòng quảng đại đặc biệt và gương mẫu đối với các anh chị em Ucraina chúng ta. Anh chị em đã mở rộng tâm hồn và nhà cửa đón tiếp họ. Xin Chúa chúc lành cho tổ quốc anh chị em vì tình liên đới này và xin Chúa tỏ nhan thánh của Ngài cho anh chị em”.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các linh mục đặc trách đào tạo thuộc dòng Ngôi Lời, hiệp hội “thăng tiến tương quan và gia đình. Ngài nhắn nhủ mọi người hãy mang ánh sáng Tin mừng đi khắp nơi, qua chứng tá Kitô vui tươi.

Sau cùng như thường lệ, Đức Thánh cha chào thăm những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc nhở rằng: “Tôi mời gọi anh chị em hãy sống Tuần thánh sắp tới với sự tham gia sốt sáng vào mầu nhiệm tình yêu thương cứu chuộc sẽ được tưởng niệm trong Tuần thánh. Ước gì ánh sáng của Con Thiên Chúa, chịu đóng đanh và sống lại hướng dẫn anh chị em làm chứng cho sự thật của Chúa, sự thật này mở tâm trí người trẻ, làm cho tâm hồn bệnh nhân và người già được thanh thản, nâng đỡ tình yêu thương nhau của các đôi vợ chồng”.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2022