Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Người Cao Niên Phải Được Yêu Mến Và Kính Trọng

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 20/04/2022

Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư Tuần bát nhật Phục sinh, 20 tháng Tư năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến hàng chục ngàn tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Ngài đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu trước khi tiến lên lễ đài, mở đầu buổi tiếp kiến với dấu thánh giá và lời chào phụng vụ của ngài, rồi mọi người nghe đoạn sách Huấn Ca (Sr 3,3-6.12-13.16) bằng tám thứ tiếng:

“Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng (..) Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ sáu này có tựa đề là: “Hãy tôn kính cha mẹ”: lòng yêu mến đối với tuổi già.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, với sự giúp đỡ của lời Chúa, chúng ta bàn đến sự mong manh của tuổi già, với những cảm nghiệm đặc về sự hoang mang và suy nhược, mất mát và bỏ rơi, thất vọng và nghi ngờ. Dĩ nhiên, những cảm nghiệm về sự giòn mỏng của chúng ta, đứng trước những tình trạng bi thảm - đôi khi thê thảm - của cuộc sống, có thể xảy ra mọi lúc trong cuộc đời. Nhưng trong tuổi già, những tình trạng ấy có thể ít gây ấn tượng hơn và làm cho những người khác chán ngán và thậm chí khó chịu. Những vết thương trầm trọng hơn mà tuổi thơ và tuổi trẻ phải chịu, có lý mà tạo nên một cảm thức bất công và nổi loạn, một sức mạnh phản ứng và tranh đấu. Trái lại những vết thương, cả những vết trầm trọng, của tuổi già chắc chắn làm cho người ta có cảm tưởng đó là điều bình thường vì ở trong tuổi già.

Trong kinh nghiệm chung của con người, người ta nói, tình yêu giảm dần: trở lại cuộc sống đã trải qua với cùng sức mạnh đối với cuộc sống ta đang có trước mặt. Sự nhưng không của tình thương cũng diễn ra trong điều này: các cha mẹ vẫn luôn biết điều đó, những người già sớm học được điều đó. Dầu vậy, nhận thức về sự kiện đó mở đường cho một sự phục hồi tình thương: đó là con đường tôn kính người đã đi trước chúng ta.

Tình yêu đặc biệt này mở ra con đường dưới hình thức tôn kính - sự dịu dàng và đồng thời là tôn trọng, dành cho tuổi già được giới răn của Thiên Chúa củng cố. “Hãy tôn kính cha mẹ”, là một nghĩa vụ long trọng, giới răn đầu tiên trong phần thứ hai của Mười Giới Răn. Đây không phải chỉ là cha mẹ của chúng ta. Đó còn là thế hệ và những thế hệ đi trước chúng ta, sự giã từ các thế hệ ấy cũng có thể chậm rãi và kéo dài, tạo nên một thời gian và không gian sống chung lâu dài với những lứa tuổi khác nhau của cuộc sống. Nói khác đi, vấn đề ở đây là tuổi già trong cuộc đời.

Tôn kính là một từ đẹp đẽ để diễn tả lòng yêu mến đối với tuổi già. Ngày nay, chúng ta phải tái khám phá từ “phẩm giá” để chỉ giá trị của sự tôn trọng và chăm sóc sự sống của bất kỳ người nào. Ở đây phẩm giá có nghĩa là tôn kính.

Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ về sự xác định tình thương là tôn kính. Sự chăm sóc bệnh nhân, nâng đỡ người không tự lập được, bảo đảm lương bổng, có thể thiếu sự tôn kính. Sự tôn kính bị thiếu khi có thái độ quá tự tin, thay vì hành động tế nhị và yêu thương, dịu dàng và tôn trọng, thì nó biến thành một sự thô lỗ và hư hỏng. Khi sự yếu nhược của người già bị trách cứ và thậm chí bị trừng phạt, như thể đó là một lỗi. Khi sự hoang mang và lầm lẫn của người già mở đường cho sự chế nhạo và trách mắng. Điều đó có thể xảy ra thậm chí giữa bốn bức tường gia đình, trong các nhà thương, và cả trong các văn phòng và môi trường công cộng của thành phố. Khuyến khích nơi người trẻ, kể cả một cách gián tiếp, một thái độ tự mãn - và thậm chí khinh rẻ, đối với tuổi già, những yếu nhược và bấp bênh của họ, sẽ tạo ra những điều đáng kinh tởm. Nó mở đường cho những thái quá không thể tưởng tượng được. Những thiếu niên đốt chăn đắp của một người vô gia cư, vì chúng coi ông ta như một đồ phế thải của con người, thì đó là một đỉnh băng sơn, nghĩa là coi rẻ đối với một cuộc sống, không còn những thu hút và những động lực của giới trẻ, đã mở đường như một cuộc sống gạt bỏ.

Sự khinh rẻ này, làm mất danh dự của người già, trong thực tế nó làm cho tất cả chúng ta bị mất danh dự. Đoạn sách Huấn Ca chúng ta đã nghe lúc nãy có lý mà tỏ ra nghiêm khắc đối với sự làm mất danh dự ấy, kêu báo oán trước mặt Chúa. Có một đoạn, trong chuyện ông Noê, biểu lộ rất rõ về điều này. Cụ già Noê, anh hùng trong Đại hồng thủy, và vẫn còn là một người làm việc nhiều, nằm hở hang sau khi uống quá vài ly. Con cái của ông, để khỏi đánh thức cha trong tình trạng tế nhị ấy, đã ân cần lấy chăn đắp cho cha, với cái nhìn cúi xuống, trong thái độ kính trọng. Đoạn văn này rất đẹp và nói lên tất cả sự tôn trọng phải có đối với người già.

Mặc dù tất cả những bảo hiểm vật chất mà xã hội giàu có và tổ chức qui củ dành cho tuổi già, trong đó chúng ta chắc chắn có thể hãnh diện, cuộc chiến đấu để trả lại hình thức đặc biệt về sự yêu thương chính là thái độ tôn trọng. Tôi thấy dường như nó mong manh và chưa được đúng múc. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để nâng đỡ tuổi già và khuyến khích, cống hiến sự nâng đỡ về mặt xã hội và văn hóa cho những người nhạy cảm đối với hình thức quan trọng này của “nền văn minh tình thương”. Đây không phải là một vấn đề mỹ phẩm trang điểm hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Đúng hơn đây là một vấn đề tôn trọng, phải biến đổi việc giáo dục người trẻ đối với sự sống và qua các giai đoạn. Lòng yêu mến đối với con người là điều chung, bao gồm cả sự tôn trọng tuổi già, tôn trọng người già, đó là không là vấn đề đối với người già. Đúng hơn đó là một ước vọng làm cho tuổi trẻ được rạng ngời, được thừa hưởng những phẩm chất tốt đẹp hơn từ đó. Ước gì Sự Khôn ngoan của Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta được mở ra chân trời cách mạng văn hóa đích thực với nghị lực cần thiết.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Ngài chào các tín hữu nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Myanmar, và Mỹ; đồng thời nói thêm rằng: trong niềm vui của Chúa Kitô phục sinh, tôi khẩn cầu trên anh chị em và thân quyến tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha Chúng ta.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở: “Chúa nhật tới đây, chúng ta sẽ cử hành lễ kính Lòng Chúa thương xót. Chúa Kitô dạy chúng ta rằng con người không chỉ cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa, nhưng còn được mời gọi biểu lộ lòng thương xót ấy cho tha nhân. Tôi đặc biệt biết ơn anh chị em vì lòng thương xót đối với bao nhiêu người tị nạn Ucraina. Họ tìm được tại Ba Lan những cánh cửa mở rộng và những tâm hồn quảng đại. Xin Chúa thưởng công cho anh chị em vì lòng nhân từ. Chúng ta cũng hãy tín thác cầu xin Chúa Kitô xót thương cho những người già, các bệnh nhân và người sầu khổ. Ước gì Chúa Kitô Phục Sinh khơi lên nơi chúng ta niềm hy vọng và tình thần đức tin.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các linh mục thuộc giáo phận Milano, bắc Ý, mừng kỷ niệm 40 năm linh mục, các phó tế thuộc Học viện Quốc tế của dòng Tên, các nữ tu dòng Nữ Tỳ của Chúa và của Đức Mẹ ở Matarà, các nữ tập sinh và khấn sinh thuộc các dòng khác nhau. Đức Thánh cha nói: “Tôi cầu nguyện cho mỗi người, xin Chúa đồng hành và nâng đỡ hành trình của chị em trung thành và thánh hiến cho Chúa”.

Sau cùng như thường lệ, Đức Thánh cha chào thăm những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài cầu mong rằng: “Sứ điệp phát sinh từ mầu nhiệm Phục sinh là một nghĩa vụ của mọi người dấn thân nhận ra rằng trong biến cố Chúa Kitô, có loan báo chân lý sâu thẳm nhất về con người và vạch ra định mệnh của nhân loại”.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2022