Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng Với Đức Thánh cha: Chúa Giêsu Không Đầu Hàng, Không Mệt Mỏi Vì Những Khủng Hoảng Và Yếu Đuối Của Chúng Ta

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 25/04/2022

Sau khi tham dự và giảng lễ, trong thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, diễn ra tại Đền thờ thánh Phêrô, sáng Chúa nhật ngày 24 tháng Tư năm 2022, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ Văn phòng của Đức Giáo hoàng, ở lầu ba dinh Tông tòa, để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 20.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Đức Thánh cha chúc mừng các tín hữu Đông phương nhân dịp Lễ Phục sinh, theo niên lịch Giulianô, đồng thời tái kêu gọi ngưng chiến tại Ucraina và đừng leo thang chiến tranh. Chiến cuộc đã kéo dài hai tháng rồi.

Bài huấn dụ của Đức Thánh cha

Như thường lệ, trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải bài Tin mừng của ngày lễ và nói rằng:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Hôm nay, ngày cuối cùng trong Tuần Bát nhật Phục sinh, bài Tin mừng thuật lại cho chúng ta lần hiện ra đầu tiên và lần thứ hai của Chúa Phục sinh với các môn đệ. Chúa Giêsu đến với họ trong Lễ Vượt qua, giữa lúc các tông đồ đóng kín trong Nhà Tiệc Ly, nhưng vì Tôma, một trong nhóm Mười Hai, không hiện diện. Tám ngày sau ông mới trở lại (Xc Ga 20, 19-29). Chúng ta hãy chú ý đến hai nhân vật chính, Tôma và Chúa Giêsu, trước tiên ta nhìn người môn đệ rồi nhìn Thầy Chí Thánh.

Thái độ của Tôma

“Nhất là nhìn tông đồ Tôma. Ông tượng trưng tất cả chúng ta, là những người không hiện diện trong nhà Tiệc Ly khi Chúa hiện ra và không có những dấu chỉ thể lý khác hoặc những lần Chúa hiện ra. Cả chúng ta, cũng như môn đệ ấy, nhiều khi chúng ta cũng gặp khó khăn: không được thấy và động chạm đến Chúa, làm sao chúng ta có thể tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, Đấng đồng hành với chúng ta và là Chúa của đời sống chúng ta? Tại sao Chúa không cho chúng ta vài dấu hiệu hiển nhiên hơn về sự hiện diện và về tình thương của Chúa? Và thế là chúng ta cũng như Tôma.

Không nên xấu hổ vì cảm thấy khó tin

Nhưng chúng ta không nên xấu hổ về điều đó. Thực vậy, khi kể lại chuyện tông đồ Tôma, Tin mừng nói với chúng ta rằng Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo, những người không bao giờ nghi ngờ và luôn tỏ ra mình có một niềm tin chắc chắn. Không phải vậy, cuộc phiêu lưu đức tin, như đối với Tôma, gồm những ánh sáng và bóng tối. Chẳng vậy, đức tin sẽ như thế nào? Đức tin cũng có những lúc an ủi, hăng hái, nhiệt thành, nhưng cũng có những lúc mệt mỏi, lạc hướng, nghi ngờ và tối tăm. Tin mừng tỏ cho chúng ta thấy “khủng hoảng” của Tôma, để nói với chúng ta rằng chúng ta đừng sợ những khủng hoảng trong cuộc sống và về đức tin. Bao nhiêu lần những khủng hoảng ấy làm cho chúng ta trở nên khiêm tốn, vì chúng lột bỏ ý tưởng mọi sự tốt đẹp, và nghĩ rằng chúng ta tốt đẹp hơn những người khác. Những khủng hoảng giúp chúng ta nhận ra mình là những người túng thiếu: chúng khơi dậy sự cần thiết về Thiên Chúa và qua đó giúp chúng ta trở về với Chúa, động chạm đến những vết thương của Ngài và tái cảm nghiệm tình thương của Chúa, như lần đầu tiên. Có một đức tin bất toàn nhưng khiêm tốn, luôn trở về với Chúa Giêsu thì tốt hơn là một đức tin mạnh mẽ nhưng tự phụ, làm cho ta vênh vang và kiêu ngạo.

Thái độ của Chúa Giêsu

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Và đứng trước sự vắng mặt và hành trình của Tôma, cũng thường xảy ra cho chúng ta, đâu là thái độ của Chúa Giêsu? Tin mừng hai lần nói rằng Chúa “đến” (vv.19.26). Lần đầu tiên rồi lần thứ hai, tám ngày sau đó. Chúa Giêsu không đầu hàng, không mệt mỏi vì chúng ta, không kinh hãi vì những khủng hoảng và yếu đuối của chúng ta. Chúa luôn trở lại: Khi những cánh cửa khép kín, Ngài trở lại; khi chúng ta nghi ngờ, Chúa trở lại; giống như Tôma, khi chúng ta cần gặp và động chạm đến Chúa, Chúa trở lại. Ngài luôn trở lại, không phải với những dấu hiệu hiển hách làm cho chúng ta cảm thấy bé nhỏ và bất xứng, nhưng với những vết thương, những dấu hiệu tình thương mà ngài liên kết với những giòn mỏng, yếu đuối của chúng ta.

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em thân mến, đặc biệt khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi hoặc trong những lúc bị khủng hoảng, Chúa Giêsu Phục sinh muốn trở lại để ở với chúng ta. Chúa chỉ chờ đợi chúng ta tìm kiếm Ngài, kêu cầu Ngài, và thậm chí như Tôma, chúng ta phải đối diện, mang cho ngài những nhu cầu và sự thiếu tin tưởng của chúng ta. Chúa trở lại, vì Ngài kiên nhẫn và thương xót. Chúa đến mở cửa những phòng Tiệc Ly với những sợ hãi và thiếu lòng tin của Chúng ta, vì Chúa luôn muốn cho chúng ta một cơ hội khác. Vậy chúng ta hãy nghĩ đến lần chót, trong một lúc khó khăn hoặc khủng hoảng, chúng ta đã khép kín vào mình; đóng khung trong những vấn đề của chúng ta, và để Chúa Giêsu ở ngoài nhà. Lần tới, khi gặp những cơ cực, chúng ta hãy tái hứa tìm kiếm Chúa Giêsu, trở về với Chúa, với ơn tha thứ, với những vết thương đã chữa lành chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ có khả năng cảm thương, xích lại gần, không tỏ ra cứng nhắc và không thành kiến đối với những vết thương của người khác.

Và Đức Thánh cha khẩn nguyện rằng: “Xin Đức Mẹ là Mẹ Xót Thương, đồng hành với chúng con trong hành trình tin yêu”.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha chúc mừng các tín hữu Đông phương, trong đó có các tín hữu Chính thống và cả các tín hữu Công giáo theo nghi lễ Đông phương mừng lễ Phục sinh vào Chúa nhật 24 tháng Tư này, theo lịch Giulianô.

Đức Thánh cha nhắc đến chiến tranh tại Ucraina đã kéo dài hai tháng và cuộc chiến càng trở nên khốc liệt và hung bạo hơn trong những tuần vừa qua. Đức Thánh cha lập lại lời kêu gọi đình chiến, đã đưa vài ngày trước đó đồng thời khẳng định rằng hòa bình là điều có thể, xin các vị lãnh đạo chính trị hãy lắng nghe tiếng kêu của người dân.

Đức Thánh cha gửi lời chào thăm những người tham dự cuộc Tuần hành hòa bình, từ thành Perugia đến Assisi thuộc miền Umbria, trung Ý.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2022